Bất bình đẳng giới trong giáo dục ở Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 17:08, 23/10/2021
Mặc dù có đến 1.000 phụ nữ nộp hồ sơ, kết quả tuyển sinh công bố đầu năm nay cho thấy chỉ có 5 người trong tổng số 140 người thi đậu là nữ (chiếm chưa tới 4%). Trường hợp nữ thi đậu thấp điểm nhất vẫn cao hơn trường hợp nam thi đậu thấp điểm nhất đến 40 điểm.
Sự thật quá rõ ràng: phụ nữ không được chào đón. Cô Li cho biết: “Các học viên nữ bị sốc. Tôi không hiểu tại sao họ lại không cho chúng tôi cơ hội học tập”.
Trên khắp Trung Quốc, trình độ học vấn của nữ giới đều tăng cao, số sinh viên nữ cũng đông hơn số sinh viên nam rất rõ rệt. Tuy nhiên họ vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản lớn khi muốn theo học các chương trình học tập hay đào tạo (một số chương trình công khai đặt ra giới hạn số lượng phụ nữ được tham gia), cản trở nỗ lực thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ ở quốc gia tỉ dân, mặc dù ông Mao Trạch Đông từng nói “phụ nữ nắm giữ nửa bầu trời”.
Vài chương trình học tập về hàng không dân dụng, ngoại trừ đào tạo tiếp viên hàng không, thường quy định chỉ nhận học viên nam. Các học viện quân sự hay cảnh sát không ngần ngại áp đặt giới hạn số lượng theo giới tính, tiêu chuẩn tuyển sinh dành cho nữ giới thường gắt gao hơn.
Khi cô Li gọi điện liên hệ học viện nơi mình đăng ký chương trình sau đại học, một nhân viên trả lời rằng việc nhận thêm học viên nữ phải trải qua một quy trình xét duyệt riêng biệt dựa trên sự giới thiệu thay vì thi tuyển. Tỷ lệ học viên nữ tham gia chương trình này giảm từ 38% (tháng 9.2020) xuống còn 17% (tháng 9.2021). Năm ngoái trường thông báo sẽ khống chế tỷ lệ học viên nữ ở mức 15% vì ngành cảnh sát có nhiều rủi ro và áp lực lớn.
Tiêu chuẩn phân theo giới tính không chỉ giới hạn ở trường quân sự và cảnh sát. Vài trường nghệ thuật cũng áp đặt tỷ lệ 50 - 50 nhằm hạn chế học viên nữ.
Một nhóm nhà hoạt động nữ quyền vào đầu năm nay công bố kết quả khảo sát 116 đại học hàng đầu Trung Quốc, cho thấy 86 chuyên ngành đào tạo thuộc 18 đại học dùng tiêu chuẩn tuyển sinh dựa trên giới tính.
Sau khi nhóm nhà hoạt động trên đăng tải kết quả khảo sát lên mạng, các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc mở chiến dịch chống “chủ nghĩa nữ quyền cực đoan”.
Xiong Jing - người từng tham gia một cuộc biểu tình năm 2012, cựu biên tập viên trang Feminist Voices bị xóa sổ năm 2018 - cho biết: “Trước đó (đấu tranh cho nữ quyền) từng đạt được tiến bộ, nhưng không đủ. Hiện tại đấu tranh gần như là không thể”.
Bộ Giáo dục Trung Quốc năm 2012 đã cấm hình thức tuyển sinh theo giới tính, tuy nhiên vẫn đặc cách cho “một số lĩnh vực học tập đặc biệt” chẳng hạn ngành liên quan đến quân đội hay quốc phòng, hoặc lĩnh vực mà giới chức nước này xác định là nguy hiểm như khai thác mỏ, hàng hải, lĩnh vực cần cân bằng về giới tính như phát thanh truyền hình (trường đào tạo ngành này lập luận rằng ghép đôi người dẫn nam với người dẫn nữ là tiêu chuẩn ngành).
Các trường áp dụng quy định trên một cách quá tự do. Đại học Truyền thông Trung Quốc (CUC) để đảm bảo chương trình đào tạo sản xuất chương trình truyền hình đạt tỷ lệ giới tính cân bằng chỉ nhận học viên nữ đạt điểm thi tuyển cao hơn học viên nam trung bình 20 điểm.
Đầu năm nay, CUC bị cáo buộc hạ thấp tiêu chuẩn tuyển học viên nam muốn tham gia chương trình thiết kế hoạt hình, khi học viên nữ chiếm đến 70 - 90% số người học ngành này. Kết quả sàng lọc công bố tháng 3 gây bất ngờ vì tỷ lệ nam thí sinh đủ tiêu chuẩn xét tuyển tăng vọt lên 50%.
Trước làn sóng phản đối kịch liệt quanh bê bối hạ thấp tiêu chuẩn nêu trên, giảng viên CUC Lâm Bạch lập luận ưu tiên nam giới cũng đem lại lợi ích cho phụ nữ: “Đôi chút điều chỉnh trong tỷ lệ giới tính giúp đảm bảo số phụ nữ trẻ trong trường tìm được đối tượng hẹn hò. Đây là điều có thể chấp nhận được”.
Tuy nhiên, giáo sư Thẩm Tú Hoa thuộc Đại học Thanh Hoa (Đài Loan) chỉ ra rằng chẳng hề có chính sách tương đương nào ưu đãi phụ nữ trong ngành mà nam giới giữ vị thế thống trị. Bà chỉ trích Trung Quốc chỉ muốn có nhiều nam giới hơn ở mọi ngành.
Bắt đầu từ năm 2021, Trường cao đẳng Sư phạm mầm non Quảng Tây triển khai chương trình đào tạo miễn phí 2 năm dành riêng cho học viên nam. Trường giới thiệu chương trình sau khi truyền thông Trung Quốc liên tục đưa tin về “khủng hoảng nam tính” ở nam giới trẻ tuổi, giáo viên nữ bị đổ một phần lỗi đã gây nên tình trạng này.
Zhang Dongshen - người điều hành một công ty gia sư nổi tiếng chuyên giúp trúng tuyển vào trường cảnh sát - cho biết chính tỷ lệ việc làm dành cho nữ cảnh sát thấp khiến tỷ lệ học viên nữ được tuyển bị giới hạn, và tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Trước tình hình trên, một số phụ nữ Trung Quốc ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội. Năm 2018, nữ tiếp viên hàng không Lian Luo quyết định theo đuổi ước mơ làm phi công. Cô đến buổi tuyển chọn học viên phi công của một hãng hàng không nội địa, nhưng nhân viên hãng bảo Luo cùng tất cả ứng viên nữ hay ra về.
Cuối cùng Luo tham gia một khóa đào tạo ở Nam Phi và tốt nghiệp với vị trí dẫn đầu lớp: “Không có cơ hội như vậy ở Trung Quốc cho phụ nữ như tôi. Chúng tôi chẳng biết phải bắt đầu từ đâu”.