Chiến lược giúp Israel đẩy lùi làn sóng COVID-19 tồi tệ nhất

Thông tin Y học - Ngày đăng : 08:35, 17/10/2021

Sau 4 tháng chìm trong đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất, Israel nay đã giảm mạnh số ca nhiễm lẫn số ca trở nặng.

Làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ tư ập đến vào tháng 6 với biến thể Delta dễ lây lan. Thay vì áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt mới, chính phủ Israel đặt cược vào mũi tiêm vắc xin Pfizer tăng cường cho người từ 12 tuổi trở lên; quy định bắt buộc đeo khẩu trang và “thẻ xanh” chứng minh đã tiêm chủng, khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính tại nhiều địa điểm công cộng. Đó là những chiến lược giúp Israel đẩy lùi làn sóng COVID-19 tồi tệ này.

Làn sóng dịch lần này tại Israel đạt đỉnh vào tháng 9. Đến nay số ca nhiễm tăng thêm mỗi ngày giảm hơn 80%, số ca trở nặng giảm gần một nửa. Chiến lược “sống chung với COVID-19” của Israel không phải không gây tranh cãi, nhưng lại giữ cho trường học và nền kinh tế nước này mở cửa.

Thủ tướng Israel Naftali Bennett đầu tuần qua tuyên bố: “Chúng ta đang phá vỡ làn sóng dịch bệnh qua từng ngày. Chính sách quản lý chặt chẽ, thông minh, linh hoạt cho phép sống chung với COVID-19”.

3vc73myjglarp2boyduiydtjljmm.jpg
Israel triển khai tiêm tăng cường cho toàn dân - Ảnh: Reuters

Hôm 14.10, Bộ Y tế Israel gửi dữ liệu về độ an toàn và hiệu quả của tiêm tăng cường cho một hội đồng cố vấn làm việc cho Cục quản lý Thực phẩm - Dược phẩm Mỹ (FDA). Phía Mỹ đang chờ dữ liệu này để cân nhắc cấp phép cho mũi vắc xin thứ 3.

Dữ liệu cho thấy ở nhóm dân số trên 60 tuổi - đối tượng được tiêm tăng cường sớm nhất, số ca nhiễm bắt đầu giảm nhanh vào khoảng 2 tuần sau khi tiêm mũi thứ 3, trong khi số ca nhiễm ở các nhóm tuổi khác vẫn tăng.

Các giáo sư Doron Gazit và Yinon Ashkenazy thuộc Đại học Hebrew - thành viên nhóm giám sát tình hình COVID-19 tại Israel - phân tích dữ liệu và phát hiện tốc độ sinh sản của vi rút gây bệnh (quyết định khả năng lây lan) bắt đầu giảm mạnh sau mũi thứ 3 ở mỗi nhóm tuổi.

Hai tháng sau khi làn sóng dịch bệnh thứ tư ập đến, người trên 60 tuổi đã tiêm vắc xin chiếm hơn một nửa số ca trở nặng - phần lớn là trường hợp từ 70 tuổi trở lên có bệnh nền. Nhưng từ lúc Israel triển khai tiêm tăng cường, trường hợp mắc COVID-19 trở nặng chủ yếu là người chưa tiêm chủng, trẻ tuổi - chiếm khoảng 75% số ca nhập viện. Trong số các ca nhập viện, người đã tiêm 2 hoặc 3 mũi chỉ chiếm 1/4.

Mũi vắc xin thứ 3 đến nay đã cho thấy hiệu quả trong hạn chế số ca nhiễm trở nặng ở nhóm dân số từ 40 tuổi trở lên, theo Bộ Y tế Israel. Dữ liệu ở nhóm thanh thiếu niên ít hơn, nhưng Bộ Y tế Israel tuyên bố những gì ghi nhận được cho đến nay cho thấy mũi thứ 3 không làm tăng nguy cơ viêm cơ tim ở người trẻ tuổi.

Ran Balicer - người đứng đầu nhóm cố vấn chuyên môn về COVID-19 của chính phủ Israel - nhận định chính chiến thuật kết hợp quy định bắt buộc đeo khẩu trang, “thẻ xanh”, xét nghiệm diện rộng, tiêm tăng cường góp phần hạn chế biến thể Delta lây lan. Trong đó yếu tố quan trọng nhất là chương trình tiêm tăng cường rộng rãi.

Tại Anh - nơi 5% dân số đã được tiêm mũi 3 - không có quy định bắt buộc đeo khẩu trang và cũng chẳng có “thẻ xanh”, số ca nhiễm vẫn đang gia tăng.

3visrael0.jpg
Làn sóng dịch COVID-19 tại Israel đạt đỉnh vào tháng 9 - Ảnh: Reuters

Một số nhà khoa học từng nhận xét quyết định phê duyệt mũi tiêm thứ 3 cho thanh thiếu niên của Israel vào cuối tháng 8 là quá sớm, thiếu bằng chứng rõ ràng. Họ cho rằng trọng tâm chủng ngừa vẫn nên là thuyết phục người chưa tiêm đi tiêm. Đến nay, Mỹ cùng một số quốc gia châu Âu chỉ mới phê duyệt tiêm mũi thứ 3 cho người lớn tuổi, người suy yếu miễn dịch, người lao động có nguy cơ phơi nhiễm cao.

Giáo sư Hagai Levine thuộc Đại học Hebrew nhận định: “Israel đã vội vàng - thậm chí đánh cược - khi phê duyệt tiêm mũi thứ 3 cho toàn dân chứ không phải nhóm dân số cụ thể nào như các quốc gia khác. Nhưng giữa một đại dịch, đôi khi bạn phải ra quyết định dù chỉ có một phần bằng chứng”.

Thủ tướng Bennett hứng chịu không ít chỉ trích từ giới khoa học vì từ chối áp dụng phong tỏa nghiêm ngặt vốn có thể giúp giảm tỷ lệ lây nhiễm ngay từ đầu. Vài quan chức y tế còn lo ngại cái giá cho việc “sống chung với COVID-19” quá lớn.

“Chúng ta có 1.400 ca tử vong trong làn sóng dịch bệnh này. Có lợi ích nhờ giữ nền kinh tế mở cửa, tuy nhiên cũng phải trả giá”, quan chức Bộ Y tế Israel Sharon Alroy-Preis thừa nhận.

Nhiều bác sĩ phàn nàn hệ thống bệnh viện đang quá tải do số ca nhiễm đáng lẽ có thể tránh được. Bác sĩ Yael Haviv-Yadid thuộc Trung tâm y tế Shiba chuyên tiếp nhận lượng lớn bệnh nhân trẻ tuổi chưa tiêm vắc xin cho biết: “Đây là chính sách tốt nhưng chúng ta cũng phải trả giá. Đội ngũ y tế hiện đã kiệt sức”.

Cẩm Bình