Doanh nghiệp đề nghị có chính sách hỗ trợ dài hơi, tổng thể

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 21:00, 27/10/2021

Doanh nghiệp đề nghị Chính phủ ban hành chính sách có tính chất dài hơi để hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước, hình thành các chuỗi liên kết Việt.

Chiều 27.10, tại diễn đàn “Hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh”, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) cho biết, qua khảo sát, phần lớn các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, doanh nghiệp đề nghị được miễn, giảm tiền thuê đất năm 2021, giảm thuế TNDN phải nộp năm 2021; hỗ trợ tiếp cận tài chính để phục vụ sản xuất kinh doanh, trả lương cho người lao động; cho phép giãn nợ vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31.12.2021.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng mong muốn được hỗ trợ chi phí chống dịch như: chi phí xét nghiệm COVID-19, phun khử khuẩn khi thực hiện giao hàng hóa tại các tỉnh, thành khác và sớm tiêm phòng vắc xin (đủ 2 mũi) cho đầy đủ người lao động của các doanh nghiệp; cho phép doanh nghiệp được tạm hoãn đóng bảo hiểm xã hội hết năm 2021; có giải pháp ổn định chi phí logistics.

mqa.png
Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và vừa TP.Hà Nội 

Doanh nghiệp cũng đề nghị Chính phủ ban hành chính sách có tính chất dài hơi để hỗ trợ doanh nghiệp như giảm, giãn, gia hạn thuế, giảm lãi suất, giảm các chi phí sản xuất, kinh doanh; các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước, hình thành các chuỗi liên kết Việt.

TS Cấn Văn Lực cho biết, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là thiếu hụt dòng tiền, lao động; đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu dùng, khó khăn do chi phí (đầu vào, phòng chống dịch….) tăng, trong khi giá đầu ra khó tăng ngay….

Để giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do COVID-19, ông Lực cho rằng doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, cùng với đó là tiết giảm chi phí và "giữ chân" lao động và tăng năng suất.

Theo ông Lực, đến hết quý 2/2021, các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ toàn cầu đã lên tới 17.910 tỉ USD, tương đương 16% GDP toàn cầu năm 2020. Quy mô bình quân khoảng 19,5% GDP đối với các nước phát triển; 7,7% GDP đối với các nước đang phát triển và mới nổi và 4% GDP đối với các nước thu nhập thấp. Riêng Mỹ đã đưa ra các gói hỗ trợ với tổng giá trị 5.860 tỉ USD, tương đương khoảng 28% GDP.

“Bài học kinh nghiệm quốc tế trong việc hỗ trợ doanh nghiệp cho thấy triển khai nhanh, gọn, ứng dụng mạnh công nghệ thông tin và dùng các kênh chuyển tiền khác nhau sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận với các chính sách”, ông Lực nói.

Theo ông Lực, Nhà nước phải chấp nhận thâm hụt ngân sách tăng (bình quân thế giới từ 3,6% GDP năm 2019 lên 10,2% GDP năm 2020 và 8% GDP năm 2021, sau đó giảm dần); nợ công tăng (bình quân thế giới từ 84% GDP năm 2019 lên 99% GDP năm 2020 và 98% GDP năm 2021, sau đó giảm dần). Tuy nhiên, ông Lực cho rằng các gói hỗ trợ tài khóa chưa đủ lớn và rộng; tỷ lệ hỗ trợ tiền mặt (nhất là đối với lao động tự do) còn thấp.

“Chúng ta đã tung ra nhiều gói hỗ trợ trong khi ngân sách còn hạn hẹp, nợ xấu tiềm ẩn tăng, áp lực lạm phát tăng… Do đó, nền kinh tế có dấu hiệu “lỡ nhịp”, “tụt hậu” trong quá trình phục hồi”, ông Lực nhấn mạnh.

Về dư địa chính sách tài khóa – tiền tệ thời gian tới, ông Lực cho biết thâm hụt Ngân sách Nhà nước và nợ công vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn các nước trong khu vực, trong khi có cơ hội tăng vay nợ trong nước và vay quốc tế với lãi suất thấp.

Trong khi đó, quy mô hỗ trợ tài khóa còn khá khiêm tốn và các cân đối lớn (thâm hụt Ngân sách/GDP, nợ công/GDP, nghĩa vụ trả nợ/thu Ngân sách nhà nước, lạm phát…) vẫn trong ngưỡng an toàn.

Ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội hàng không Việt Nam cho biết Nhà nước cần xây dựng và triển khai kế hoạch tổng thể phục hồi kinh tế sau đại dịch. Đây là căn cứ quan trọng nhất để các ngành kinh tế, trong đó có ngành giao thông, đặc biệt là ngành hàng không có phương án và kế hoạch cụ thể về phục hồi, phát triển các hoạt động của mình.

“Cùng với đó, khôi phục thị trường vận chuyển hành khách, trong đó có thị trường vận chuyển hàng không; sớm có chính sách đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương phù hợp linh hoạt và thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn trong bối cảnh mới”, ông Nề đề nghị.

Còn theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, cần thực hiện mạnh mẽ 2 chương trình bao gồm:

Thứ nhất, đó là nhóm thủ tục đưa dự án đầu tư vào hoạt động (đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, phòng cháy chữa cháy…).

Thứ hai, là nhóm thủ tục xuất nhập khẩu (hải quan và kiểm tra chuyên ngành). Quy mô xuất khẩu đang rất lớn nên nếu quá trình làm thủ tục này được rút ngắn, thì hiệu quả tạo ra sẽ rất lớn.

“Ngoài ra, việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành còn phiền hà, tổn tại tình trạng chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành. Tình trạng này gây nhiều phiền toái do gia tăng chi phí, thời gian tuân thủ của doanh nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”

Lam Thanh