Bảy tỉnh thành Nam Sông Hậu liên kết để phát triển

Sự kiện - Ngày đăng : 16:55, 19/10/2021

Ngày 19.10, UBND TP.Cần Thơ chủ trì tổ chức chương trình hội nghị trực tuyến liên kết, phối hợp 7 tỉnh thành khu vực Nam Sông Hậu trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội.

Bảy tỉnh thành phía nam sông Hậu gồm Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liệu và Cà Mau. Những lĩnh vực trọng tâm trong nội dung liên kết gồm y tế, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, thông tin - truyền thông, giao thông vận tải, lao động việc làm.

Báo cáo tại hội nghị, Sở Kế hoạch - Đầu tư TP.Cần Thơ cho biết, dưới tác động của hội nhập và cách mạng công nghiệp 4.0, đã không còn phù hợp các mô hình sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, phương thức sản xuất kinh doanh cũ. Sự liên kết đồng thuận của các địa phương sẽ giải quyết hài hòa những mâu thuẫn giữa các địa phương về việc phân công sản xuất, phân công lao động trong xây dựng chuỗi cung ứng hàng hóa; xử lý tốt các vấn đề liên quan đến tài nguyên môi trường và nhiều vấn đề xã hội khác.

ong-tran-viet-truong.jpg
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ phát biểu tại hội nghị - Ảnh: P.H

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác phòng chống dịch ở các địa phương Nam Sông Hậu, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc hiện hữu, nhất là về giao thông, lưu thông hàng hóa giữa các địa phương; các giải pháp chung về triển khai phòng chống dịch COVID-19. Từ đó, kịch bản khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế là vấn đề phải đặt ra hiện nay. Trong đó, trọng tâm là tiêu thụ nông sản, liên kết chuỗi cung ứng, phân phối thị trường hàng hóa, ứng phó với biến đổi khí hậu, tình trạng kết cấu hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, liên kết; giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong bối cảnh các địa phương đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh.

Tại hội nghị, đại diện các tỉnh thành khu vực Nam Sông Hậu bày tỏ lo ngại về nhiều vấn đề kinh tế - xã hội từ tác động của dịch COVID-19. Trong đó, quý 3/2021, dịch bệnh đã khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực xuống thấp so với cùng kỳ; nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ; sức mua thị trường giảm đáng kể trong khi giá cả nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản giảm mạnh; lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch chịu tác động nặng nề; thu hút vốn đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn số doanh nghiệp ngưng hoạt động; tỷ lệ người lao động thất nghiệp tăng mạnh, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn…

Tình hình diễn biến dịch COVID-19 của 7 tỉnh thành Nam Sông Hậu cơ bản đang được kiểm soát tốt, tuy nhiên vẫn đang đối diện nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.

che-bien-ca-tra-o-dbscl.jpg
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực Nam Sông Hậu đã tụt dốc trong quý 3 năm 2021 - Ảnh: Nguyên Việt

Cụ thể, các đại biểu đã nêu ra một số khó khăn như: cơ sở vật chất, nhân lực, vật tư y tế còn thiếu; tỷ lệ bao phủ vắc xin thấp; người dân từ khu vực Đông Nam Bộ trở về địa phương vẫn nhiều, số người mắc COVID-19 tăng mạnh; nhiều điểm chưa thống nhất giữa các địa phương trong triển khai “cuộc sống bình thường mới” theo Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Trước những khó khăn của khu vực Nam Sông Hậu, lãnh đạo 7 địa phương đã đồng lòng, đoàn kết và thống nhất về sự cần thiết của sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, đơn vị đề xuất ý tưởng liên kết, phối hợp khu vực Nam Sông Hậu, cho biết các địa phương trong khu vực có khá nhiều điểm tương đồng về điều kiện kinh tế - xã hội, có chung nhiều tiềm năng, thế mạnh. Tuy nhiên trong những năm qua, vẫn còn tình trạng mỗi tỉnh mỗi làm dẫn đến thiếu tính bền vững, thiếu tiếng nói chung trong phát triển khu vực. Ông Lâu cho rằng việc liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong tiểu vùng Nam Sông Hậu là rất cần thiết.

Tại hội nghị, các địa phương Nam Sông Hậu đã đi đến thống nhất về một số nội dung liên kết, hợp tác đã đề ra như: y tế, nông nghiệp, thủy sản, thương mại - dịch vụ, thông tin - truyền thông, giao thông vận tải và lao động việc làm. Ngoài ra, các đại biểu đề xuất thêm một số lĩnh vực có tiềm năng liên kết khác như: du lịch, thu hút đầu tư, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai…, đồng thời hình thành cơ chế chia sẻ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm… của lãnh đạo các tỉnh, thành trong tiểu vùng.

Nguyên Việt