Bất chấp COVID-19, nhiều ngân hàng vẫn báo lãi lớn
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 16:46, 18/10/2021
Lợi nhuận ngân hàng vẫn tăng mạnh
Mới đây, nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021. Trong đó, so với 2 quý đầu năm, tăng trưởng lợi nhuận của nhiều ngân hàng đã chững lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, không ít nhà băng vẫn báo lãi lớn.
Điển hình, Ngân hàng TMCP Quốc dân NCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 205,6 tỉ đồng, gấp hơn 7 lần cùng kỳ. Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) cũng đạt gần 88% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, tương đương hơn 878 tỉ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Riêng quý 3, ngân hàng này lãi 72 tỉ đồng, tăng 76%.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 4.350 tỉ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch và tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Nếu xét riêng quý 3, tốc độ tăng lợi nhuận của TPBank có phần chững lại, đạt khoảng 36%, so với mức tăng 48% trong nửa đầu năm.
Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng đã hoàn thành 82% kế hoạch sau 9 tháng. Nhà băng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế gần 6.000 tỉ đồng, tăng 36% cùng kỳ và vượt mức lợi nhuận cả năm 2020. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng trong quý 3 của HDBank đã chững lại, chỉ đạt hơn 20% so với mức tăng 44% trong nửa đầu năm.
Tương tự, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) ghi nhận lợi nhuận 9 tháng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 5.055 tỉ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm 2020.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) mới đây cũng công bố kết quả 9 tháng, ghi nhận tổng tài sản gần 198.229 tỉ đồng, tương đương 99,7% kế hoạch năm, tăng gần 10% so với đầu năm.
Trung tâm phân tích của SSI Research dự báo lợi nhuận của một loạt ngân hàng lớn vẫn sẽ tăng trưởng 2 chữ số trong quý 3 năm nay, bất chấp tình hình dịch bệnh.
Đơn cử tại Techcombank, các chuyên gia ước SSI dự tính ngân hàng này có thể thu về 5.200 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý này, cao hơn gần 31% so với cùng kỳ. Cơ sở của mức lợi nhuận này là tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt xấp xỉ 16%.
Còn tại Vietcombank, lợi nhuận trước thuế quý 3 năm nay của nhà băng này có thể đạt 5.000 tỉ, chỉ tăng 0,3%. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế nhà băng này đạt 18.600 tỉ đồng, cao hơn 16% cùng kỳ.
Cũng được dự báo có tăng trưởng lợi nhuận thấp trong quý 3 là VietinBank, với mức lãi ước tính khoảng 3.000 tỉ, tăng 3% so với đầu năm. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận của VietinBank ước đạt 13.900 tỉ đồng, vẫn tăng 34% chủ yếu nhờ mức lợi nhuận cao trong quý 1.
Trong khi đó, một loạt ngân hàng thương mại lớn được SSI Research dự báo có mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế 2 chữ số trong quý này, bao gồm MBBank dự kiến thu về 3.400 tỉ đồng (tăng 13%); VPBank đạt 3.200 tỉ (tăng 14%); ACB đạt 3.000 tỉ (tăng 16%)...
Tín dụng tăng trưởng thấp, nhà băng dần “thấm đòn” COVID-19
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định lợi nhuận ngân hàng quý 3/2021 sẽ “thấm đòn” COVID-19. Nguyên nhân là tín dụng thấp, trích lập dự phòng cao. Trong đó, tín dụng thấp khiến thu nhập lãi thuần quý 3 của các ngân hàng giảm 2% so với quý trước.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng toàn ngành ngân hàng tính đến ngày 7.10 chỉ tăng 7,42% so với đầu năm nay, cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 (tăng 5,48%), nhưng không tăng so với cuối tháng 8.2021. Như vậy, dư nợ toàn nền kinh đi ngang trong tháng 9 và đầu tháng 10.2021.
Đáng chú ý, kết quả điều tra của Vụ Dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước) cũng cho thấy các tổ chức tín dụng đánh giá lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm. Lần đầu tiên kể từ khi Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều tra xu hướng kinh doanh theo quý (từ quý 1/2014), hệ thống tổ chức tín dụng cho biết, lợi nhuận trước thuế cùng các kết quả hoạt động kinh doanh (thu nhập ròng từ lãi, thu nhập ròng từ phí và dịch vụ, thu nhập từ hoạt động tự doanh) trong quý có chiều hướng suy giảm so với quý trước.
Theo các tổ chức tín dụng, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tổng thể của khách hàng trong quý 3/2021 ở mức thấp và giảm so với quý trước, trong đó nhu cầu gửi tiền giảm mạnh.
Tuy nhiên, nhu cầu sẽ phục hồi trở lại trong quý 4 nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Đánh giá chung cả năm 2021, các tổ chức tín dụng đã thu hẹp kỳ vọng về sự gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng, trong đó nhu cầu vay vốn tiếp tục được kỳ vọng tăng cao hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.