Trung Quốc lên tiếng khi WHO lập nhóm 26 chuyên gia điều tra nguồn gốc COVID-19

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:01, 14/10/2021

Hôm 14.10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo cái mà họ gọi là "thao túng chính trị" với cuộc thăm dò mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về nguồn gốc COVID-19, đồng thời nói rằng nước này sẽ hỗ trợ các nỗ lực của cơ quan quốc tế.

Ngày 13.10, WHO đã công bố một danh sách đề xuất gồm 26 chuyên gia để tư vấn cho tổ chức này về các bước tiếp theo trong việc tìm kiếm nguồn gốc COVID-19 sau khi các nỗ lực trước đó của họ bị chỉ trích.

Trung Quốc bị cáo buộc giữ lại dữ liệu thô về các ca mắc COVID-19 ban đầu trong chuyến thăm của nhóm WHO vào tháng 1.2021 và từ đó đã từ chối các lời kêu gọi điều tra thêm, nói rằng Mỹ và các nước khác đang chính trị hóa vấn đề.

Triệu Lập Kiên, chuyên viên phản biện của Bộ Ngoại giao,  cho biết Trung Quốc sẽ “tiếp tục hỗ trợ, tham gia vào quá trình truy tìm nguồn gốc khoa học toàn cầu và kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức thao túng chính trị nào”.

"Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các bên liên quan, bao gồm cả ban thư ký của WHO và nhóm cố vấn, sẽ duy trì một cách hiệu quả thái độ khoa học khách quan và có trách nhiệm", ông Triệu Lập Kiên nói với các phóng viên tại cuộc họp giao ban hàng ngày.

Các chuyên gia do WHO đề xuất bao gồm một số người trong nhóm ban đầu đã đến thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc để điều tra nguồn gốc COVID-19.

Kết quả nghiên cứu ban đầu của nhóm nghiên cứu do WHO đứng đầu là không thể kết luận. Các chuyên gia đã đưa ra một báo cáo kết luận rằng “cực kỳ khó xảy ra” khả năng vi rút SARS-CoV-2 bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, khiến các nhà khoa học bên ngoài chỉ trích rằng lý thuyết này đã không được kiểm tra một cách chính xác.

Tổng giám đốc WHO - Tedros Adhanom Ghebreyesus sau đó thừa nhận là quá sớm để bác bỏ lý thuyết vi rút SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

trung-quoc-len-tieng-khi-who-lap-nhom-26-chuyen-gia-dieu-tra-nguon-goc-covid-19.jpg
Một nhân viên mặc quần áo bảo hộ hướng dẫn các thành viên WHO khi họ đến sân bay ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hôm 14.1

Trung Quốc đã nhiều lần đặt câu hỏi liệu vi rút SARS-CoV-2 có thực sự bắt nguồn từ nước này không và kêu gọi các cuộc điều tra vào các phòng thí nghiệm quân sự của Mỹ mà không cung cấp bất kỳ bằng chứng chắc chắn nào.

Trung Quốc đã loại bỏ phần lớn các ca lây nhiễm COVID-19 tại địa phương thông qua đeo khẩu trang, cách ly và truy vết cùng các biện pháp đôi khi hà khắc bao gồm phong tỏa và xét nghiệm hàng loạt bắt buộc.

WHO hôm 13.10 đã nêu tên 26 thành viên được đề xuất của Nhóm cố vấn khoa học về nguồn gốc của các mầm bệnh mới (SAGO), trong đó có Inger Damon (Tiến sĩ người Mỹ từng ứng phó với Ebola, người chỉ đạo công việc liên quan các bệnh gây chết người cao tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh), Marion Koopmans (nhà vi rút học Hà Lan), Thea Fischer (nhà nghiên cứu miễn dịch người Đan Mạch), Nguyễn Việt Hùng (nhà khoa học Việt Nam) và Yang Yungui (chuyên gia thú y Trung Quốc), những người đã tham gia cuộc điều tra chung trong năm nay.

Theo thông tin trên mạng xã hội Twitter, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng là đại diện khu vực Đông Á và Đông Nam Á của Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (trụ sở tại thủ đô Nairobi của Kenya). Các nghiên cứu của ông Nguyễn Việt Hùng tập trung vào mối liên hệ giữa y tế và nông nghiệp, an toàn thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm, sử dụng đánh giá rủi ro để quản lý an toàn thực phẩm.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng đã có hơn 15 năm kinh nghiệm làm việc tại các nước đang phát triển, sở hữu bằng cử nhân sinh học ở Việt Nam và bằng tiến sĩ khoa học đời sống - môi trường tại Pháp.

Maria van Kerkhove, Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, bày tỏ hy vọng rằng sẽ có thêm các phái bộ quốc tế do WHO dẫn đầu tới Trung Quốc để nhận sự hợp tác của nước này.

Bà nói trong một cuộc họp báo rằng "hơn 30 nghiên cứu được khuyến nghị" vẫn cần được thực hiện để xác định cách thức vi rút lây nhiễm từ động vật sang người.

Maria van Kerkhove cho biết các cuộc thử nghiệm của Trung Quốc với các kháng thể có trong người dân Vũ Hán vào năm 2019 sẽ là "rất quan trọng" để hiểu được nguồn gốc vi rút SARS-CoV-2.

Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO, cho biết hội đồng mới có thể là cơ hội cuối cùng để xác định nguồn gốc của SARS-CoV-2, "một loại vi rút đã khiến cả thế giới của chúng ta ngừng hoạt động".

Ông nói WHO đang tìm cách "lùi lại một bước, tạo ra môi trường để chúng ta có thể nhìn lại các vấn đề khoa học".

Sơn Vân