Tiêm vắc xin vẫn là biện pháp tối ưu với trẻ khi đi học trở lại
Giáo dục - Ngày đăng : 10:53, 29/10/2021
Mới đây, khi Bộ Y tế đã hướng dẫn và quy định về việc cho học sinh từ 12 - 17 tuổi phải được tiêm vắc xin COVID-19 thì mới đi học trở lại, đặc biệt là đối với khối THPT. Chính vì vậy, việc lùi thời gian tổ chức học trực tiếp là cần thiết để thực hiện tiêm vắc xin và tạo hiệu quả sau tiêm.
Đưa ra quan điểm của mình khi có con đang theo học tại một trường THPT trên địa bàn quận Ba Đình, chị Nguyễn Phong Lan (Q.Ba Đình) cho biết nhà chị có 2 cháu ở độ tuổi 16 và 11 tuổi, tuy nhiên để cho con sớm được đi học trở lại, chị Lan sẵn sàng đồng ý cho các con tiêm chủng vắc xin COVID-19.
"Dù tôi biết có nhiều người vẫn thận trọng về việc tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ, tuy nhiên việc tiêm vắc xin lúc này chính là sớm tạo ra miễn dịch cộng đồng để có thể sớm trở lại cuộc sống bình thường mới. Nhà tôi có 2 cháu, các cháu học online cả mấy tháng trời, thậm chí tính cả năm ngoái là lên tới cả năm, cơ thể mệt mỏi, sức khỏe cũng suy giảm. Tôi cho rằng khi tiêm chủng vắc xin bao phủ 2 mũi đầy đủ thì sẽ tạo ra miễn dịch cộng đồng cho cả các cháu nhỏ hay với người bị bệnh nền. Chứ còn chần chừ không tiêm thì còn lây nhiễm, còn có nhiều vấn đề khác phát sinh, ảnh hưởng tới kinh tế và việc học của các cháu", chị Loan nêu ý kiến.
TS. BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng miền bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, đến nay vắc xin được chọn để tiêm cho trẻ từ 12 – 18 tuổi tại Việt Nam là vắc xin Pfizer. Các nghiên cứu chỉ ra rằng vắc xin này an toàn với trẻ và hiệu quả bảo vệ cao. Tuy nhiên, phụ huynh cần lưu ý tới các phản ứng bất lợi sau tiêm trong vòng 1 tuần đầu cho cả 2 mũi tiêm.
Trong thời gian này, trẻ cần được theo dõi về sức khỏe, phát hiện sớm các bất thường và đưa đến cơ sở y tế sớm. Nếu phát hiện sớm sẽ được cơ sở y tế xử lý tốt không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ. Nếu không theo dõi sát sao mà phát hiện muộn hậu quả không thể lường trước. TS. Thái khẳng định, mặc dù chúng ta cần có thêm thời gian đánh giá trong việc triển khai tiêm vắc xin này với trẻ em Việt Nam như thế nào, nhưng ở thời điểm dịch bệnh như hiện nay, biến chủng Delta lây lan nhanh thì tiêm vắc xin vẫn là biện pháp tối ưu nhất với trẻ em.
Cũng đưa ra quan điểm chung về việc có nên tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ nhỏ hay không, PGS.TS Trần Đắc Phu cho biết, điều kiện cần nhất lúc này chính là mở cửa trường học trở lại càng sớm càng tốt cho các học sinh.
Việc học sinh ở nhà lâu ngày không được đến trường, không được giao lưu giữa học sinh với học sinh, giáo viên với học sinh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần học sinh, thậm chí ảnh hưởng đến cả một thế hệ. Riêng đối với Hà Nội - trung tâm kinh tế, chính trị cả nước, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập bất cứ lúc nào nên việc lãnh đạo thành phố có sự thận trọng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Hà Nội vẫn nên cho học sinh đi học trở lại. Bởi dù có những ca mắc COVID-19 ngoài cộng đồng vẫn có nhưng không phải là số lượng lớn, chỉ xảy ra ở một số địa điểm nhỏ. "Chúng ta chấp nhận có F0 trong cộng đồng, nói cách khác không thể không có F0 thì phải thực hiện bình thường mới theo tinh thần của Nghị quyết 128 của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế", ông Trần Đắc Phu nêu quan điểm.
Còn ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết việc cho học sinh đi học trở lại phải đảm bảo nhiều yếu tố vì các hoạt động học tập hay hoạt động tập thể không chỉ diễn ra ở trong một lớp học mà cả toàn trường, thậm chí là toàn khu vực đó. Bên cạnh đó, các trường luôn phải có một bộ phận thường trực, có tập huấn bài bản để ứng phó dịch bệnh. Trong đó, Bộ GD-ĐT yêu cầu khi học sinh đi học trở lại, nhà trường phải có rà soát, đánh giá kết quả học tập trực tuyến, học tập qua truyền hình để phân được các nhóm học sinh. Sau đó tổ chức ôn tập để bù đắp kiến thức phù hợp cho từng đối tượng. Đặc biệt chú trọng tới các em học sinh gặp nhiều khó khăn khi học trực tuyến, những học sinh phải theo cha mẹ về quê tránh dịch hoặc bị mắc kẹt ở quê không trở về thành phố do dịch bệnh.