Mỹ lo Trung Quốc thống nhất Đài Loan theo cách Nga sáp nhập Crimea

Quốc tế - Ngày đăng : 15:46, 27/10/2021

Một trong những chủ đề được cộng đồng tình báo Mỹ quan tâm những ngày này là Trung Quốc có thể làm những gì đối với việc thống nhất Đài Loan.

Norm Roule, cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia về Iran, cho rằng thế giới đang hoài nghi về khả năng Mỹ sẵn sàng bảo vệ Đài Loan trong trường hợp bị tấn công. Sự hoài nghi đó đã dâng cao kể từ sau việc Mỹ triệt thoái quân đội tại Afghanistan dẫn đến chính quyền Kabul nhanh chóng sụp đổ và rơi vào tay Taliban. Ông Roule phát biểu: “Đài Loan sẽ là một phép thử. Quyết tâm của chúng tôi đối với Trung Quốc về vấn đề Đài Loan nên được đặt ra. Mọi người có thể chất vấn: 'Nếu các bạn không đứng về Afghanistan, các bạn có ủng hộ các đồng minh khác không?'"

Ngoài ra, các cựu quan chức tình báo cũng cho rằng khó có khả năng xảy ra một cuộc tiếp quản quân sự đột ngột đối với Đài Loan, nhưng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ làm theo mô hình mà Nga đã sử dụng trong vụ sáp nhập Crimea năm 2014: một cuộc tiếp quản bí mật diễn ra chậm chạp lúc đầu sau đó bằng các phong trào quân sự công khai hơn để củng cố thực tế theo sự đã rồi.

Việc Nga sáp nhập Crimea không khiến Nga phải trả giá về mặt quân sự nhưng khiến họ bị phương Tây cô lập dẫn đến kinh tế gặp khó khăn. Do vậy, nếu Trung Quốc muốn học cách Nga sáp nhập bán đảo Crimea thì ngoài các chiến thuật quân sự để thống nhất Đài Loan thì Bắc Kinh cũng cần cân nhắc cái giá về ngoại giao và kinh tế mà Moscow đã phải gánh chịu trong suốt thập niên qua và cả những năm tới.

Liên quan chuyện bán đảo Crimea, hôm 26.10, một tòa án phúc thẩm của Hà Lan ra phán quyết rằng bộ sưu tập các đồ tạo tác bằng vàng cổ của Crimea phải được trả lại cho nhà nước Ukraine. Theo tin Reuters, cả Ukraine và các bảo tàng ở bán đảo đã bị sáp nhập với Nga đều tuyên bố sở hữu bộ sưu tập này.

Các cổ vật này gồm một chiếc mũ bằng vàng được người Scythia chạm khắc tinh xảo và nặng hơn 1kg, trang sức ở cổ cùng với các bao đựng kiếm, mũ chiến binh và đá quý gần 2.000 năm tuổi, được trưng bày ở Hà Lan khi Nga sáp nhập bán đảo này từ tay Ukraine vào năm 2014.

Khi đọc bản tóm tắt phán quyết, thẩm phán chủ tọa Pauline Hofmeijer-Rutten nói rằng lợi ích văn hóa quốc gia của Ukraine lớn hơn lợi ích của các bảo tàng ở Crimea.

Theo Hãng thông tấn TASS của Nga, các bảo tàng Crimea sẽ kháng cáo lên Tòa án tối cao Hà Lan và sẽ tiếp tục đấu tranh để đem số cổ vật này về Crimea. Một số chính trị gia Nga cũng tỏ ra bức xúc, chỉ trích phía Hà Lan và Ukraine chính trị hóa vấn đề. Phán quyết có thể được kháng cáo trước Tòa án Tối cao Hà Lan.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gọi phán quyết ngày 26.10 là một chiến thắng cho nước này. "Chúng ta sẽ giành lại những gì thuộc về chúng ta. Sau cổ vật của người Scythia sẽ là bán đảo Crimea", ông Zelensky tự viết trên twitter.

Sergei Aksyonov, chính trị gia hàng đầu ở khu vực Crimea do Nga kiểm soát phản đối phán quyết này là “không công bằng và phi pháp”.

Anh Tú