Giá xăng dầu tăng cao: Doanh nghiệp khốn đốn, người dân lo đi làm không công
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:15, 27/10/2021
Từ 16 giờ chiều 26.10, giá xăng E5 RON92 tăng thêm 1.427 đồng/lít, lên mức 23.110 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng thêm 1.459 đồng/lít, lên mức 24.338 đồng/lít.
Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt tăng mạnh. Dầu hỏa lên mức 17.637 đồng/lít, tăng 1.015 đồng. Dầu diesel lên mức 18.716 đồng/lít, tăng 1.171 đồng; dầu mazut lên mức không cao hơn 17.210 đồng/kg, tăng 113 đồng.
Sau nhiều tháng thất nghiệp ở nhà vì dịch COVID-19, anh Nguyễn Văn Bình ở Định Công, Hoàng Mai (Hà Nội) vừa khởi động lại sự nghiệp chạy xe taxi của mình thì biết tin giá xăng tăng cao nhất 7 năm.
"Giá xăng tăng hơn 1.000 đồng/lít là tương đối cao, ảnh hưởng rất lớn đến dịch vụ vận tải. Giá cước không tăng nhưng chi phí để vận hành một chiếc xe, như với mặt hàng xăng dầu chiếm 40% chi phí vận hành hiện nay thì vẫn phải chi đều. Dịch giã kéo dài, khách đã không có, giá xăng tăng đều như thế này thì bọn mình chạy xe lo nơm nớp là sẽ đi làm không công", anh Bình buồn bã nói.
Nóng ruột, đứng ngồi không yên là tâm trạng của anh Hoàng Hải - chủ một đơn vị vận tải chuyên chạy tuyến Hưng Yên - Hà Nội trong suốt mấy tháng qua khi nhìn hơn chục chiếc xe của công ty nằm "đắp chiếu" trên bãi.
Anh Hoàng Hải cho biết, hiện hoạt động của doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Thời gian qua, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 kéo dài, quy định giãn cách xã hội nên phải nghỉ chạy. Hơn chục chiếc xe "nằm không" nhưng chi phí bảo dưỡng, lương của nhân viên thì vẫn phải bỏ ra đều.
"Giờ được chạy lại thì giá xăng dầu tăng cao thế này đúng là cú sốc đối với doanh nghiệp khi chưa hoàn hồn sau dịch. Doanh nghiệp mới chạy lại nên vẫn vắng khách, trong khi mỗi ngày như bình thường sẽ chạy 7-8 chuyến. Mình không thể tăng giá cước theo giá xăng được, như thế chắc không có khách luôn. Một chiều đi khoảng 30.000 đồng, giá xăng chiếm hơn 40% trong cơ cấu giá cước rồi. Giờ giá xăng tăng cao như vậy thì lỗ lời bao nhiêu doanh nghiệp tự chịu", anh Hải nói.
Ông Bùi Danh Liên - Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hà Nội khẳng định giá xăng tăng cao sẽ tác động lớn đến hoạt động vận tải của doanh nghiệp. Để kìm giá xăng dầu tăng cao, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) ở mức cao. Từ đầu năm 2021 đến nay, Quỹ BOG đã chi từ 100 đồng - 2.000 đồng/lít/kg. Do sử dụng Quỹ BOG nên giá xăng dầu trong nước biến động thấp hơn giá xăng dầu thế giới.
Ông Liên cho rằng việc sử dụng Quỹ BOG trong bối cảnh hiện nay là kịp thời nhưng vẫn chưa đủ khi thị trường xăng dầu trong nước vẫn chưa mở cửa hoàn toàn. Sắp tới, cơ quan quản lý cần cho phép thêm nhiều doanh nghiệp tham gia nhập khẩu và phân phối. Đồng thời xem xét giảm các loại thuế phí với mặt hàng xăng dầu sẽ là một biện pháp khả thi trong tình hình khó khăn hiện nay.
Không chỉ doanh nghiệp vận tải, rất nhiều doanh nghiệp sản xuất, xây dựng... cũng lo ngại khi giá xăng dầu tăng cao sẽ tác động mạnh đến chi phí vận hành doanh nghiệp.
Trước bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao ngất ngưởng, Liên Bộ Công Thương - Tài chính khẳng định sẽ tính phương án tối ưu để bảo đảm giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu trong nước có tăng cũng vẫn ở mức thấp hơn mức tăng của giá xăng dầu thế giới.
Tuy nhiên, phương án được cơ quan điều hành đưa ra là sử dụng Quỹ BOG. Giới chuyên gia cho rằng sử dụng Quỹ BOG vốn đã cạn kiệt để kìm giá xăng dầu trong nước tăng trước biến động của thị trường xăng dầu thế giới như hiện nay là điều không khả thi.
Theo đó, giới chuyên gia đề xuất cần tính toán giảm các loại thuế phí, cụ thể là thuế bảo vệ môi trường đang chịu mức cao bất hợp lý. Bên cạnh đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường, nhiều ý kiến cũng cho rằng Bộ Tài chính cần xem xét giảm các loại thuế phí như: thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu. Những loại thuế này đang chiếm khá cao trong cơ cấu giá xăng dầu hiện nay.