Hơn 90% nhân viên y tế chống dịch COVID-19 bị tổn thương da

Thông tin Y học - Ngày đăng : 19:31, 19/10/2021

Tình trạng làn da bị tổn thương xảy ra ở hầu hết nhân viên y tế tham gia chống dịch COVID-19 khi thường xuyên phải mang khẩu trang, đồ bảo hộ.

Sử dụng đồ bảo hộ 6 giờ mỗi ngày gây viêm da nặng

Trong thời gian qua, các lực lượng tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19, nhất là nhân viên y tế phải mặc đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân trong thời gian dài mỗi ngày. Điều này vô hình trung khiến nhân viên y tế đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe.

Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Trai - Giảng viên Bộ môn Da liễu, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, vật liệu của đồ bảo hộ có thể trở thành dị ứng nguyên gây viêm da. Những nhân viên y tế sử dụng đồ bảo hộ trên 6 giờ mỗi ngày thì triệu chứng kích ứng da, viêm da càng trầm trọng hơn. Mặt khác, những áp lực tì đè trên da do đồ bảo hộ gây ra những chấn thương cơ học với những vết hằn sâu, những vết đỏ gây trầy xước, trợt lở, rối loạn tuần hoàn khó hồi phục.

hon-90-nhan-vien-y-te-chong-dich-covid-19-bi-ton-thuong-da-hinh-anh(1).png
Nhân viên y tế  phòng chống dịch COVID-19- Ảnh: PV 

Hàng rào bảo vệ da được cấu tạo bởi lớp tế bào ở vùng thượng bì, trong đó quan trọng nhất là lớp tế bào sừng ở ngoài cùng của da. Xen giữa lớp tế bào sừng là lớp gian bào, đóng vai trò như một lớp vữa kết dính các tế bào sừng lại với nhau, ngoài ra còn có các chất dưỡng ẩm tự nhiên. Tuy nhiên, trong giai đoạn cao điểm chống dịch COVID-19 hầu hết nhân viên y tế đã gặp phải những vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến làn da khi thường xuyên phải mặc đồ bảo hộ kín từ đầu đến chân và rửa tay bằng nước sát khuẩn liên tục.

Trong môi trường làm việc áp lực cao, kéo dài đã gây ra những rối loạn tuần hoàn trên da và các yếu tố sinh lý bình thường trên da dẫn tới suy yếu hàng rào bảo vệ da.

“Một nghiên cứu dịch tễ tại 11 Trung tâm Liên hiệp Anh cho thấy, hơn 93% các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch phải đối mặt với bệnh da nghề nghiệp, trong đó triệu chứng thường gặp nhất là khô da, ngứa, đau rát. Tổn thương da thường gặp là bong vảy, đỏ da, nhăn da và nứt da. Vùng tổn thương da thường gặp nhất là sống mũi, tiếp đến là gò má, trán, bàn tay, các vùng dễ bị tì đè bởi đồ bảo hộ”, bác sĩ Trai cho biết.

Cồn sát khuẩn dẫn tới khô da, viêm da nghiêm trọng

Theo các chuyên gia da liễu, vật liệu đồ bảo hộ có thể là một trong những yếu tố gây dị ứng da cho nhân viên y tế. Một số nhân viên y tế đã bị viêm da dị ứng tiếp xúc toàn thân do những chất có trong khẩu trang N95. Bên cạnh đó, khẩu trang còn là nguyên nhân trực tiếp khiến hầu hết nhân viên y tế đối mặt với tình trạng nổi mụn trứng cá với các sang thương nhân mụn, mụn mủ, mụn viêm ở vùng khẩu trang che phủ.

Mụn trứng cá xuất hiện là do sự tăng độ ẩm trên da do mồ hôi bài tiết ra, tăng mất nước qua thượng bì do hàng rào bảo vệ da bị tổn thương. Tăng tiết tuyến bã nhờn trên da do nhiệt độ cơ thể tăng lên từ đó tăng pH trên da do bụi bẩn bã nhờn không thể thoát đi, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Thời gian mang khẩu trang càng kéo dài phản ứng viêm càng khuếch đại, tình trạng nổi mụn càng trầm trọng hơn.

Việc sử dụng nước rửa tay sát khuẩn và các chất tẩy rửa quá nhiều đang khiến nhân viên y tế tham gia chống dịch bị viêm da bàn tay. Các loại găng tay có bột thường gây kích ứng da lớn hơn so với găng tay thông thường, bên cạnh đó việc nhân viên y tế mang găng tay khi da bị ướt thường khiến tình trạng viêm da nặng nề hơn với các hồng ban, khô da, nứt nẻ, nổi hồng ban, nổi bóng nước.

Để hạn chế tình trạng tổn thương da, bác sĩ Trai khuyến cáo nhân viên y tế cần chú ý kiểm soát thời gian sử dụng đồ bảo hộ dưới 6 giờ mỗi ngày. Sau khi rời khỏi khu vực nhiễm khuẩn, nhân viên y tế cần tắm ngay để loại bỏ mồ hôi và chất bẩn trên da. Trong quá trình tham gia chống dịch nên chọn loại khẩu trang phù hợp với khuôn mặt để hạn chế tình trạng tì đè quá mạnh, cần thoa kem làm ẩm, bảo vệ da trước khi mang khẩu trang. Không được dùng cồn hay chất kích ứng trên da mặt, giảm thời gian sử dụng khẩu trang liên tục, mỗi 2 đến 4 giờ cần thay khẩu trang một lần, không sử dụng găng tay khi da đang ướt…

Hồ Quang