11 nhà nhập khẩu ô tô đề nghị được giảm phí trước bạ

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 11:54, 27/10/2021

Đại diện các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng tại Việt Nam kiến nghị việc giảm thuế trước bạ cũng cần phải áp dụng chung cho cả xe sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) và xe sản xuất, nhập khẩu từ nước ngoài (CBU) về.

Đại diện các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng tại Việt Nam vừa có văn bản gửi Quốc hội, Thủ tướng góp ý về quy định hỗ trợ giảm thuế trước bạ đối với các xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Văn bản cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ lần thứ 2 đối với riêng ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước, nhằm hỗ trợ các công ty ô tô trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu cho rằng chỉ giảm 50% thuế trước bạ đối với các xe lắp ráp trong nước đã cho thấy hiệu quả, nhưng cũng là sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên toàn quốc.

ot.jpeg
Các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng đề nghị được giảm phí trước bạ

“Năm 2020 đối với tổng số ô tô khách tại Việt Nam, số lượng đã tăng 3% so với năm 2019, số lượng CKD lắp ráp trong nước tăng 19% và số lượng CBU nhập khẩu nguyên chiếc giảm 33%. Đối với xe thương mại, tổng số lượng đã sụt giảm 19%, số lượng CKD lắp ráp trong nước cũng giảm ở mức ít hơn 16% trong khi đó, số lượng CBU nhập khẩu nguyên chiếc giảm 25%”, văn bản nêu.

Ngoài ra, các nhà nhập khẩu ô tô cho rằng năm 2021, quy định cách ly xã hội nghiêm ngặt tại Việt Nam đang buộc tất cả các nhà nhập khẩu và nhà phân phối ô tô CBU phải tạm ngừng kinh doanh. Sự phân biệt đối xử ưu tiên chỉ riêng với CKD là thiếu công bằng đối với các nhà nhập khẩu cũng như nhà phân phối CBU. Đây cũng là những đơn vị đang phải gánh nhiều tổn thất từ các văn phòng đăng ký, đăng kiểm xe hiện đang ngưng hoạt động, trong khi các doanh nghiệp này vẫn phải tiếp tục chi trả chi phí cho việc thuê cơ sở thương mại, thuế, lưu kho và nguồn nhân lực.

Hơn nữa, sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên tầm quốc gia này vi phạm Hiệp ước chung về thuế quan và mậu dịch GATT 1947 mà Việt Nam đã ký kết cũng như được hưởng các lợi ích to lớn tại nước ngoài khi tất cả các điều khoản FTA đã được thực thi.

Từ tháng 1 - 9.2021, trong khi các nhà sản xuất, lắp ráp CKD đã góp vào 70% tổng sản lượng ô tô, thì có 92% sản lượng ô tô CBU tại Việt Nam được nhập khẩu bởi các nhà sản xuất, lắp ráp CKD.

Nếu các công ty này cần hỗ trợ cho hoạt động lắp ráp CKD, thì nội bộ phải tự hạn chế nguồn cung ô tô CBU để thúc đẩy hoạt động lắp ráp CKD, thiết lập các ưu tiên riêng.

Ngược lại, những nhà nhập khẩu và đại lý xe CBU không liên quan đến xe CKD chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào hoạt động CBU. Năm vừa qua, những nhà nhập khẩu và đại lý CBU đã chịu ảnh hưởng tiêu cực lớn nhất bởi việc giảm thuế trước bạ mang tính phân biệt đối xử. Những công ty này là những doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ bị tổn thương. Trong cùng kỳ năm 2021, doanh nghiệp CBU chỉ nhập khẩu 8% số lượng ô tô CBU vào Việt Nam.

Văn bản cũng nêu, nhằm tuân thủ quy tắc của hãng, các thương hiệu mà họ đại diện đòi hỏi các nhà nhập khẩu và các đại lý khoản đầu tư và chi phí vận hành cao. Các nhà nhập khẩu và các đại lý CBU phải sử dụng khoảng 3.000 lao động mà gia đình các nhân viên này cũng đều phụ thuộc vào hoạt động kinh doanh đó. Mặc dù sản lượng bán ra nhỏ hơn, nhưng những nhà nhập khẩu CBU lại đóng góp một khoản thuế cao hơn nhiều trên mỗi chiếc xe vào ngân sách nhà nước.

“Các hạn chế trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại Việt Nam đang được áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp kinh doanh ô tô. Do đó chúng tôi đề nghị việc giảm thuế trước bạ cũng cần phải áp dụng chung cho cả CKD và CBU, mà đây cũng sẽ là sự hỗ trợ cho toàn cộng đồng”, các nhà nhập khẩu nêu trong kiến nghị.

Lam Thanh