Bắc Kinh tỏ thái độ thách thức sau khi Philippines tố tàu Trung Quốc khiêu khích 200 lần trên Biển Đông
Quốc tế - Ngày đăng : 15:43, 22/10/2021
Philippines, cùng với các quốc gia khác trong khu vực, đã mâu thuẫn với Trung Quốc về quyền tài phán ở Biển Đông. Trong lời chỉ trích mới nhất đối với Bắc Kinh, Philippines đã tuyên bố rằng các tàu Trung Quốc đã có hành động trái pháp luật đối với lực lượng chấp pháp của Philippines trong vùng biển tranh chấp.
Bộ ngoại giao Philippines cáo buộc Trung Quốc tham gia vào các hành động khiêu khích ở Biển Đông, viện dẫn rằng một số tàu Trung Quốc đã hành động trái pháp luật chống lại lực lượng chức năng Philippines đang tuần tra trên hải phận nước này. Manila đã viện dẫn “các tàu chính phủ Trung Quốc có hơn 200 cuộc thách thức qua vô tuyến, hú còi bất hợp pháp” chống lại chính quyền Philippines thực hiện các cuộc tuần tra ở vùng biển phía tây Philippines.
Bộ ngoại giao Philippines cho biết: “Những hành động khiêu khích này đe dọa hòa bình, trật tự và an ninh của Biển Đông và đi ngược lại với các nghĩa vụ của Trung Quốc theo luật pháp quốc tế”. Cơ quan này không nói rõ vụ việc diễn ra khi nào.
Kể từ khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhậm chức vào năm 2016, Manila đã có hơn 80 cuộc phản đối ngoại giao chống lại Trung Quốc Trước đó, Philippines cũng đã chỉ trích sự hiện diện của 100 tàu Trung Quốc hồi tháng 9 trong vùng biển mà nước này kiểm soát.
Bất chấp hàng chục phản đối ngoại giao của Philippines cáo buộc Trung Quốc liên tục quấy rối các tàu tuần tra của họ, Bắc Kinh đã lên tiếng rằng các hoạt động thực thi pháp luật của họ ở Biển Đông đang tranh chấp là "hợp pháp và chính đáng".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân khẳng định các hoạt động của Bắc Kinh sẽ tiếp tục bất chấp lời phàn nàn của Manila rằng các tàu chính phủ Philippines đã bị Trung Quốc quấy rối khi thực hiện các cuộc tuần tra hàng hải trong hải phận của Philippines.
Trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh vào ngày 21.10, ông Vương tuyên bố: "Lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông là nhất quán và rõ ràng. Việc các cơ quan thực thi pháp luật trên biển của Trung Quốc tiến hành các hoạt động thực thi pháp luật trong các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc phù hợp với luật pháp trong nước và luật pháp quốc tế, gồm cả Công ước về Luật Biển của Liên Hợp Quốc”.
Nhưng cũng phải nói rằng vào 12.7.2016, Philippines đã giành chiến thắng trước Trung Quốc trong một phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa Trọng tài Thường trực có trụ sở tại Hà Lan, đã vô hiệu hóa yêu sách lịch sử của Bắc Kinh đối với Biển Đông.
Philippines không phải quốc gia duy nhất tại ASEAN khó chịu với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Trong một hội thảo do Cộng đồng Chính sách Đối ngoại Indonesia tổ chức hôm 20.10, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah bất bình việc tàu Trung Quốc làm phiền hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia trong hải phận của mình. Ông chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi đã luôn phản đối. Tôi đã không đếm được số lượng thư phản đối mà chúng tôi đã gửi đến Trung Quốc. Chúng tôi sẽ kiên định và tiếp tục đáp trả bằng ngoại giao với họ”.
Trong khi đó, Indonesia cũng rất nóng mắt khi tàu Hải dương địa chất 10 của Trung Quốc đã lảng vảng ra vào vùng biển đặc quyền kinh tế của họ trong suốt mấy tháng qua. Từ tháng 8 qua, tàu Hải Dương Địa Chất 10 của Trung Quốc đã xuất hiện tại đây và thực hiện di chuyển theo lịch trình kỳ lạ, khi ra khi vào vùng EEZ một cách bất thường. Dữ liệu theo dõi tàu hồi đầu tháng 10 cho thấy, tàu khảo sát của Trung Quốc đã đi ngang qua biển Bắc Natuna đã trở lại vùng EEZ của Indonesia sau một tuần rút lui. Tổng thống Jokowi được cho là đã để ý về sự hiện diện của các tàu nước ngoài ngoài khơi Natunas và kêu gọi các lực lượng vũ trang Indonesia sẵn sàng đối phó với một loạt các mối đe dọa.