Từ diều sáo, nhớ thi sĩ Quang Dũng và "Mắt người Sơn Tây"

Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 13:15, 16/10/2021

“Cây sáo thần” ấy là niềm tự hào của người nông dân Việt, và bây giờ là niềm tự hào của cả quốc gia biết đưa nhạc sáo lên giữa trời xanh.

Theo nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Hữu Kiêm - người làm diều sáo nổi tiếng nhất làng Bá Dương Nội, huyện Đan Phượng, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội), nhiều chuyên gia nước ngoài đã tìm đến làng để nghiên cứu diều sáo Việt Nam. Họ ghi nhận trên thế giới chỉ có Việt Nam là có diều kèm theo sáo.

Diều kèm sáo gọi là diều sáo. Còn sáo của những con diều gọi là sáo diều.

Có thể, gốc gác xa xưa của diều giấy hay diều lụa diều vải là từ Trung Quốc.

Nhưng khi nó “nhập tịch” vào Việt Nam khoảng hơn nghìn năm trước, thì người nông dân Việt không chịu chơi “diều chay”. Họ đã sáng tạo ra diều sáo, bằng cách gắn vào diều sáo đôi, sáo ba, sáo bảy, sáo chín, tạo nên những hợp âm sáo diều giữa không trung.

Khi diều được thả bay vút lên trời cao, vào buổi chiều lộng gió hay đêm trăng thanh bình, tiếng sáo diều vi vút trên tầng không là tiếng hát hòa bình của người Việt ngợi ca quê hương mình, về chính cuộc đời lam lũ giản dị của mình. Đời khó nhọc vẫn có những lúc thanh thản. Những lúc diều sáo ngân nga, chính là lúc người nông dân Việt cảm thấy đời thanh thản nhất.

Diều Trung Quốc rất cầu kỳ, lộng lẫy nhưng thiếu âm nhạc. Không có sáo, diều Trung Quốc chỉ là diều của tay phù thủy kiêm thầy địa lý Cao Biền cưỡi sang Việt Nam để thăm dò các “huyệt đạo” của núi sông Việt đặng yểm bùa làm tắt long mạch. Theo truyền thuyết, Cao Biền cũng đã từng cưỡi diều (không sáo) bay vào vùng núi Ấn sông Trà Quảng Ngãi quê tôi để tìm long mạch, yểm bùa. Và ở đó, y đã gặp “Vua Nam Chiếu”, một đứa trẻ trâu con nhà nông Quảng Ngãi, và bị đứa trẻ anh hùng ấy đánh cho tơi bời, phải tức tốc “bám càng” diều giấy tháo chạy đến mức rơi cả dép, thoát khỏi vùng đất địa linh nhân kiệt.

Với Trung Quốc, diều có thể là vũ khí, là khinh khí cầu hay tàu bay... giấy, dùng cho các mục đích quân sự và do thám. Còn với người Việt, diều sáo là một sản phẩm nghệ thuật, một dàn nhạc sáo tấu những khúc nhạc thanh bình giữa trời xanh, vào những đêm trăng thanh gió mát.

Người nông dân Việt ở đồng bằng Bắc Bộ, hay ở Thừa Thiên-Huế đều biết làm diều sáo, và biết làm cái khó nhất trong con diều sáo, là bộ sáo, dù chỉ sáo đôi vẫn tạo được hợp âm “gọi-đáp” nhau, nghe như những lời tâm tình thủ thỉ. Phải gọt được những lỗ sáo cho gió thổi vào phát ra âm nhạc, cây tre dùng làm ống sáo phải là tre già chết đứng trong bụi tre, và người gọt lỗ sáo phải chọn đêm trăng tĩnh lặng để hành nghề, sáo mới kêu vi vút.

“Cây sáo thần” ấy là niềm tự hào của người nông dân Việt, và bây giờ, là niềm tự hào của cả quốc gia biết đưa nhạc sáo lên giữa trời xanh.

“Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng”, câu thơ ấy của thi sĩ Quang Dũng trong bài thơ Mắt người Sơn Tây viết năm 1949, giữa hồi ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Pháp, là tiếng lòng của người Việt đau đáu với hòa bình, tìm thấy ở con diều sáo biểu tượng cho khát vọng hòa bình của mình.

Dù viết không nhiều thơ, Quang Dũng vẫn là nhà thơ vĩ đại. Từng câu thơ của ông, như tiếng sáo diều, gây những chấn động đa chiều lặng lẽ trong lòng ta, bởi nhịp điệu trong câu thơ Quang Dũng có những chuyển điệu bất ngờ như tiếng sáo diều, lại có những nhịp gãy, những quãng lặng thường thấy trong âm nhạc, nhưng ít thấy trong thơ Việt.

Từ hơn 20 năm trước, khi viết về thơ Quang Dũng trong bài Quê nhà của Quang Dũng, có lẽ tôi là người đầu tiên phát hiện Quang Dũng có gốc người Chàm. Bài thơ Thu quê ai của Quang Dũng khiến tôi rất bất ngờ:

“Như cảnh đã vào thu sớm

Da rợn từng cơn, núi đổ chiều

Lá mía, tàu cau rũ héo

Vàng, ôi vàng hắt hiu!

Ngồi đây bến cát triền sông Mã

Ngẫm chuyện mười năm như nước lũ

Ai hay ngày tháng lại quay về

Cẩm Thủy, Tân Giai thành vẫn đá

Những tàu cau

                          đượm làm chi ánh nắng?

Mà sao lưu luyến người!

Ôi ta nhớ một quê nhà

Những tàu cau

                          đượm làm chi ánh nắng?

Chum nước, gáo dừa, nhà xoan, gốc mít

Đỏ, nâu, mít chín trĩu cành

Thưa thoáng trời xưa êm ả

Lửa cơm chiều?

Hơi thu?

Nhựa thơm gạo mới bát chiêm chanh

Nhớ sao những tháng ngày xanh

Rất xanh!

Chiều mát. Đê dài. Cỏ may tay nhặt

Ai ơi! Phấn trắng mía bầu

Thân ngô xơ xác

Nhặt gốc tre khô

Ta nhom ấm nước

Chiều từ đâu

Và lạnh đến từ đâu?”

 (1965. Khu Tư, ven sông Mã. Ngồi bên này sông trông sang Phủ Quảng, Tây Giai. Một ngày thu nhớ nhà. Nhà ta ở đâu?)

Nhà ta ở đâu? Câu hỏi như một tiếng vọng.

“ Đôi mắt người Sơn Tây

  U ẩn chiều lưu lạc

  Buồn viễn xứ khôn khuây”

(Mắt người Sơn Tây)

Thơ Quang Dũng là tiếng sáo diều thổi đêm trăng, nghe thật buồn.

“ Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn

  Về núi Sài Sơn ngó lúa vàng

  Sông Đáy chậm nguồn qua Phủ Quốc

  Sáo diều khuya khoắt thổi đêm trăng”

(Mắt người Sơn Tây)

Nỗi buồn thanh sạch ấy gần như vĩnh cửu. Như tiếng sáo diều ở một làng quê ven bờ sông Hồng hay sông Đáy.

Tôi trân trọng nhắc lại lần nữa: Quang Dũng là nhà thơ vĩ đại.

Với tôi, dĩ nhiên.

Cũng như tiếng sáo diều, với tôi, là vĩnh cửu.

Bây giờ, nghe nói, một số địa phương ở miền Bắc mua diều sáo Trung Quốc về thả, và tiếng “sáo máy” của Trung Quốc đã gây kinh hoàng cho khách khi về những làng quê ấy. Vì đó là “tiếng sáo máy”, nó vô cảm, chói tai, thậm chí đe dọa.

Biết chuyện này, càng thương yêu tiếng sáo diều “nghệ thuật thuần túy”, hay “nghệ thuật xúc cảm” của người Việt mình. Trung Quốc có thể có những món hàng tốt, nhưng không phải cứ hàng Trung Quốc cái gì cũng tốt. Và tiếng ‘sáo máy” trên con diều Tàu thì quá phản cảm.

Càng nghĩ, càng quý trọng những bài thơ Quang Dũng, nó không chỉ thuần Việt, mà còn có gốc Phù Nam, gốc Chàm phảng phất trong âm nhạc của từng bài thơ.

Nhà thơ Thanh Thảo