An Giang: Đừng ‘chửi’ giáo viên phải nghỉ vì coronavirus

Giáo dục - Ngày đăng : 13:14, 11/02/2020

Sau khi các tỉnh thành quyết định cho học sinh nghỉ học thêm 1 tuần nữa để phòng chống dịch coronavirus, bất ngờ trên mạng xã hội lại xuất hiện 1 số ý kiến trái chiều cho rằng quyết định nghỉ học như vậy thì giáo viên quá “hời”: được nghỉ dạy mà vẫn hưởng lương!
Học sinh nghỉ, thầy cô vẫn vào trường họp hành, vệ sinh phòng lớp phòng, chống dịch - Ảnh: Tô Văn

Chủ trương cho học sinh nghỉ học 2 tuần là cần thiết

Do diễn biến rất phức tạp, việc phòng chống dịch coronavirus được ưu tiên hàng đầu, và nhiều tỉnh thành trong cả nước đã có quyết định cho học sinh nghỉ học thêm 1 tuần nữa. Quyết định này nhận được sự đồng thuận lớn của người dân. Bởi, sức khỏe của học sinh, sinh viên là quan trọng nhất, khi có sức khỏe là có tất cả.

Có thể cho rằng tạm hoãn việc học gây khó khăn cho một số phụ huynh, bởi phải trông con em. Nhưng việc học đâu phải cả đời. Nếu vào học mà không có sức khỏe thì việc học cũng trở thành con số 0.

Một số phụ huynh không đồng tình với việc cho học sinh nghỉ học do gia đình họ không có ai trông nom con cái. Và theo họ, cùng lúc này, thầy cô nghỉ sướng quá mà vẫn được trả lương đầy đủ. Những câu nói ích kỷ khó nghe, những lời bình luận thiếu căn cứ sau những quyết định cho học sinh nghỉ làm nhiều người bất bình, làm thầy cô giáo không khỏi buồn lòng.

Một số ý kiến ích kỷ khó nghe, làm thầy cô giáo không khỏi buồn lòng - Ảnh: Tô Văn

Cô Trần Tô Kim Phượng (29 tuổi, giáo viên dạy Mỹ thuật của 1 trường tiểu học trên địa bàn H.Thoại Sơn, tỉnh An Giang) cho biết: “Khi đọc những bình luận ác ý trên mạng xã hội, bản thân là giáo viên công tác được hơn 5 năm thật sự rất chán nản. Tôi yêu nghề lắm và sẵn sàng hy sinh cho học trò trong mọi hoàn cảnh.

Nhưng hiện nay theo tôi thấy đa số phụ huynh không còn tôn trọng giáo viên. Họ nghĩ rằng làm giáo viên là công việc ai cũng làm được. Họ đâu biết rằng, học sinh nghỉ học thì chúng tôi phải vào họp hành rồi làm vệ sinh, quét dọn phòng lớp… Chúng tôi có thời gian nghỉ đâu?”.

“Nếu để các em đi học, và trong 2 tuần ấy, giả sử có 1 em nào đó bị dính dịch bệnh, có phải chính em đó sẽ lây cho biết bao học sinh và các thầy cô giáo trong trường? Và những người này lại về lây cho biết bao người khác… Sự lây lan theo cấp số nhân thế này quả là khủng khiếp”, cô Hà My (giáo viên tiểu học trên địa bàn TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) nhận định.

Sống đừng ích kỷ hãy nhận thức đúng

Theo ghi nhận của PV báo điện tử Một Thế Giới, trong 2 tuần qua, đa số thầy cô các trường trên địa bàn tỉnh An Giang thường vào trường họp về cách phòng, chống dịch coronavirus. Thầy cô không dạy trên lớp nhưng vẫn phải đi trực trường, phải đi dọn vệ sinh trường lớp, lau chùi phòng học, đồ dùng học tập, hỗ trợ việc phun, xịt thuốc…

Một số thầy cô còn phải hỗ trợ học sinh, phụ huynh để hướng dẫn cho các em học bài, phòng chống bệnh ở nhà… thông qua mạng xã hội - Ảnh: Tô Văn

Một số thầy cô còn phải hỗ trợ học sinh, phụ huynh để hướng dẫn cho các em học bài, phòng chống bệnh ở nhà… thông qua mạng xã hội. Điều đặc biệt nhất, thời gian học sinh đi học trở lại, ngoài việc dạy đúng theo quy định, giáo viên còn phải dạy bù chương trình nghỉ cho các em. Nếu ít sẽ phải dạy vào thứ bảy hoặc chủ nhật.

Và nếu nghỉ nhiều hơn 2 tuần, giáo viên sẽ phải bớt thời gian hè của mình lại để đi dạy. Còn tại TP.Cần Thơ, một số trường cũng đã áp dụng hình thức ôn bài online, hỗ trợ các em học sinh, sinh viên… Bởi sẽ có không ít học sinh có lực học yếu kém nên sẽ quên kiến thức và học yếu hơn sau kỳ nghỉ dài. Thầy cô sẽ phải nỗ lực hết mình vừa dạy học sinh trong lớp vừa phụ đạo, kèm cặp thêm cho những học sinh này.

Tô Văn