Việc sứ giả nhà Minh nói Lê Tương Dực là 'Vua lợn' cần phải xem lại
Giáo dục - Ngày đăng : 10:45, 27/10/2018
Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Tháng giêng, ngày 26 (1513), nhà Minh sai chánh sứ là Hàn lâm viện biên tu Trạm Nhược Thuỷ, phó sứ là Hình khoa hữu cấp sự trung Phan Hy Tăng sang sách phòng vua làm An Nam Quốc Vương và ban cho một bộ áo mũ quan võ bằng da, một bộ thường phục. Hy Tăng trông thấy vua, bảo Nhược Thuỷ rằng: "Quốc vương An Nam mặt thì đẹp mà người lại lệch, tính háo dâm, là vua lợn, loạn vong sẽ không lâu đâu".
Đến đây chúng ta phải đặt lại câu hỏi về tính chính xác trong phát ngôn của Hy Tằng. Trước hết, Hy Tằng đi sứ thì đâu thể ăn nói lung tung đoán bừa chuyện tương lai, hậu vận của vua nước khác như thế. Việc Hy Tằng nói nhỏ với Nhược Thủy nếu là có thật đi chăng nữa thì đó chỉ là chuyện bí mật giữa hai người nên sử quan nước ta đâu có thể nghe thấy mà đưa vào sử được. Nói chung trong sử Việt có rất nhiều giai thoại không có độ kiểm chứng được chép vào rất dễ gây ngộ nhận như chúng tôi từng đề cập trong bài Về lời nguyền của Lý Huệ Tông với nhà Trần: Giai thoại vụng về? hay bài Cần minh oan cho con trai Hưng Đạo vương bị vu tội phản nghịch
Hơn nữa, nếu quả thực Hy Tằng có lời tiên đoán đúng như vậy thì chắc sử nhà Minh đã phải chép ngay giai thoại này với niềm tự hào lớn lao rồi. Nhưng Minh Sử chẳng có dòng nào chép về Hy Tằng còn trong Minh nhân truyền ký thì có chép ngắn gọn "Phan hi Tằng, tự Trọng Lỗ, hào trúc giản, Chiết giang kim hoa nhân, chương tử. Hoằng trị thập ngũ niên tiến sĩ, cải thứ khởi sĩ, thụ binh khoa cấp sự trung, nhân tai dị trần bát sự, chỉ xích cận hạnh. Xuất hạch hồ quảng quý châu quân trữ hoàn, độc bất lộ lưu cẩn. Cẩn nộ, kiểu chiếu đình trượng trừ danh. Cẩn tru, khởi lại khoa hữu cấp sự trung, Gia tĩnh trung lịch thái thường khanh, phục khuyết tranh đại lễ. Dĩ hữu thiêm đô ngự sử tuần phủ nam cống, bình huệ châu tặc, thiên công bộ thị lang, đại thịnh ứng kỳ trị hà, trúc trường đê bách tứ thập dư lý, kỳ niên nhi công thành, lịch binh bộ tả hữu thị lang, niên ngũ thập thất tốt. Hữu trúc giản tập cập tấu nghị truyền vu thế", tức là cũng chỉ kể qua tiểu sử của Hi Tằng như nơi sinh, năm đỗ tiến sĩ, chức vụ kinh qua và các tác phẩm Trúc giản tập, Tấu nghị truyền lại cho đời. Riêng việc đi sứ sang nước ta thì được gọi là làm "Ngự sử tuần phủ nam cống" chứ không hề có dòng nào về việc đoán tướng vua Tương Dực cả.
Nhân vật còn lại trong giai thoại Quỷ vương là Trạm Nhược Thủy (người ĐVSKTT mô tả là được Hy Tằng tâm sự về câu chuyện tướng số) thì có được chép trong Minh sử phần Nho lâm nhị, liệt truyện 171. Trong cả phần đó kể khá nhiều về chuyện Nhược Thủy là nhà sư hoàn tục, chuyện đỗ đạt, công danh, các tác phẩm thành tựu... nhưng không có dòng nào nói về chuyện ông nghe Hy Tằng đoán tướng mệnh cho Tương Dực đế khi đi sứ Việt cả.
Buổi gặp gỡ giữa vua Lê và sứ nhà Minh khá nồng hậu. Chính ĐVSKTT còn chép khi 2 sứ về, vua tặng biếu rất hậu. Nhược Thuỷ và Hy Tăng không nhận. Và Tương Dực còn thể hiện tài của một vị vua thạo chữ bằng việc tặng thơ cho 2 sứ nhà Minh. Chỉ có điều thơ của Tương Dực với 2 sứ có vẻ quá khiêm nhường chứ không thể hiện được hùng khí như thời Thái Tổ, Thánh Tông.
Về sau, sử Việt có chép nhiều chuyện hoang dâm của Tương Dực đế như việc "Tháng 5 năm 1514, nghe lời của Hiệu uý Hữu Vĩnh, Tương Dực giết chết 15 vương công, cho gọi các cung nhân của triều trước vào cung để gian dâm" hay "Vua thích làm nhiều công trình thổ mộc, đắp thành rộng lớn mấy ngàn trượng, bao quanh điện Tường Quang, quán Chân Vũ, chùa Thiên Hoa ở phường Kim Cổ, từ phía đông đến phía tây bắc, chắn ngang sông Tô Lịch, trên đắp hoàng thành, dưới làm cửa cống, dùng ngói vỡ và đất đá nện xuống, lấy đá phiến và gạch vuông xây lên, lấy sắt xuyên ngang. Lại sai làm thuyền chiến, sai thợ vẽ kiểu, sai bọn nữ sử trần truồng chèo thuyền chơi trên Hồ Tây, vua cùng chơi, lấy làm vui thích lắm".
Những chuyện này chính xác hay không thì tạm không bàn nhưng đó là chuyện được chép sau khi vua tiếp sứ Minh. Do vậy, việc căn cứ vào phát ngôn mơ hồ của Phan Hy Tằng nói Tương Dực là vua lợn thì có vẻ thiếu căn cứ.
Lịch sử cần phải rạch ròi. Giai đoạn nào Tương Dực có những thành tựu thì vẫn cần tôn trọng. Giai đoạn nào Tương Dực là hôn quân thì có thể phê bình, chê trách. Xét tổng quan, Tương Dực là ông vua thất bại nhưng chúng ta cũng không thể dựa vào phát ngôn kiểu thầy bói được cho là của sứ nhà Minh để gọi Tương Dực là vua lợn.
Anh Tú
Đọc thêm
Thử minh oan cho Trần Thủ Độ trong vụ thảm sát người họ Lý
Bất hòa giữa Quách Quỳ và Triệu Tiết khiến quân Tống bại trận trên đất Việt
Sai lầm của vua Tống khi để Quách Quỳ làm chánh tướng
Hoài bão của Tương Dực trước đêm xây dựng Cửu trùng đài
Lê Tương Dực – Phiên bản lỗi của Lê Thánh Tông
Vua Tương Dực đối thơ với 2 sứ Minh
Vua làm thơ tiễn Nhược Thuỷ rằng:
Phụng chiếu chi thừa xuất cửu trùng,
Hoàng hoa đáo xứ tổng xuân phong.
Ân đàm Việt điện sơn xuyên ngoại,
Nhân ngưỡng Nghiêu thiên nhật nguyệt trung.
Văn quỹ xa thư quy hỗn nhất,
Uy nghi lễ nhạc ái chiêu dung.
Sứ tinh cảnh cảnh quang huy biến.
Dự hỷ Tam thai thuỵ sắc đồng.
(Chiếu phượng ban cho tự cửu phùng,
Hoàng hoa chốn chốn vẫn xuân phong.
Ân trùm cõi Việt non sông khuất,
Người ngóng trời Nghiêu nhật nguyệt chung.
Lối xe cỡ chữ thâu về một,
Lễ nhạc uy nghi rõ chữ đồng.
Vằng vặc sứ trời soi sáng khắp,
Tam thai ánh đẹp dự vui cùng).
Nhược Thuỷ hoạ vần đáp lại rằng:
Sơn thành thuỷ quách độ trùng trùng,
Sơ tụng tân thi kiến quốc phong.
Nam phục mạc ngôn phân thổ viễn,
Bắc thần trường tại phổ thiên trung.
Xuân phong hạo đăng hoa đông vũ,
Hoá nhật chiêu hồi hải cộng dung.
Ký đắc truyền tuyên thiên ngữ ý,
Vĩnh kỳ trung ngoại thái bình đồng.
(Thành non, quách nước trải bao trung,
Thơ mới vừa ngâm thấy quốc phong.
Chớ bảo Nam bang riêng đất lánh,
Còn kia Bắc đẩu khắp trời chung.
Gió xuân lồng lộng hoa đua múa,
Trời sáng lâng lâng biển cùng đồng.
Nhớ lúc truyền ban lời thánh chỉ,
Thái bình mọi chốn mãi mong cùng).
Bài thơ của vua tiễn Hy Tăng rằng:
Nhất tự hồng vân giả án tiền,
Sứ tinh quang thái chiếu Nam thiên.
Lễ quy nghĩa củ chu toàn tế,
Hoà khí xuân phong tiếu ngữ biên.
Ân chiếu phổ thi tân vũ lộ,
Viêm phong vĩnh điện cựu sơn xuyên.
Tình tri viễn đại lư hiền nghiệp,
Miễn phụ hoàng gia ức vạn niên.
(Từ chốn mấy hồng án đỏ xa,
Trời nam sao sứ rọi quang ba.
Lễ nghi quy củ khi thù ứng,
Cười nói tươi vui buổi khí hoà.
Ân chiếu rộng ban mưa móc mới,
Viêm bang vững mãi cựu sơn hà.
Hiền thần cơ nghiệp còn cao rộng,
Muôn năm gắng sức giúp hoàng gia).
Hy Tăng hoạ vần đáp lại rằng:
Hoàng gia thanh giáo cổ vô tiền,
Thử nhật xuân phong động hải thiên.
Long tiết viễn huy Nam đẩu ngoại,
Điểu tinh trường củng Bắc Thần biên.
Duy viên nghĩa tại tư phân thổ,
Nạp hối tài sơ quý tế xuyên.
Lâm biệt hà tu phân trọng tệ,
Tặng ngôn thâm ý ức tha niên.
(Hoàng gia thanh giáo dậy phương xa,
Trời biển xuân về gợn ánh ba.
Long tiết sáng coi ngoài Nam đẩu,
Điểu tinh chầu mãi Bắc thần hoà.
Phong đất nghĩa nên làm vách giậu,
Can ngăn tài kém thẹn qua hà,
Chia tay chi phải cho nhiều thứ,
Tặng lời thâm ý nhớ hoàng gia).
Vua lại có bài thơ tiễn Nhược Thuỷ rằng:
Thánh triều thị hoá chính văn minh,
Nội tướng chí thừa sứ tiết hành.
Thịnh lễ ung dung chiêu độ số,
Chí nhân quảng đăng hoá ân vinh.
Lưu thời dục tự ân cần ý,
Tiễn nhật nan thăng khiển quyển tình.
Thử hậu loạn pha thừa cố vấn.
Nam bang dân vật hựu thăng bình.
(Thánh triều trị hoá rất văn minh,
Nội tướng vâng sai ruổi sứ trình.
Lễ hậu ung dung rành độ số,
Chí nhân rộng rãi tỏ ân vinh.
Khi ở ân cần mong giãi ý,
Lúc xa tha thiết xiết bao tình.
Hàn viện sau này ban hỏi tới,
Cõi Nam dân vật được thăng bình.)
Nhược Thuỷ hoạ vần đáp lại rằng:
Lương phú tòng đầu xuân nhật minh,
Ngã ca thính bãi ngã tương hành.
Tự thiên tam tích nguyên thù số,
Bạc hải chủ bang thục dữ vinh.
Cánh cẩn chức phương thù thánh đức,
Mỗi tương nhân giám sát quần tình.
Lâm kỳ bất dụng trung quân phó,
Vạn lý minh uy đạo đăng binh.
(Ngày xuân Lương Phú tự bình minh,
Ta ca vừa hết, sắp đăng trình.
Ba lượt mệnh trời âu số lạ,
Muôn bang góc biển hỏi đâu vinh.
Chức cống càng lo đền thánh đức,
Gương soi năng liệu xét nhân tình.
Buổi tiễn cần chi căn dặn lắm,
Muôn dặm minh uy rộng lối bình.)
Vua lại tặng Hy Tăng bài thơ rằng:
Càn khôn thanh thái thuộc tam xuân,
Sứ tiết quang lâm hỷ sắc tân.
Bính hoán thập hàng ban Hán chiếu,
Uông dương tứ hải dật Nghiêu nhân.
Hung trung băng ngọc trần vô điểm,
Bút hạ châu cơ cú hữu thần.
Kim nhật tinh thiều hồi Bắc khuyết,
Tiễn diên bôi tửu mạc từ tần.
(Đất trời trong sáng cảnh đang xuân,
Sứ tiết qua thăm đẹp bội phần.
Chói lọi mười hàng đây Hán chiếu,
Mênh mông bốn biển nọ Nghiêu nhân.
Băng ngọc trong lòng không điểm bụi,
Châu cơ đầu bút lắm câu thần.
Ngày nay xe sứ quay về Bắc,
Chuốc chén luôn luôn chớ ngại ngần.)
Hy Tăng hoạ vần đáp lại rằng:
Vạn lý quan phong Bách Việt xuân,
Chướng yên tiêu tận vật hoa tân,
Xa thư bất dị Thành Chu chế,
Phi dược nguyên đồng đại tạo nhân.
Sảo tự thượng minh lân hải thác,
Vĩnh hoài Chu điểu điện Viêm thần.
Uý thiên sự đại vô cùng ý,
Tài nhập tân thi ký ngữ tần.
(Muôn dặm ngắm nhìn Bách Việt xuân,
Chướng khí tiêu tan, sáng bội phần.
Xa thư chẳng khác Thành Chu trước,
Bay nhảy nguyên cùng tạo hoá nhân.
Như lượng biển xanh dung sản vật,
Nhờ hoài Chu điểu dựng Viêm thần.
Lòng kính sợ trời thờ nước lớn,
Lời thơ gửi gắm ý khôn ngần.)
ĐVSKTT