Nhiều thai phụ chần chừ tiêm vắc xin COVID-19 khiến số ca nhập viện và tử vong gia tăng

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:36, 13/10/2021

Theo hai nghiên cứu mới, những người mang thai phát triển các triệu chứng COVID-19 có nguy cơ gặp các biến chứng khẩn cấp và các vấn đề khác với thai kỳ của họ.

Chỉ riêng việc mang thai đã khiến nhiều người có nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19. Thế nhưng bất chấp những rủi ro này, phụ nữ mang thai vẫn là một trong những nhóm dân số do dự nhất trong tiêm vắc xin COVID-19 ở Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).

Theo dữ liệu của CDC đến ngày 2.10, chỉ có 33% phụ nữ mang thai trong độ tuổi 18-49 được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ, một con số thấp hơn so với tỷ lệ được thấy ở phần còn lại của dân số đủ điều kiện chủng ngừa.

Khoảng 66% người từ 12 tuổi trở lên hiện được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ ở Mỹ, với gần 77% ở nhóm tuổi đó đã tiêm ít nhất một liều. Tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 thậm chí còn thấp hơn ở người mang thai gốc Tây Ban Nha hoặc người Latinh (28%) và người da đen (17,4%) - nhóm thiểu số cũng trải qua kết quả sức khỏe bà mẹ kém, bao gồm cả tỷ lệ tử vong liên quan đến mang thai hoặc sinh nở cao không tương xứng.

Việc chần chừ tiêm vắc xin COVID-19 có thể do hướng dẫn dao động từ các quan chức y tế Mỹ trước đó trong đại dịch. Ban đầu CDC nói rằng những người mang thai có thể tiêm vắc xin COVID-19 nhưng họ không khuyến nghị. Đó là bởi vì các nghiên cứu vắc xin COVID-19 ban đầu không chủ ý bao gồm cả thai phụ, mặc dù có một số người tham gia đã mang thai trong quá trình nghiên cứu.

Thế nhưng, tất cả đã thay đổi vào mùa hè. Cuối tháng 7.2021, hai hiệp hội bác sĩ phụ sản khoa và phụ khoa hàng đầu Mỹ đã đưa ra sự ủng hộ rõ ràng với tiêm vắc xin COVID-19 và vào tháng 8, CDC đã chính thức khuyến nghị sử dụng vắc xin này sau khi các nghiên cứu cho thấy không có nguy cơ sẩy thai tăng lên. Tháng trước, CDC đã gửi một lời đề nghị khẩn thiết những thai phụ nên tiêm vắc xin COVID-19 ngay lập tức.

Tuy nhiên, tỷ lệ hấp thụ vắc xin COVID-19 thấp trong nhóm dân số này vẫn tồn tại. Điều đó dẫn đến sự gia tăng đáng lo ngại về số thai phụ nhập viện khiến một số bà mẹ mới sinh mắc kẹt trong bệnh viện và chiến đấu vì sự sống của họ trong nhiều tuần trước khi được ôm con. Trong khi những người khác không bao giờ được gặp con của họ.

Ít nhất 180 thai phụ ở Mỹ đã chết vì COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu, với 22 trường hợp tử vong được ghi nhận chỉ trong tháng 8.2021, theo CDC. Tỷ lệ tử vong của nhóm này đặc biệt nghiêm trọng, nếu biết tỷ lệ thai phụ chết ngoại trừ do COVID-19 dao động khoảng 700 hàng năm. Hơn 22.500 người mang thai đã phải nhập viện vì COVID-19 kể từ khi đại dịch bắt đầu, với 12% trong số đó phải nhập viện trong khu chăm sóc tích cực (ICU), theo số liệu của CDC.

nhieu-thai-phu-chan-chu-tiem-vac-xin-covid-19-khien-so-ca-nhap-vien-gia-tang.jpg
Nhiều phụ nữ vẫn ngại tiêm vắc xin COVID-19

Tình trạng ở Anh thậm chí còn ảm đạm hơn Mỹ. 1/5 bệnh nhân COVID-19 bị bệnh nặng nhất đất nước là phụ nữ mang thai chưa được tiêm vắc xin, Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) cho biết hôm 11.10.

Thai phụ chiếm gần 1/3 (32%) tổng số phụ nữ trong độ tuổi từ 16 đến 49 phải chạy ECMO (oxy hóa qua màng ngoài cơ thể) - liệu pháp y tế chỉ được sử dụng khi phổi của bệnh nhân COVID-19 bị tổn thương đến mức máy thở không thể duy trì mức oxy, NHS cho biết.

Con số này đã tăng từ mức chỉ 6% khi bắt đầu đại dịch COVID-19. Các số liệu của NHS đã được công bố để khuyến khích các bà mẹ tương lai tiêm vắc xin COVID-19.

Jacqueline Dunkley-Bent (nữ hộ sinh chính người Anh) cho biết số liệu thống kê là "một lời nhắc nhở rõ ràng khác rằng tiêm vắc xin COVID-19 có thể giữ cho bạn, con bạn và những người thân yêu của bạn an toàn, không phải nhập viện".

Trên toàn cầu, hướng dẫn về vắc xin COVID-19 cho thai phụ và cho con bú vẫn khác nhau, với 51 quốc gia khuyến cáo rõ ràng rằng một số hoặc tất cả thai phụ nên tiêm vắc xin này, theo COMIT Covid-19 Maternal Immunization Tracker.

Vắc xin COVID-19 được phép sử dụng cho phụ nữ mang thai ở 53 quốc gia và ở 23 nước khác cho những người là nhân viên y tế cơ bản hoặc những ai có tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Có tổng cộng 32 nước không khuyến cáo sử dụng vắc xin COVID-19 cho thai phụ.

Trong khi đó, hai nghiên cứu từ các nhà nghiên cứu ở Mỹ và Bỉ cho thấy tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 ở trẻ em dường như tương đương với người lớn. Điều này khiến các quan chức y tế công cộng xem xét thông điệp xung quanh các chiến lược tiêm vắc xin cho trẻ em khi việc triển khai mở rộng đến các nhóm dân số trẻ hơn.

Vắc xin COVID-19 có ảnh hưởng đến việc mang thai, khả năng sinh sản hoặc kinh nguyệt không?

Có nhiều thông tin sai lệch xung quanh tuyên bố vắc xin COVID-19 gây sẩy thai và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, nhưng chúng không được hỗ trợ bởi các bằng chứng khoa học.

Hai nghiên cứu được công bố vào tháng 9.2021 cho thấy vắc xin COVID-19 không làm tăng nguy cơ sẩy thai. Các nhà nghiên cứu tại CDC đã nghiên cứu dữ liệu từ hơn 2.000 người mang thai đã tiêm vắc xin COVID-19. Họ không tìm thấy nguy cơ nào ở nhóm này cao hơn so với những người mang thai nói chung. Sẩy thai là phổ biến - từ 11% đến 22% của tất cả các trường hợp mang thai được công nhận kết thúc bằng hư thai trước 20 tuần tuổi thai, họ nói. Các nhà nghiên cứu cho biết tỷ lệ này không tăng lên trong số những thai phụ được tiêm vắc xin COVID-19.

Có bằng chứng cho thấy đáp ứng miễn dịch được thúc đẩy bởi cả vắc xin và nhiễm vi rút SARS-CoV-2 có thể ảnh hưởng tạm thời đến chu kỳ kinh nguyệt. Vì vậy, nghiên cứu những tác động này là quan trọng để giảm thiểu bất kỳ nỗi sợ hãi nào, theo Tiến sĩ Victoria Male, chuyên gia sinh sản tại Cao đẳng Hoàng gia London.

Tiến sĩ Victoria Male viết trên Tạp chí Y khoa Anh vào tháng trước: “Sự chần chừ về vắc xin ở phụ nữ trẻ phần lớn là do những tuyên bố sai lầm rằng vắc xin COVID-19 có thể gây hại cho cơ hội mang thai trong tương lai của họ. Việc không điều tra kỹ lưỡng các báo cáo về sự thay đổi kinh nguyệt sau khi tiêm vắc xin COVID-19 có thể làm tăng thêm những lo ngại này.

Hầu hết những người báo cáo về sự thay đổi chu kỳ của họ sau khi tiêm vắc xin đều thấy rằng chu kỳ tiếp theo trở lại bình thường và quan trọng là không có bằng chứng nào cho thấy chủng ngừa COVID-19 ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản”.

Sơn Vân