Giảm thuế, phí xăng dầu: Lợi bất cập hại?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:20, 19/10/2021
Cùng với việc nhiều quốc gia về cơ bản đã khống chế được sự bùng phát của đại dịch COVID-19 và tổ chức phục hồi nền kinh tế trong điều kiện sống chung với vi rút, giá xăng dầu thế giới liên tục tăng mạnh thời gian qua. Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính xoay quanh vấn đề này.
- Giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang tăng cao và dự báo tiếp tục tăng. Theo ông, đâu là nguyên nhân của tình trạng này.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Giá dầu thô trên thế giới tăng cao trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân. Trước hết, nếu nhìn vào yếu tố cầu thì đà phục hồi kinh tế và việc mở cửa trở lại trên thị trường thế giới, nhu cầu giao thông tăng cao và kéo theo nhu cầu tiêu dùng xăng là rất cao.
Việc thiếu than đá, thiếu khí đốt do nhu cầu sản xuất điện và dự trữ sưởi ấm mùa đông sắp tới được dự báo rất khắc nghiệt đang đến với các quốc gia châu Âu và bắc bán cầu đã tăng thêm tâm lý tích trữ và tiêu thụ dầu thô. Giá khí đốt ở châu Âu từ đầu năm 2021 đến nay đã tăng đến 500% nên người tiêu dùng cũng chuyển sang dùng dầu.
Một nguyên nhân khác là trong khi cầu tiêu dùng tăng mạnh thì nguồn cung tăng chậm hơn Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +) đã quyết định duy trì mức tăng sản lượng ổn định và dần dần ở mức 400.00 thùng/ngày vào tháng 11.
Đứng về góc độ địa chính trị hay góc độ về thiên nhiên, các cơn bão liên tục xảy ra ở Vịnh Mexico đã làm giảm sút sản lượng khai thác và cung cấp dầu thô cho nước Mỹ - quốc gia sử dụng xăng dầu hàng đầu trên thế giới. Điều này càng làm trầm trọng hơn sự khan hiếm về dầu thô trên thế giới.
- Từ năm 2020, công thức giá bán lẻ xăng dầu Việt Nam đã được kết cấu theo giá quốc tế nên giá xăng dầu quốc tế tăng sẽ làm giá xăng dầu trong nước tăng theo. Giải pháp của Việt Nam là gì? Thưa ông?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Theo các số liệu của Bộ Công thương, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu thành phẩm trên thế giới tăng rất mạnh, từ 40-45%. Tuy nhiên, để hạn chế đà tăng của giá xăng, dầu trong nước theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình chống dịch và phục hồi kinh tế, liên Bộ Công thương - Tài chính đã sử dụng Quỹ Bình ổn giá (BOG) rất hiệu quả, linh hoạt bằng việc xả quỹ để bù giá và trích lập quỹ với mức thấp hoặc không trích quỹ BOG.
Vì vậy, giá bán lẻ xăng dầu trong nước chỉ tăng khoảng từ 30-35%, thấp hơn mức tăng chung của thế giới. Do sử dụng Quỹ BOG nhiều để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cho nên dư địa của Quỹ BOG hiện nay cũng không còn nhiều.
Đến nay, đã có 14 đầu mối bị âm Quỹ BOG, trong đó, có 2 Tập đoàn lớn là Tập đoàn Xăng dầu việt Nam (Petrolimex) và Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV OIL) có số quỹ âm Quỹ BOG lên tới hàng ngàn tỉ đồng.
- Nhiều lo ngại việc giá xăng dầu tăng sẽ khiến lạm phát tăng cao ở các tháng cuối năm. Quan điểm của ông thế nào về vấn đề này?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Giá xăng dầu tăng cao sẽ có ảnh hưởng nhất định đến giá cả của một số hàng hoá và mặt bằng giá cả trong nền kinh tế quốc dân. Giá xăng dầu tăng sẽ có tác động trực tiếp đến khách hàng mua lẻ và các ngành vận tải, còn tác động gián tiếp là giá cả các mặt hàng, dịch vụ khác sẽ tăng.
Lý do là các ngành sản xuất và tiêu dùng đều cần đến nhiên liệu, điện, khí để vận hành máy móc, thiết bị và thông qua các khâu vận chuyển, nếu giá xăng tăng sẽ khiến giá chi phí nhiên liệu và chi phí vận chuyển tăng. Do đó giá xăng dầu tăng cũng là một yếu tố quan trọng làm tăng khả năng lạm phát tăng cao trong các tháng cuối năm.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9.2021 đã giảm 0,62% so với tháng 8, tăng 2,06% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung 9 tháng, CPI tăng 1,82% so với cùng kỳ năm 2020, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 9 tháng chỉ tăng 0,88%.
Nguyên nhân cơ bản để chỉ số lạm phát 9 tháng qua thấp là do việc giãn cách xã hội để chống đợt bùng phát lần thứ 4 đại dịch COVID-19, cầu tiêu dùng của hầu hết các hàng hoá trong xã hội giảm thấp; đồng thời, vòng luân chuyển của tiền tệ trong nền kinh tế rất chậm.
Thế nên, kể cả giá xăng dầu, hàng hóa đều tăng trong thời gian tới nhưng lạm phát vẫn ở mức thấp, khoảng 2,8-3,2% trong giới hạn 4% mà Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Như vậy, cần có nhận thức đúng về giá xăng dầu tăng mạnh ở Việt Nam và phải tính toán để sử dụng các công cụ khác một cách hài hòa với diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng rất cao.
- Nhiều ý kiến cho rằng để ghìm đà tăng giá xăng dầu, cơ quan điều hành cần phải tính toán giảm thuế, phí thay vì tiếp tục phụ thuộc vào quỹ bình ổn giá. Quan điểm của ông thế nào?
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Trên thực tế, câu chuyện giá xăng dầu tăng khi nền kinh tế thế giới phục hồi và phát triển sau đại dịch COVID – 19 đã nằm trong dự tính của các nhà kinh tế.
Trước sự tăng giá của giá xăng dầu và với mong muốn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hồi phục sau đợt bùng phát lần thứ 4 của đại dịch COVID-19, đã có những đề xuất về miễn giảm các loại thuế với xăng dầu. Đây là một đề xuất cần được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Trước hết, việc sử dụng quỹ BOG chỉ nên thực hiện khi có những đợt tăng giá đột xuất, chưa dự đoán được. Trong thời gian qua, mặc dù xu hướng tăng giá của xăng dầu là ổn định lâu dài, nhưng để hỗ trợ người dân và DN vừa ra khỏi đợt giãn cách quyết liệt hồi phục và phát triển thì Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã thực hiện các biện pháp điều chỉnh linh hoạt để kìm giữ giá xăng dầu tăng chậm hơn mức tăng của thị trường thế giới.
Thị trường xăng dầu thế giới đang trên đà tăng ổn định do nhu cầu xăng dầu để phục hồi của các nền kinh tế lớn trên thế giới nhanh hơn dự đoán từ đại dịch COVID- 19 và đang là những thị trường nhập khẩu dầu lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ...Đã đến lúc cần đưa giá dầu dần về mặt bằng của thị trường.
Ngoài ra, theo bảng xếp hạng của trang Global Petrol Prices vào ngày 4.10.2021, giá bán lẻ xăng của Việt Nam đứng vị trí 51 từ thấp đến cao trong tổng số 168 quốc gia (thấp hơn 117 quốc gia và vùng lãnh thổ). Nhiều nước như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Canada, Na Uy,... có giá bán lẻ xăng cao hơn so với Việt Nam mặc dù có trữ lượng dầu lớn và khai thác, lọc hoá dầu và kinh doanh thương mại lớn hơn Việt Nam.
Hơn nữa, tỷ lệ thuế trên giá cơ sở xăng của Việt Nam (vào ngày 4.10.2021) khoảng 42% và với dầu diesel từ mức khoảng dưới 30%, đang ở mức thấp so với nhiều nước và tiếp tục thấp đi.
Nếu hạ thấp thuế đối với xăng dầu sẽ không khuyến khích các DN trong nền kinh tế sử dụng tiết kiệm năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng. Do các DN càng sử dụng nhiều xăng dầu, nhiều điện càng được nhận khoản hỗ trợ lớn hơn từ việc Chính phủ giảm giá xăng dầu.
Điều này vô hình chung lại hỗ trợ các DN sử dụng bừa bãi nhiên liệu, năng lượng, xăng dầu, các DN sử dụng các phương tiện, máy móc thiết bị lạc hậu, năng suất thấp, tiêu tốn nhiều nhiên liệu; tạo sự không công bằng cho người sử dụng, gia tăng hố sâu ngăn cách giữa các tầng lớp dân cư...
- Ông có nói rằng hạ thấp thuế đối với xăng dầu còn tạo sự không công bằng cho người sử dụng, khoét sâu hố ngăn cách giữa các tầng lớp dân cư. Xin ông phna tích rõ hơn điều này.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Chỉ những người có thu nhập cao mới có điều kiện sử dụng các phương tiện hiện đại, tiêu tốn nhiều xăng dầu, còn những người lao động bình dân và lao động tự do, bán vé số, buôn thúng bán bưng sử dụng rất ít nhiên liệu xăng dầu. Càng giảm thuế xăng dầu nhiều, những người có thu nhập cao càng được hỗ trợ nhiều hơn, người có thu nhập thấp được hỗ trợ ít hơn.
Ngoài ra, thuế đối với xăng dầu là chính sách dài hạn của Chính phủ để đảm bảo nguồn thu cho NSNN, đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, giảm khí thải, đảm bảo sử dụng hợp lý và tiết kiệm nguồn tài nguyên không thể tái tạo và điều tiết thu nhập trong nền kinh tế.
Giảm thuế xăng dầu sẽ làm giảm nguồn thu của NSNN, giảm các khả năng chi tiêu của Chính phủ cho các mục tiêu hồi phục và phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và hỗ trợ an sinh xã hội, giúp đỡ những nhóm lao động yếm thế trong xã hội. Việc giảm thuế xăng dầu chỉ để nhằm hỗ trợ hồi phục kinh tế là một chính sách trong giai đoạn trước mắt của Chính phủ.
Chính vì vậy, đề xuất giảm thuế xăng dầu cần thiết được nghiên cứu cẩn trọng để đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét kỹ lưỡng.
Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu đưa ra các biện pháp hợp lý khi các doanh nghiệp đang cần được hỗ trợ để phục hồi sản xuất. Nên triển khai các biện pháp có thể thực hiện ngay để điều hành giá xăng dầu nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; hoặc triển khai các gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp bù đắp chi phí nguyên liệu, nhiên liệu tăng cao cho DN.
Đồng thời, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để ổn định thị trường xăng dầu.