TP.HCM công bố tiết kiệm được 1.400 tỉ đồng các khoản chi cho phòng chống COVID-19

Sự kiện - Ngày đăng : 19:34, 19/10/2021

Lãnh đạo Sở Tài chính cho biết trong 9 tháng qua, các sở ngành, quận, huyện đã tiết kiệm được 1.400 tỉ đồng khoản chi thường xuyên để phục vụ cho công tác phòng chống dịch.

Chiều 19.10, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến với các quận, huyện, TP Thủ Đức về tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH), thu chi ngân sách 9 tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2021.

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội liên tục trong thời gian dài đã tác động đến toàn bộ các hoạt động KT-XH, dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế giảm sâu; tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn ước đạt 636.306 tỉ đồng, giảm 17,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,3%); tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,5 tỉ USD, giảm 3,4% (cùng kỳ tăng 4,9%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng ước giảm 12,9% (cùng kỳ giảm 4,9%). Bốn ngành công nghiệp trọng yếu 9 tháng ước giảm 10,9% (cùng kỳ giảm 0,1%).

1910-ubnd-toan-canh.jpeg
Quang cảnh hội nghị - Ảnh: TTBC

Những khó khăn nêu trên tác động đến GRDP 9 tháng đầu năm ước giảm 4,98% (cùng kỳ tăng 0,77%), dự báo cả năm 2021 giảm 5,06% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,39%) và không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2021 là 6%). Công tác kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống, tâm lý của người dân, sức chịu đựng của doanh nghiệp thành phố.

Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ, chỉ tiêu 9 tháng đầu năm vẫn cơ bản hoàn thành và là điểm sáng đáng ghi nhận như: Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 75% dự toán, tăng 7,96% so với cùng kỳ; Các dịch vụ ngân hàng đều duy trì hoạt động và tăng trưởng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 3.045.000 tỉ đồng, tăng 4,71% so với cuối năm 2020; Giá trị sản xuất tại Khu công nghệ cao TP ước đạt 16,215 tỉ USD tăng 12,51% so với cùng kỳ....

Liên quan đến quản lý, điều hành thu chi ngân sách 3 tháng cuối năm 2021, Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà nhận định, với sự tác động ảnh hưởng của dịch bệnh, đây sẽ là nhiệm vụ rất nặng nề của ngành tài chính nói riêng và toàn TP nói chung. Tuy nhiên, với những kết quả TP đã đạt được trong phòng chống dịch bệnh cùng với những giải pháp phục hồi kinh tế (bao gồm một loạt chính sách hỗ trợ doanh nghiệp) là những tiền đề thuận lợi cho việc triển khai công tác thu chi ngân sách.

Theo đó, ngành tài chính TP đề nghị các sở ngành, đơn vị có liên quan đến hoạt động thu ngân sách (nhất là Cục Thuế TP, Cục Hải quan TP – 2 cơ quan có thu xuất nhập khẩu và Sở Tài nguyên Môi trường – với những nguồn thu chủ động) tiếp tục phát huy những kết quả thời gian qua, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, nắm bắt các vướng mắc của DN để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ.

hom-nay.jpeg
Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: TTBC

Về quản lý chi, lãnh đạo Sở Tài chính cho biết trong 9 tháng qua, các sở ngành, quận, huyện đã tiết kiệm được 1.400 tỉ đồng khoản chi thường xuyên để phục vụ cho công tác phòng chống dịch; đề nghị từ nay đến cuối năm, các sở ngành, đơn vị, quận huyện tiếp tục tiết kiệm các khoản chi không thật sự cần thiết.

Về kế hoạch đầu tư công, phấn đấu đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đầu tư. Trong giai đoạn hiện nay, nguồn vốn đầu tư công chính là nguồn vốn dẫn dắt các hoạt động đầu tư khác, là tiền đề để phục hồi kinh tế năm 2021 và những năm tiếp theo.

Dự kiến, trong thời gian tới, Sở Tài chính tiếp tục tham mưu UBND TP làm việc với các sở ngành, có kế hoạch và phương án làm việc với Trung ương để hướng dẫn và hỗ trợ cho TP ổn định và cân đối ngân sách TP. Trước mắt, xem xét việc huy động nguồn lực thông qua phát hành trái phiếu; làm việc với Bộ Tài chính về chỉ tiêu huy động vốn trên thị trường nội địa ngay từ đầu năm 2022…

TP.HCM cần thêm khoảng 60.000 lao động cho 3 tháng cuối năm 2021

Liên quan nguồn nhân lực, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Lê Minh Tấn cho biết, hiện có khoảng 150.000 lao động quay lại TP làm việc tại 1.400 DN. Tổng số lượng công nhân đang làm việc khoảng 230.000 người, tập trung tại các KCN, KCX, KCNC.

Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, TP cần thêm khoảng 60.000 lao động và quý I.2022 cần khoảng 120.000 – 140.000 lao động.

Trong đó, các trường Trung cấp, Cao đẳng nghề tại TP chuẩn bị ra trường khoảng 80.000 người, có thể đáp ứng được nhu cầu về lao động tại các DN của TP.

Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu TP đẩy mạnh hoạt động các sàn giao dịch việc làm ở các quận – huyện, TP.Thủ Đức để kết nối lao động. Nhiều DN cũng đang kêu gọi công nhân trở lại làm việc.

Về gói hỗ trợ an sinh đợt 3, đến nay TP đã giải ngân được khoảng 78% (tương ứng với 5.130.000 người thuộc danh sách được các địa phương thẩm định phê duyệt). Trong đó, có 11 quận - huyện và TP.Thủ Đức đạt trên 90% và 8 quận đạt trên 80%, riêng Bình Chánh và Bình Tân đạt trên 50% do số lượng người trong danh sách đông. Theo đó, đề nghị các địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo đến ngày 22.10.2021 hoàn thành việc chi trả.

Về hỗ trợ gạo, TP cơ bản đã nhận đủ 71.000 tấn gạo hỗ trợ của Chính phủ và tổ chức cấp phát cho 4.700.000 người dân; đến nay chỉ còn huyện Nhà Bè chưa hoàn thành, đề nghị địa phương nhanh chóng thực hiện việc cấp phát cho người dân và hoàn thành trước ngày 22.10.2021.

Tú Viên (Tổng hợp)