TS Lưu Bình Nhưỡng: Cách chức lãnh đạo không tuân thủ, không hòa nhịp với cả nước
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 16:30, 18/10/2021
Không để Nghị quyết 128 chỉ trên giấy
Tại tọa đàm do Cổng thông tin điện tử chính phủ tổ chức ngày 18.10, TS Lưu Bình Nhưỡng cho rằng Nghị quyết 128 là chủ trương rất sáng tạo. Khi Nghị quyết 128 ra đời, xã hội đón nó như luồng gió mới, nhưng hiểu được Nghị quyết 128 để thực hiện cho đúng, để lập lại trật tự là cả một vấn đề.
“Chúng ta rất buồn với các chốt liên tỉnh. Tôi đã trực tiếp đi đến các chốt liên tỉnh và có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này. Thống nhất quan điểm không có giá trị gì, xét về mặt dịch tễ không có giá trị, xét về mặt giao thông vận tải thì càng tệ, dẫn đến câu chuyện mà Chủ tịch nước, Thủ tướng đề cập là không được cát cứ. Đây là câu chuyện thứ nhất chúng ta phải khắc phục”, ông Nhưỡng nói.
Cũng theo ông Nhưỡng, cách ly tập trung rất rủi ro. “Tôi đã nghiên cứu các bệnh viện ở Bình Dương là 12.000 bệnh nhân với 12.000 giường bệnh tập trung vào đấy. Một con số khủng khiếp”.
Đề cập tới chuyện người dân về quê, ông Nhưỡng ví von chuyện không được đi lại trở thành câu chuyện như thợ lặn nhịn thở hồi lâu, khi có Nghị quyết 128 thì được hít một hơi dài.
Ngoài ra, theo ông Nhưỡng, hiện nay phải củng cố lại y tế. “Câu chuyện này như là đi vào trận vừa tiến công, phải vừa bắn vừa chạy. Chúng ta không thể cầm súng ngồi để mà chờ bắn được”.
Cũng theo cựu đại biểu quốc hội, câu chuyện về chỉ đạo từ Chính phủ xuống địa phương là vấn đề người dân rất bức xúc. Trên mạng xã hội người ta nói rất nhiều là trên bảo dưới không nghe. Đặc biệt là người dân bắt buộc phải tuân thủ các mệnh lệnh của cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh nhưng cấp tỉnh lại không tuân thủ cấp trung ương. Đây là câu chuyện rất khó hiểu.
Lợi dụng dịch bệnh để vơ vét, tham nhũng
Theo ông Nhưỡng, đã có chuyện tham nhũng trục lợi, đục nước béo cò, lợi dụng tình hình dịch bệnh để kiếm ăn, để vơ vét. Thủ tướng đã phải chỉ đạo, cương quyết nếu có dấu hiệu thì lập tức điều tra xem xét xử lý.
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, khi trở lại trạng thái bình thường mới, chúng ta phải giải quyết những vấn đề đó với các mục tiêu: Phòng chống dịch bệnh; phát triển, tiếp tục sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội; quốc phòng an ninh; các hoạt động bình thường và tiếp tục các hoạt động đối ngoại quốc tế.
“Chuyển trạng thái như thế, thứ nhất cần đảm bảo tính thống nhất, thứ nhì đảm bảo tính tuân thủ cao, thứ ba đảm bảo thông tin phản ánh kịp thời. Nghị quyết chúng ta có rồi, trong trường hợp có gì phản hồi lại thì điều chỉnh”, ông Nhưỡng cho hay.
Ông Nhưỡng lưu ý hiện đang có chuyện hiểu lầm. Khi tạm dừng các chỉ thị 15, 16, 19 và khoản 1 điều 1 của Nghị quyết 86 thì các địa phương hình dung là không biết có dừng an sinh xã hội không, có dừng các gói hỗ trợ không.
“Theo tôi là không thể dừng được, đặc biệt thi đua là không thể dừng được. Chỉ thị 19 là về thi đua, giờ mà dừng thi đua thì không được. Thế nên chúng ta có 3 điều chống khủng hoảng”. Ông Nhưỡng nêu cụ thể:
Thứ nhất là chống khủng hoảng y tế, cương quyết không được khủng hoảng y tế nữa, từ câu chuyện vắc xin đến thuốc chữa COVID… Chúng ta cũng phải vận dụng đông tây y, cả nam dược, đông được, đặc biệt củng cố lại y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Thứ nhì là không được để khủng hoảng an sinh cho người dân trực tiếp và những người về quê.
Thứ ba là không được để khủng hoảng sản xuất kinh doanh. Giao thông vận tải không thông suốt là ảnh hưởng sản xuất kinh doanh.
Trung ương điều hành nhưng địa phương không tuân thủ thì không chấp nhận được
Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, từ nghị quyết đến hành động phải hiểu đúng, đánh giá đúng tình hình và đúng quy định. Tuy nhiên, quy định này phải bằng các văn bản quy phạm pháp luật, tránh tình trạng ăn đong, nay chỉ đạo thế này, mai chỉ đạo thế khác.
Theo TS Lưu Bình Nhưỡng, nguyên tắc của chúng ta là tính thống nhất toàn quốc. Cụ thể: "Các địa phương không được cục bộ cát cứ và ban hành quy định vượt quá mức cần thiết", chẳng hạn không được vượt qua các tiêu chuẩn, tiêu chí mà Bộ Y tế ban hành.
Ông Nhưỡng nhấn mạnh cần đảm bảo mạch máu lưu thông phải thông suốt, không cẩn thận sẽ thành "xơ vữa động mạch giao thông".
"Tôi lấy ví dụ như vụ ở Cần Thơ vừa qua hơn 4.000 chiếc xe ùn tắc, gây ra 3 nguy cơ lớn: Lây nhiễm chéo, phức tạp an ninh trật tự và nguy cơ đứt gẫy chuỗi sản xuất", ông Nhưỡng nêu.
Về nền tảng nông nghiệp, theo ông Nhưỡng, hàng hóa phải lưu thông để sản xuất, hàng nông sản phải được vận chuyển ra, không để cho khủng hoảng về lương thực thực phẩm và an sinh. Đồng thời phải bảo đảm toàn bộ hệ thống sản xuất và khu công nghiệp hoạt động trở lại. Đây không chỉ là câu chuyện sản xuất mà còn là giải quyết công việc cho người lao động, từ đó tác động trở lại ngân sách và an sinh xã hội.
“Vừa qua, chúng ta đã có kinh nghiệm, cơ sở từ việc áp dụng các chỉ thị 15, 16, 19 và thêm Nghị quyết 128. Chính phủ cho quyền các địa phương thích ứng mà các địa phương không thích ứng nữa thì có lẽ phải đình chỉ, loại trừ, cách chức một số lãnh đạo không tuân thủ, không hòa cùng nhịp đập của cả nước; hoặc vì câu chuyện cá nhân hay địa phương của mình mà ngăn cản các địa phương khác, ngăn cản các chủ thể khác, như thế thì không chấp nhận được”, ông Nhưỡng nói.
Theo ông Nhưỡng, không thể để xảy ra tình trạng "trên bảo dưới không nghe", trung ương điều hành nhưng địa phương không tuân thủ thì không thể chấp nhận được.
Ông Lưu Bình Nhưỡng đề nghị các cấp có thẩm quyền qua Nghị quyết 128 này cần có sự đánh giá chặt chẽ với lãnh đạo địa phương để xác định trách nhiệm. Trong trường hợp cần báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét, xử lý, không thể để kết thúc chiến dịch mới làm.
“Vào trận mà họ không chỉ huy được thì tôi đề nghị lui ra, để người khác làm thay, chứ đánh trận mà như vậy chúng ta sẽ thua. Tôi cho rằng tính tuân thủ, tính linh hoạt cần phải được kiểm soát”, ông Nhưỡng nói.