Nhiều giải pháp công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:15, 21/10/2021
Tại Hội nghị đánh giá, tổng kết sau 5 năm thực hiện Chương trình “Nghiên cứu KH-CN phục vụ bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai” (mã số KC.08/16-20), theo GS.TS Nguyễn Vũ Việt (Chủ nhiệm Chương trình KC.08/16-20), Chương trình KC.08 là Chương trình KH-CN cấp quốc gia phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai, có phạm vi triển khai nghiên cứu và ứng dụng trên khắp cả nước, với tính liên vùng rất cao.
Trong quá trình thực hiện, Chương trình đã tuyển chọn và triển khai thực hiện 36 đề tài, 2 dự án sản xuất thử nghiệm. Trong đó, có 23 nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực Phòng tránh thiên tai (chiếm 61%) và 15 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực môi trường (chiếm 39%).
Theo GS.TS Nguyễn Vũ Việt, các nghiên cứu của các đề tài thuộc Chương trình đều được tiến hành trên cơ sở tài liệu, số liệu... do các cơ quan có tư cách pháp nhân cung cấp, được kiểm định, kiểm nghiệm ở các phòng thí nghiệm, trung tâm kiểm định có uy tín. Trong trường hợp thiếu điều kiện, nhiều mẫu thử, mẫu vật đã được gửi đi nước ngoài để thực hiện. Điều này có thể khẳng số liệu đầu vào của nghiên cứu đảm bảo độ tin cậy.
Sản phẩm các đề tài tạo ra đều được sự hỗ trợ của các phần mềm, chương trình tính toán hiện đại, tiên tiến, không ít đề tài được nghiên cứu trên mô hình vật lý, mô hình thực tế với tỷ lệ 1:1.
GS.TS Nguyễn Vũ Việt cho biết, sau 5 năm, Chương trình có 20 sản phẩm đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, 45 giải pháp công nghệ, nhiều phần mềm, bản đồ được đưa vào ứng dụng. Có 8 sản phẩm có thể thương mại hóa và 18 chủng vi sinh vật đang trong quá trình chuyển giao ứng dụng.
Các đề tài, dự án của Chương trình đã đề xuất 38 nhóm giải pháp, quy trình, công nghệ mới. Trong đó, có nhiều nhóm giải pháp quy trình, công nghệ đã hoặc có triển vọng lớn ứng dụng trong thực tiễn.
Điển hình như Dự báo khí tượng thủy văn; Công nghệ, giải pháp dự báo, cảnh báo, giám sát nguồn nước, thiên tai lũ, hạn, mặn; Công nghệ tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải môi trường nông thôn, làng nghề, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải chăn nuôi, nước rỉ rác...
Ngoài ra, còn có Công nghệ xử lý hiệu quả chất thải sản xuất công nghiệp; tai biến môi trường công nghiệp khai khoáng; Môi trường nước trong hệ thống sông, kênh thủy lợi; Mô hình kinh tế xanh…
Tại hội nghị, ông Lê Quang Thành (Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội, Nhân văn và Tự nhiên, Bộ KH-CN) cho biết trong giai đoạn vừa qua, Ban chủ nhiệm Chương trình đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ thực hiện đúng định hướng, mục tiêu được Bộ KH-CN phê duyệt.
Giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình hướng đến tạo ra được các sản phẩm KH-CN có giá trị, góp phần bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Mục tiêu lớn của Chương trình là phát triển, ứng dụng, chuyển giao được các phương pháp, mô hình công nghệ tiên tiến, tích hợp nhằm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới nền kinh tế xanh.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng nhận định: “Trong giai đoạn tới, Chương trình phải tái cấu trúc theo hướng giải bài toán lớn mang tính liên vùng, có tính lan tỏa, thay đổi mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu của đất nước”.
Thứ trưởng cũng lưu ý ngoài các nhiệm vụ nghiên cứu, tạo ra các công nghệ, quy trình, giải pháp, các nhà khoa học phải tính toán được hiệu quả kinh tế từ việc áp dụng các công nghệ, mô hình, sản phẩm của Chương trình, khi đó sẽ thu hút được sự tham gia ứng dụng của nhiều doanh nghiệp.