Lâm Đồng: Sẽ xử lý Công ty Sài Gòn-Đại Ninh nếu tiếp tục mất rừng
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 15:12, 27/10/2021
Đền bù 18,7 tỉ đồng cho 257ha rừng “biến mất”
Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản gửi Sở Kế hoạch - Đầu tư nêu ý kiến về một số nội dung liên quan đến dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (dự án Đại Ninh).
Dự án Đại Ninh này do Công ty cổ phần Đầu tư du lịch Sài Gòn-Đại Ninh (Công ty Sài Gòn-Đại Ninh) làm chủ đầu tư, diện tích khoảng 3.595ha, với tổng vốn đầu tư của dự án khoảng 25.243 tỉ đồng.
Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Công ty Sài Gòn-Đại Ninh được UBND tỉnh cho thuê rừng để triển khai dự án với tổng diện tích hơn 1.050ha từ năm 2011. Đến nay, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng thuê rừng và nộp tiền thuê rừng đến năm 2020.
Tuy nhiên, Công ty Sài Gòn-Đại Ninh đã để mất 257ha rừng trong diện tích dự án theo kiểm kê hiện trạng tại các thời điểm năm 2011 (117ha) và năm 2016 (140ha). Công ty Sài Gòn-Đại Ninh đã đền bù 6,7 tỉ đồng cho diện tích 140ha ghi nhận năm 2016. Riêng phần diện tích 116ha được xác định trữ lượng gỗ 3.449m3, giá trị bồi thường hơn 12 tỉ đồng. Mặc dù vậy, Công ty Sài Gòn-Đại Ninh không thống nhất về diện tích, trữ lượng và có đơn kiến nghị.
Đến nay, Công ty Sài Gòn-Đại Ninh đã thống nhất với số liệu mất rừng theo kết luận thanh tra số 2094 của UBND tỉnh và đơn vị đã chấp hành nộp đủ số tiền bồi thường vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Vì vậy, Sở Nông nghiêp - Phát triển nông thôn cho rằng việc kiểm kê tài nguyên rừng để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh diện tích rừng được thuê có thể tiến hành song song với việc triển khai thực hiện dự án.
Sở cũng đề nghị Công ty Sài Gòn-Đại Ninh phải cam kết và thống nhất nếu kết quả kiểm kê tài nguyên rừng trong lần kế tiếp mà bị mất rừng thì phải có trách nhiệm bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, nếu được tiếp tục thực hiện dự án, Công ty Sài Gòn-Đại Ninh cam kết phải khắc phục các tồn tại, hạn chế, sai phạm tại dự án. Đơn cử như ký hợp đồng thuê rừng năm 2021 và nộp tiền thuê rừng theo quy định; cam kết trồng rừng rừng, trồng cây xanh trên diện tích đất trống và trên diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.
Đối với diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm chưa giải tỏa thì chủ đầu tư phải lập phương án giải tỏa và báo cáo, đề nghị chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan hỗ trợ giải tỏa thu hồi đất và cam kết khôi phục rừng, sử dụng đất đúng mục đích theo quy định.
Xây dựng sai phép, 6 năm không thực hiện nghĩa vụ tài chính
Liên quan đến tiến độ xây dựng, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết dự án Khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh đến nay đã triển khai đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình. Đó là xây dựng 6 trạm dừng chân, 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng cho chuyên gia để phục vụ dự án, 1 hội trường và nhà làm việc (diện tích 560m2) và đang thi công phần móng cổng chính.
Theo quy định của các luật hiện hành và các văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục liên quan đến việc cấp giấy phép xây dựng đối với dự án trước đây của Sở Xây dựng, các hạng mục trên thuộc đối tượng được miễn cấp giấy phép xây dựng.
Thế nhưng, trong quá trình đầu tư xây dựng có một số hạng mục công trình không xây dựng đúng theo vị trí quy hoạch được duyệt và đã được UBND huyện Đức Trọng xử lý vi phạm trật tự xây dựng theo quy định.
Đầu tháng 10.2021, Sở Tài nguyên - Môi trường cũng có báo cáo về tình hình triển khai dự án Đại Ninh. Trong đó, quyết định số 293/QĐ-UBND ngày 7.2.2012 của UBND tỉnh cho phép Công ty Sài Gòn-Đại Ninh chuyển mục đích sử dụng hơn 1,665 triệu mét vuông sang đất ở theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất. Kết luận thanh tra của Bộ Tài chính ngày 9.1.2018 cũng cho thấy tiền sử dụng đất của Công ty Sài Gòn-Đại Ninh hơn 158 tỉ đồng.
Mặc dù vậy, đến thời điểm tháng 8.2018, Công ty Sài Gòn-Đại Ninh vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, bao gồm cả tiền chậm nộp đối với phần diện tích được chuyển sang đất ở để thực hiện dự án nêu trên.
Trường hợp doanh nghiệp không có khả năng thực hiện, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, đánh giá trên cơ sở thực tế thực hiện dự án, chuyển sang thực hiện phương thức cho thuê đất, thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu hồi dự án.
Về vấn đề này, Công ty Sài Gòn-Đại Ninh cho rằng do dự án có tổng mức đầu tư và nguồn vốn thực hiện dự án lớn; tiến độ dự án chia ra nhiều giai đoạn. Vì vậy công ty đề nghị được xem xét, tạo điều kiện trước mắt cho chuyển hình thức giao quyền sử dụng đất đối với diện tích đất có thu tiền là 1,665 triệu mét vuông sang hình thức thuê đất trả tiền hằng năm nhưng không thay đổi quy mô, mục tiêu của dự án đã được cấp phép.
Như vậy, căn cứ theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường, có thể thấy thời điểm UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép Công ty Sài Gòn-Đại Ninh chuyển mục đích sử dụng hơn 1,665 triệu mét vuông sang đất ở có thu tiền sử dụng đất là năm 2012. Tuy nhiên, đến năm 2018, chủ đầu tư này không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước, bao gồm cả tiền chậm nộp đối với phần diện tích được chuyển sang đất ở để thực hiện dự án nêu trên.
Siêu dự án tỉ USD thoát ‘án’ thu hồi
Theo quy hoạch, dự án Khu đô thị Đại Ninh được triển khai xây dựng từ năm 2010-2018 với 6 phân khu chức năng, quy mô dân số lưu trú thường xuyên hơn 19.700 người. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai rầm rộ, hàng loạt các hạng mục chính vẫn chưa được xây dựng.
Tháng 7.2020, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra số 929 với nội dung yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với 3 dự án có vi phạm về pháp luật đất đai và đầu tư, trong đó có dự án Khu đô thị Đại Ninh của Công ty Sài Gòn-Đại Ninh.
Tuy nhiên, sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, chủ đầu tư đã có văn bản kiến nghị lên nhiều cơ quan chức năng xem xét lại việc thu hồi dự án. Tháng 6.2021, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến về kết quả kiểm tra, xác minh nội dung kiến nghị của Công ty Sài Gòn-Đại Đinh. Trong đó, Phó thủ tướng đồng ý kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về kết quả kiểm tra, xác minh, giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp.
Đến ngày 8.7.2021, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản thông báo sửa đổi một số nội dung trong kết luận số 929. Trong đó, Thanh tra Chính phủ rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án Khu đô thị Đại Ninh tại huyện Đức Trọng, Lâm Đồng.