Ngàn năm đô hộ giặc Tàu: Góc nhìn về Triệu Đà, lịch sử cũng... chia phe

Giáo dục - Ngày đăng : 09:16, 19/05/2019

Đại Nam quốc sử diễn ca chép: "Triệu Vương thay nối ngôi trời/Định đô cứ hiểm đóng ngoài Phiên ngu/Loạn Tần gặp lúc Ngư Hồ/Trời nam riêng mở dư đồ một phương".
Tượng Triệu Đà

Triệu Đà, cách nhìn qua các thời kỳ- Bài 1: Nỏ thần trao tay giặc?

Trong phần trước, chúng tôi đã trình bày sơ lược về quan điểm của các sử gia thời trung đại về triều nhà Triệu cũng như nhân vật Triệu Đà. Ban đầu, quan điểm chung của các sử gia đời đầu như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên coi nhà Triệu là triều đại chính thống của người Việt và Triệu Đà là một minh quân. Nhưng đến sau thời Lê Trịnh thì các sử gia như Ngô Thì Sĩ, Phan Huy Chú lại coi Triệu Đà là sếp sòng của đạo quân xâm lược và nhà Triệu là ngoại bang. Hai quan điểm gần như đối chọi này tiếp tục ở thế nước lửa trong thời kỳ cận đại.

Các sử gia thời kỳ này đã có điều kiện tham khảo nhiều tư liệu hơn và tư tưởng của họ không thống nhất nhau. Đại Nam quốc sử diễn ca có thể coi là nơi lưu vết quan điểm của nhiều học giả về tính chính thống của nhà Triệu. Tác phẩm này được thực hiện theo lệnh của vua Tự Đức và viết bằng quốc âm theo thể thơ lục bát để đề cao ngôn ngữ nước nhà. Năm 1875 xuất hiện bản chữ quốc ngữ đầu tiên do học giả Trương Vĩnh Ký diễn âm. Theo lời bạt của bản in năm 1875 thì tác giả nguyên thủy là Lê Ngô Cát làm với 1.887 câu lục bát (3.774 dòng), được án sát tỉnh Bình Định Phạm Đình Toái sửa lại thành 1.027 câu.

Nói về Đại Nam quốc sử diễn ca chắc không nhiều người biết nhưng nếu nhắc những câu thơ chúng ta học ở SGK nhà trường như:

...Bà Trưng quê ở châu Phong

Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên

Chị em nặng một lời nguyền

Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân...

thì ắt hẳn mọi người đều biết. Chính xác đó là những vần thơ đầy niềm tự hào dân tộc trong Đại Nam quốc sử diễn ca. Và có lẽ ít người biết đó chỉ là đoạn tả về Hai Bà Trung trong đoạn 4, còn trước đó là phần tả về nhà Triệu trong đoạn 3. Xin ghi lại 4 câu đầu như sau:

...Triệu Vương thay nối ngôi trời,

Định đô cứ hiểm đóng ngoài Phiên ngu (hay còn là Phiên Ngung).

Loạn Tần gặp lúc Ngư Hồ,

Trời nam riêng mở dư đồ một phương...

Ở đoạn thứ 2 khi tả An Dương Vương chiến Triệu Đà thì Đại Nam quốc sử diễn ca gọi luôn tên húy Triệu Đà chẳng kiêng khem gì nhưng ở đoạn thứ 3, khi Triệu Đà lên ngôi thì Đại Nam quốc sử diễn ca gọi là Triệu Vương đầy tôn trọng, mô tả việc ông “thay nối ngôi trời” là hành động chính danh và còn toát lên vẻ tự hào về Triệu Đà trong câu “Trời nam riêng mở dư đồ một phương”.

Cần nhớ rằng Đại Nam quốc sử diễn ca đã qua tay rất nhiều người để đi đến công chúng Việt Nam. Sau nguyên tác của Lê Ngô Cát thì tác phẩm được học giả lừng lẫy Trương Vĩnh Ký chuyển sang quốc ngữ. Ông Ký là một là một nhà văn, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục học, và khảo cứu văn hóa tiêu biểu của Việt Nam trong thế kỷ 19. Về cả nhân cách và trình độ, ông Ký nhận rất nhiều sự tôn trọng. Và qua tay của Trương Vĩnh Ký thì Đại Nam quốc sử diễn ca vẫn coi nhà Triệu là triều đại chính thống.

Và có lẽ cũng không nhiều người biết người dẫn tựa, chú giải trong Đại Nam quốc sử diễn ca chính là nhà sử học uyên bác Hoàng Xuân Hãn. Chính ông Hãn đã viết lời tựa và dẫn trong cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca do nhà xuất bản Sông Nhị in năm 1949 đã phần nào thể hiện thái độ coi nhà Triệu là chính thống. Trong lời tựa, ông viết: “Đứng về phương diện sử học, sách này có giá trị cao thấp tùy theo giá trị của sách Đại Việt sử ký toàn thư mà sách này đã theo lược dịch. Bản sử kia có đoạn xác đáng, có đoạn sơ sài có đoạn hoang đường và có đoạn thiên vị chủ quan.

Trong khuôn khổ một bài tựa ngắn, không thể phân tích rõ. Nhưng ta cũng có thể nói qua rằng: đoạn từ Kinh Dương Vương đến hết Thục là theo tục truyền phần lớn hoang đường; đoạn từ Triệu đến hết đời Bắc thuộc có tài liệu ở sử Trung-hoa nên phần lớn xác đáng, trừ những việc về Triệu Việt Vương; đoạn từ Ngô đến hết Lý, xác đáng nhưng sơ sài; đoạn cuối đầy đủ và xác đáng nhưng hay thiên vị”.

Sau này, trong trước tác của Hoàng Xuân Hãn được xuất bản thì quan điểm của ông về nhà Triệu vẫn không thay đổi. Nhà Triệu vẫn được in riêng ra một hồi như triều đại chính thống.

Nhưng dù sao, Đại Nam quốc sử diễn ca vẫn bị coi là tác phẩm theo đơn đặt hàng của vua Tự Đức với sử quán. Sách Đại Nam Thực lục chính biên (Tứ kỷ quyển thứ 16) đã chứng nhận điều này khi chép: “Năm Tự Đức thứ 10 (1857) tháng sáu Trần Dương Quang hàm thị giảng, coi viện Tập Hiền, lại tiến vua những sách tìm ở Bắc-kỳ. Trong đó có một bộ sử bằng quốc ngữ (nguyên văn: sử quốc ngữ nhất bộ) do một người học trò tỉnh Bắc Ninh nộp. Rồi tháng ba năm sau (quyển thứ 18) vuaTự Đức sai các ông Phan Thanh Giản và Phạm Huy (coi sử quán) chọn kẻ giỏi quốc âm, coi việc chữa Sử ký quốc ngữ ca và nối thêm sử Lê Trịnh cho đến đời vua Xuất Đế (Chiêu Thống). Các ông ấy bèn chọn các ông Lê Ngô Cát, hàm biên tu, và Trương Phúc Hào, chức Tư vụ, để sung vào việc ấy”.

Do vậy, Đại Nam quốc sử diễn ca khó thoát khỏi ràng buộc về quan điểm nhà Triệu là chính thống. Tuy nhiên, không phải ai thời kỳ này cũng đồng tình với cái nhìn của các sử gia trong sử quán nhà Nguyễn. Nhà sử học Đặng Xuân Bảng cuối thời Nguyễn viết Việt sử cương mục tiết yếu (ghi lời tựa năm Thành Thái thứ 17, tức năm 1905). Đây là một công trình sử học do ông biên soạn độc lập với Quốc sử quán triều Nguyễn, tác phẩm này ghi chép từ thời Hồng Bàng đến hết thời nhà Tây Sơn (1802). Bộ sử được đánh giá là có giá trị, sử dụng phương pháp nghiên cứu mới so với các sử gia triều Nguyễn trong Quốc sử quán.

Nếu sử gia nhà Nguyễn trong Quốc sử quán coi nhà Triệu có tính chính thống như nhà Thục của An Dương vương hay kể cả như Tiền Lý của Lý Nam Đế, Ngô của Ngô Quyền trong phần Tiền biên thì ông Đặng Xuân Bảng có thái độ rất rõ ràng trong việc chống Triệu. Ông ghi rõ: "Quý Tỵ (208 TCN, An Dương Vương năm thứ 50, Tần Nhị Thế năm thứ 2), Triệu Đà lại sang xâm lược. Vương thua chạy bị chết. Nước Thục mất".

Rồi ông bình luận: "Thục Phán và Triệu Đà đều là người nước ngoài, vào làm chủ và cai trị nước ta. Nhưng Phán đóng đô ở đất nước ta, lại có thể so với nhà Nguyên, nhà Thanh vào làm vua ở Trung Quốc. Triệu Đà đóng đô ở Phiên Ngung không thuộc vào đất của nước ta. Cai trị nước ta là do các viên quan lại do Triệu Đà sai đến. Nước ta nội thuộc Triệu cũng như nội thuộc Hán, Đường, làm sao so sánh với Thục Phán mà lẫn lộn thành triều đại chính thống của nước ta được? Việt sử (ám chỉ Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn) theo sử cũ, cho là triều đại chính thống của nước ta là sai".

(còn tiếp)

Giai thoại về Lê Ngô Cát và nguyên tác Đại Nam quốc sử diễn ca

Đọc Đại Nam quốc sử diễn ca thì được biết Lê Ngô Cát là người có nhiều tâm sự trước thời vận, lại biết ông có cốt cách phóng khoáng của một thi nhân hơn là chính kiến của một sử quan. Thế nhưng giai thoại lại kể về ông như một sử quan bị thất sủng có đầu óc khôi hài và hơi ngỗ nghịch. Ông người làng Hương Lang (huyện Chương Đức, thuộc tỉnh Hà Nội cũ), chỉ đỗ đến cử nhân. Sách của họ Lê làm ra chưa hề được in ấn. Vả lại Vua Tự Đức lúc đó đang bận làm mấy quyển Việt sử nên không để mắt đến công trình này. Chuyện kể rằng Vua có xem sách của họ Lê dâng lên, đọc đến đoạn Triệu Thị cưỡi voi đánh giặc thì lấy làm mếch lòng mới phê rằng: "Như thế thì hèn cho đàn ông nước Nam lắm!". Họ Lê không dám nói gì. Đến câu: “Vú dài ba thước vắt lưng” thì Vua nổi giận thật sự, họ Lê sợ tội mới khéo chữa thành câu thơ vô vị này: Phất phơ dải yếm vắt lưng. Chuyện còn kể thêm rằng sau bấy nhiêu lỗi, họ Lê chỉ được Vua thưởng cho một tấm lụa và hai đồng bạc, ra đến cửa thành ông mới bỡn lại Vua bằng hai câu ca thế này:

Vua khen thằng Cát có tài,

Ban cho cái khố với hai đồng tiền.

Có lẽ ông buồn vì tinh thần của Đại Nam quốc sử diễn ca không được biết đến và trọng dụng để chấn hưng cho sự nghiệp nước nhà lúc ấy đang suy. Và cũng sau tiếng cười ra nước mắt ấy, họ Lê biến mất khỏi bầu trời văn học Việt Nam và hình như không còn để thêm một dấu ấn gì khác nữa. Và cũng từ đó cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca chuyển vào tay Phạm Đình Toái - một viên quan mê thơ lục bát và càng về già càng tán dương thể loại này một cách nhiệt liệt. Và cũng nhờ đầu óc thực tế của ông quan này mà cuốn sách đã được in ra. Nhưng Đại Nam quốc sử diễn ca đã chịu sự sửa chữa của ông, chỉ còn lại 1.027 câu thay vì 1.887 câu lúc đầu. Tuy nhiên những cố gắng in ấn của họ Phạm đã gặp nhiều khó khăn. Năm 1886, trong một bức thư để lại, ông thở dài mà viết: "Nay bản khắc ấy (bản khắc cuốn Đại Nam quốc sử diễn ca) đã lọt vào tay một nhà buôn ở Nghệ An". Nhưng ông không biết rằng 16 năm trước đó (1875) nhờ học giả Trương Vĩnh Ký, Đại Nam quốc sử diễn ca đã được phổ biến rộng bằng bản in chữ quốc ngữ và đã được đón chào nồng nhiệt.

Anh Tú