5 con voọc chà vá bị bắn chết, và còn gì nữa?
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 19:04, 18/10/2021
Đây là khu rừng thôn Kon Dốc, thuộc khu vực rừng của Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Ba Tơ quản lý, voọc chà vá chân xám lại thuộc một trong 25 loài linh trưởng bị đe dọa nhất thế giới, nằm trong danh sách cực kỳ nguy cấp của sách đỏ. Với số lượng 550-700 con, sống ở những khu rừng thuộc 5 tỉnh miền Trung là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai và Kon Tum. Đây là loài linh trưởng cực kỳ quý hiếm, chúng lại bị thợ săn bắn chết ngay trong khu rừng thuộc một công ty nhà nước quản lý. Đám thợ săn khi thấy người của cơ quan chức năng đến đã bỏ chạy vào rừng, bỏ lại tang vật là xe máy, 53 viên đạn chì và ống giảm thanh.
Lâu nay, những con thú thuộc hàng “sách đỏ” vẫn thường bị hạ sát dã man như vậy. Nếu không có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn, trừng phạt, thì chẳng bao lâu nữa, những loài thú rất quý như voọc chà vá chân xám sẽ bị xóa sổ. Quảng Ngãi lại là một trong 5 địa phương có loài linh trưởng này sinh sống. Độ quý hiếm của chúng đã lên tới mức người ta không dám nghĩ là chúng phải bị hạ sát một cách dễ dàng như vậy. Nhưng cuộc thảm sát đã xảy ra. Nhìn tang vật là xác 5 con voọc chà vá chân xám bị bắn chết, xếp hàng một trước mặt mọi người như thế, thật không ai dám nhìn lâu. Vì quá đau xót, quá sợ hãi.
Mọi điều luật nhằm bảo vệ những động vật hoang dã, đặc biệt là những động vật quý hiếm đã được thế giới ban bố từ lâu lắm, nhưng rồi những vụ tàn sát không thương tiếc như thế này vẫn xảy ra đây đó.
Nhóm thợ săn tàn sát voọc chà vá chân xám đã chuẩn bị rất kỹ vũ khí khi vào rừng sắn bắn. Họ sử dụng cả ống giảm thanh gắn vào súng bắn đạn chì, nghĩa là những vụ thảm sát hoàn toàn xảy ra trong im lặng. Và mang tính “công nghệ cao”.
Pháp luật Việt Nam sẽ xử những trường hợp này như thế nào, có đủ sức răn đe để những hành động dã man như thế sẽ không còn xảy ra nữa, và quan trọng hơn, phải mở những chiến dịch tuyên truyền như thế nào để con người (đặc biệt là những người thợ săn) hiểu rõ mình đã phạm pháp một cách nghiêm trọng như thế nào khi hành động tàn sát những động vật hoang dã đã đi vào "sách đỏ”, là niềm tự hào của cả đất nước như thế. Bởi những con vật hoang dã như voọc chà vá chân xám ấy, chúng chỉ còn rất ít trên hành tinh này, và chúng đã trở nên vô giá, đã được luật pháp của cả nhân loại bảo vệ. Giết chúng thì rất dễ, nhưng bảo vệ cuộc sống cho chúng, để chúng sinh con đẻ cái thì cực kỳ khó. Nhưng đó là việc, không chỉ Việt Nam, mà cả thế giới phải làm.
Nếu mỗi người dân ở cạnh các khu rừng còn những loài vật quý hiếm này sinh sống hiểu sâu sắc điều đó, thì chính họ sẽ cùng các lực lượng chức năng của nhà nước bảo vệ những bảo vật tầm thế giới này. Còn một khi người dân bình thản khi những con vật này bị sát hại, thì sẽ không có bất cứ lực lượng chức năng nào bảo vệ được chúng. Muốn bảo vệ những báu vật này, thì chỉ sự răn đe của pháp luật là không đủ, mà quan trọng hơn, là cần ý thức bảo vệ của người dân như bảo vệ những gì quý giá trong nhà mình, như bảo vệ con cháu mình. Chỉ khi người dân là “cư dân của rừng” có ý thức cao bảo vệ những loài động vật quý hiếm như thế, thì họ sẽ có những biện pháp ngăn chặn những kẻ săn bắn vô lương tâm vô pháp, và bảo vệ được những “báu vật của rừng”.