Đề nghị làm rõ giá xét nghiệm COVID-19, từ thiện cá nhân… để báo cáo Quốc hội
Sự kiện - Ngày đăng : 17:42, 12/10/2021
4/12 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu
Ngày 12.10, báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, dù lần đầu đối mặt với tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu cả về y tế, kinh tế, xã hội, nhưng Việt Nam vẫn giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, cơ bản bảo đảm các cân đối lớn.
Theo đó, lạm phát được kiểm soát, bình quân 9 tháng tăng 1,82%, dưới mức Quốc hội giao (khoảng 4%). Thu ngân sách nhà nước (NSNN) ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi NSNN trong phạm vi dự toán (4% GDP). Huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt mục tiêu đề ra; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng…
Theo ông Dũng, dự kiến có 4/12 chỉ tiêu chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64% so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đã ảnh hưởng nghiêm trọng, tăng trưởng quý 3 giảm 6,17%, kéo tốc độ tăng trưởng 9 tháng GDP chỉ đạt 1,42%.
Ngoài ra, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn một số rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc. Xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; lưu thông hàng hóa có lúc, có nơi ách tắc cục bộ.
Các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán có thời điểm tăng nóng; tỷ lệ thất nghiệp là 3,72%, thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ quý 1/2020 đến nay.
Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đề ra 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường.
Trong đó tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng từ 6 - 6,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; bội chi NSNN so với GDP khoảng 4%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 67%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 27 - 27,5%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1 - 1,5%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 92%…
Lưu ý hành lang pháp lý ứng phó với tình trạng khẩn cấp
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với nhiều nội dung theo báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên ủy ban đề nghị Chính phủ quan tâm một số vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021.
Cụ thể là việc thực hiện các chính sách tài khóa, tiền tệ - tín dụng và an sinh xã hội để hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, đánh giá rõ hơn kết quả, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ; đánh giá rõ hơn công tác điều hành, phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 của các địa phương và làm rõ nguyên nhân chủ quan, khách quan, những hạn chế lớn.
Trong đó cần lưu ý vấn đề hành lang pháp lý để ứng phó với tình trạng khẩn cấp về y tế, việc đầu tư sản xuất vắc xin, thuốc điều trị, quản lý dân cư... bộc lộ trong quá trình phòng chống dịch thời gian qua để có các chiến lược, chính sách phù hợp trong ngắn hạn và dài hạn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ phân tích, đánh giá làm rõ hơn nguyên nhân các chỉ tiêu không đạt, đặc biệt với chỉ tiêu đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP cả năm; về chuyển đổi số; khả năng tăng thu và việc giảm chi và mức bội chi hợp lý, những tác động đến nợ công, kinh tế vĩ mô.
Ngoài ra là việc thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2021 và năm 2022; tiến độ một số dự án trọng điểm, tình hình triển khai thực hiện các công trình quan trọng quốc gia; tăng trưởng tín dụng, kết quả xử lý nợ xấu, tình hình nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ông Vũ Hồng Thanh cũng cho biết nhiều nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục không được tiến hành theo đúng kế hoạch. Năng lực y tế, nhất là hệ thống y tế cơ sở còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra với ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề cần sớm triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn để chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước.
Một số vấn đề cũng cần được phân tích, đánh giá kỹ như cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước quá chậm và chưa đạt kết quả như yêu cầu…
Rà soát giá xét nghiệm, từ thiện cá nhân...
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, năm 2020-2021 là giai đoạn khó khăn nhất từ trước đến nay của đất nước. Do đó cần có các gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn, các biện pháp mạnh mẽ hơn để phục hồi kinh tế, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, chấn chỉnh thái độ trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức…
Ngoài ra, theo ông Định, có ý kiến đề nghị Chính phủ có kiểm tra, rà soát và làm rõ một số vấn đề nổi lên thời gian qua để có báo cáo Quốc hội như giá xét nghiệm COVID-19; vấn đề từ thiện của cá nhân; việc chuyển dịch lao động, nhất là tại các tỉnh phía nam, lao động về quê; vấn đề dạy và học trực tuyến; tác động của đại dịch đối với các nhóm yếu thế trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số, khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ…
Có ý kiến đề nghị quan tâm đến tình hình trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh năm 2021 gia tăng một số loại vi phạm và tội phạm như không chấp hành quy định về khai báo y tế, cách ly, làm lây lan dịch bệnh, tội chống người thi hành công vụ, tội làm giả vật tư y tế thiết bị, tham nhũng trong công tác phòng chống dịch bệnh...