Nga xem xét thay thế USD trong giao dịch dầu, ông Putin nói về bitcoin
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:08, 14/10/2021
"Tôi tin rằng nó có giá trị, nhưng tôi không tin rằng nó có thể được sử dụng trong việc giao dịch dầu mỏ", ông Putin nói với đài CNBC tại sự kiện Tuần lễ Năng lượng Nga ở Moscow hôm 13.10, khi được hỏi liệu bitcoin hoặc tiền điện tử có thể được sử dụng thay cho đô la Mỹ hay không.
Nga đang xem xét thay thế đồng đô la Mỹ trong các khoản thanh toán bằng dầu mỏ để đối phó với những thách thức từ chính quyền Tổng thống Joe Biden và các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ áp đặt. Thế nhưng có thể còn quá sớm để coi tiền điện tử là một sự thay thế, theo ông Putin.
Tổng thống Nga nói: “Tiền điện tử vẫn chưa được hỗ trợ bởi bất kỳ thứ gì. Nó có thể tồn tại như một phương tiện thanh toán, nhưng tôi nghĩ còn quá sớm để nói về giao dịch dầu mỏ bằng tiền điện tử".
Ông Putin dự đoán rằng dầu có thể chạm mức 100 USD/thùng, từ mức khoảng 80 USD hiện tại, khi nhu cầu toàn cầu tăng vọt trong bối cảnh thị trường thắt chặt.
Tổng thống Nga cũng chỉ ra rằng tác động môi trường tiêu cực từ hoạt động khai thác bitcoin, được cho chiếm khoảng 0,5% năng lượng tiêu thụ trên toàn thế giới, một trở ngại khác mà tài sản kỹ thuật số phải đối mặt để sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên, ông Putin vẫn khẳng định rằng Nga vẫn muốn loại bỏ các khoản thanh toán bằng đồng đô la Mỹ.
Ông cho hay: “Tôi tin rằng Mỹ đã mắc một sai lầm lớn trong việc sử dụng đồng đô la như một công cụ trừng phạt. Chúng tôi bị ép buộc. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang giao dịch bằng các loại tiền tệ khác".
"Về vấn đề này, chúng ta có thể nói Mỹ cắn vào bàn tay nuôi sống họ. Đồng đô la này là một lợi thế cạnh tranh. Nó là một loại tiền tệ dự trữ chung và Mỹ ngày nay sử dụng nó để theo đuổi các mục tiêu chính trị, kết quả là làm tổn hại đến lợi ích kinh tế và chiến lược của họ", nhà lãnh đạo Nga nói thêm.
Vào tháng 6, Nga cho biết sẽ từ bỏ tài sản bằng đô la Mỹ khỏi quỹ tài sản có chủ quyền trị giá 186 tỉ đô la vì nước này có nguy cơ bị trừng phạt nhiều hơn.
Theo số liệu của trung tâm lựa chọn tài chính Cambridge, Mỹ đã vượt Trung Quốc để chiếm thị phần khai thác bitcoin cao nhất thế giới.
Việc Trung Quốc cấm các hoạt động khai thác và kinh doanh bitcoin đã gây ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực này, buộc các thợ đào đóng cửa các trung tâm khai thác hoặc chuyển ra nước ngoài. Tổng số hashrate (chỉ số về năng lực khai thác) của Trung Quốc giảm xuống 0% vào tháng 7.2021, trong khi hồi tháng 5 là 44% và năm 2019 là 75%.
Hoạt động khai thác bitcoin ở nhiều nước khác tiếp tục trì trệ do các nhà sản xuất thiết bị chuyển hướng sang Bắc Mỹ và Trung Á. Hàng loạt công ty khai thác lớn ở Trung Quốc phải rời đi và đang gặp khó khăn trong quá trình di chuyển.
Nhờ đó, Mỹ vươn lên dẫn đầu thị phần với chỉ số hashrate 35,4% trong tháng 8, xếp sau đó là Kazakhstan và Nga.