Thực hư làng nói tiếng cổ ngàn năm
Giáo dục - Ngày đăng : 06:53, 13/02/2019
Cứ tưởng là có sự phát hiện mới, làm giàu thêm kiến thức văn hóa của mình. Nhưng đọc xong thì té ngửa vì sự ngộ nhận của tác giả. Ngày 4.11.2012 TTO và ngày 7.8.2014 báo Kiến thức cũng có bài viết với nội dung tương tự
Tác giả Thanh Tuấn viết “Dưới chân núi Nưa - nơi có huyệt đạo linh thiêng nhất nước ở Thanh Hóa - hiện có ngôi làng cổ ngàn năm vẫn dùng thứ tiếng “lạ” để nói chuyện hằng ngày”. Đó là làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa; từng là căn cứ cuộc khởi nghĩa của Triệu Thị Trinh vào năm 248.
Không hiểu danh hiệu làng Cổ Định là “Huyệt đạo linh thiêng nhất nước” do cơ quan nào công nhận? Lâu nay, từ “làng cổ” dùng để chỉ các ngôi làng cổ xưa mà kiến trúc còn đậm nét như Đường Lâm, Cự Đà (Hà Nội); Thổ Hà (Bắc Giang); Túy Loan (Đà Nẵng); Phước Tích (Thừa Thiên-Huế); Long Tuyền (Cần Thơ)… Rất nhiều làng ở Việt Nam, dù lịch sử lâu đời nhưng đã bị đô thị hóa.
Làng Cổ Định được nhiều người viết khai thác bởi giọng nói khác lạ so với tiếng Việt phổ thông. Có người bảo đó là tiếng cổ ngàn năm. Tiếng Việt chẳng ngàn năm là gì. Chỉ có chữ viết là thay đổi, còn tiếng Việt đã có tự ngàn xưa. Khẳng định “Làng nói tiếng cổ độc nhất, các làng khác không hiểu” là các tác giả đã không hiểu gì về tiếng Việt của từng địa phương, còn gọi là phương ngữ. Anh chị em hướng dẫn viên du lịch, đi tới đâu phải học “ngôn ngữ địa phương” (phương ngữ) ở đó, kể cả cách phát âm. Bắc Trung bộ là vùng nói tiếng Việt khó nghe nhất của Việt Nam; đặc biệt là các vùng sâu, miền núi.
Không chỉ người vùng khác mà ngay cả dân trong vùng, đi làm ăn xa nhiều năm, về quê, nhiều lúc còn khó hiểu. Lắm lúc phải suy nghĩ chốc lát mới hiểu được. Ước tính khoảng 50% các từ chính của tiếng Việt phổ thông bị nói chệch âm, thậm chí sai âm chứ không hề có chữ viết sai. Người làng chỉ nói chuyện bằng phương ngữ với nhau, chứ với người lạ, họ vẫn dùng tiếng Việt phổ thông.
Năm 1995, lần đầu tôi đi xe con về quê ở Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Lái xe, sau khi vào nhà rửa mặt đã ngạc nhiên hỏi tôi “Ba mẹ anh là người dân tộc hả?”. “Sao anh lại hỏi vậy?”. “Ông bà cụ nói tôi chẳng hiểu gì”. “Tôi còn không hiểu nữa là anh”. Ba mẹ tôi rời quê, làng nồi đất Trù Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đã mấy chục năm nhưng cách nói chuyện với nhau vẫn đặc sệt phương ngữ.
Các tác giả bài báo trên gọi là "tiếng lạ" vì thấy quá khác biệt so với tiếng Việt phổ thông và người vùng khác. Còn với người trong làng, trong vùng, đó là tiếng mẹ đẻ. Tôi không tin có chuyện “làng này nói, làng kia không hiểu”. Từng làng hay từng vùng, có một ít từ riêng chứ không phổ biến
Tôi là dân xứ Nghệ đời F2, xa quê từ năm 1974 nhưng vẫn còn nhớ nhiều phương ngữ quê nhà. Xin dẫn chứng cụ thể các từ chệch âm. Lúa gọi là Ló. Gạo (cơm) – Gấu. Ruộng – Rọng. Con gái – Con gấy. Lấy vợ - Lấy gấy. Tối (thời gian) – Túi. Lưỡi – Lãi. Học – Hoọc. Đường (đi) – Đàng. Trâu – Tru. Gà – Ga. Sâu (bọ) – Trâu. Ỉa - Ẻ. Cứt – Kít. Nước – Nác. Anh – Eng. Rắn – Tắn. Người – Ngài (khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang). Đông (số lượng) – Đoông. Quần (áo) – Cùn. Ruột (nội tạng) – Rọt. Vú (ngực) – Vụ. Canh (cơm) – Keng. Nướng – Náng. Banh (bóng) – Ban. Gặt (hái) – Gắt. Bê (bò con) – Me. Ruồi (nhặng) – Ròi. Muối – Mói. Chổi (quét) – Chủi. Chân (tay) – Chin. Gãi – Khải. Sáo (chim) - Tráo…
Các từ biến âm . Rạ (rơm) gọi là Toóc. Xa (gần) – Ngái. Đầu gối – Trục cúi. Lỗ mũi – Trục mũi. Kỳ (cọ) – Nhít. Cáu bẩn bám trên người – Ghét. Lấy chồng – Lấy Nhoông. Cọp (hổ) –Khái. Ở truồng - Ở lổ. Ớt – Óc cay. Tiêu – Óc cay bắc. Đít – Lụ khu. Sưng – Cảy. Dòi (bọ) – Troi. Đi chơi – Đi nhởi. Cọp (hổ) – Khái. Dâu (rể) – Ru. Xinh đẹp – Sọi. Thúi (hôi) – Hoi. Trồng (cây) – Loông. Bắp (ngô) – Loông ngô. Khúc cây – Lẻ. Đầu (thân thể) – Troốc. Cắn (xé) – Cắm. Dây (thừng) – Chạc. Ngứa – Ngá. Quần (áo ) – Cùn. Lười (biếng) – Nhác. Ốm (gầy) – Tóm. Chọi – Trọi …
Các từ chệch âm có quy luật như Ai thành Ây, Uô thành O, Ô thành Oô, Ọc thành Oọc… Còn các từ biến âm thì chịu. Ngoài các từ chệch âm, biến âm; còn có các từ đệm ở cuối hoặc giữa câu như Tề, Mồ, Ậy… và âm điệu lên xuống theo ngữ cảnh. Danh từ thường được thay bằng cách láy thêm tính từ. Ví dụ “Ngài tóm tóm ậy” (người rất gầy, ốm nhách). “Cho đi nhởi với mồ” (cho đi chơi với nha). “Uống nác tề” (uống nước nha). “Rọng ló bị tru tìm nác mần hư” (ruộng lúa bị trâu tìm nước làm hư)… Vùng Nghi Lộc (Nghệ An) từ nào cũng có thêm dấu sắc. “Cón trú ní mấy triếu?” (Con trâu này mấy triệu)…
Vợ chồng có con trai đầu lòng được gọi là anh, chị cu. Có con gái đầu lòng được gọi là anh, chị hoe. Ngã ba được gọi là ngã hai. Địa danh Ngã Hai ở Km7 quốc lộ 1, từ Phan Thiết đi Sài Gòn rẽ lên ga Mương Mán cũ, được dân Nghệ An di cư đặt từ 1954 đến nay. Đây là ngã hai duy nhất trong cả nước.
Tiếng lạ cổ mà nhiều người viết ngộ nhận chỉ là phương ngữ miền núi vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình. Đó là tiếng mẹ đẻ, từ trẻ đến già đều sử dụng. Lớp trẻ đi làm xa nhà, nói tiếng Việt phổ thông nhưng về quê là rặt phương ngữ, líu lo như chim hót. Đám trẻ quê tôi, dân Nghệ F2 ở Bình Thuận, đi học thì thôi, về nhà là lô la phương ngữ đặc sệt.
Xin được thanh minh cho bà con làng nồi đất Trù Sơn nói riêng và các làng Việt miền núi vùng Bắc Trung bộ nói chung. Không có tiếng nào lạ cả. Chỉ lạ với khách xa. Còn bà con trong vùng thì đó là tiếng quen. Hay gọi là tiếng quê cũng được.
Tại sao vùng này nói chệch âm và biến âm nhiều như vậy? Câu trả lời xin dành cho các nhà ngôn ngữ học.
Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tour)