Vị thế quan trọng của Việt Nam trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại COP26
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 20:36, 29/10/2021
Trong 7 nỗ lực, hành động nổi bật liên quan đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trước thềm hội nghị về Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) diễn ra tháng 11 tại Anh, đầu tư mạnh tay cho năng lượng sạch là hành động đầu tiên được Chính phủ các nước đưa ra.
Theo đó, Chính phủ cùng khu vực tư nhân các nước đã cam kết đầu tư 400 tỉ đồng cho năng lượng sạch tại Đối thoại cấp cao về Năng lượng của Liên hợp quốc tháng 9 vừa qua. Đây là lần đầu tiên trong 40 năm qua các nhà lãnh đạo mới có một cuộc gặp bàn về năng lượng dưới sự bảo trợ của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
35 quốc gia, từ các đảo quốc nhỏ bé cho tới các cường quốc đang nổi, các nền kinh tế phát triển đều đưa ra cam kết quan trọng về nguồn năng lượng mới dưới hình thức “Khế ước năng lượng”. Nổi bật trong số này là thỏa thuận về không cấp phép xây dựng mới các nhà máy nhiệt điện với sự tham gia của Sri Lanka, Chile, Đan Mạch, Pháp, Đức, Anh và Montenegro.
Chú trọng đầu tư cho năng lượng sạch là hành động được đưa ra trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại lớn về kinh tế cho các nước. Chẳng hạn như châu Á, báo cáo mới nhất của Liên Hợp Quốc cho biết nóng kỉ lục vào năm 2020 đã gây thiệt hại nặng nề cho sự phát triển của của các nền kinh tế. Trong đó, Trung Quốc bị thiệt hại khoảng 238 tỉ USD, Ấn Độ thiệt hại khoảng 87 tỉ USD, Nhật Bản khoảng 83 tỉ USD và Hàn Quốc khoảng 24 tỉ USD.
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động của biến đối khí hậu, đứng thứ 21 trên thế giới và đứng thứ 2 trong ASEAN về lượng phát thải khí nhà kính. Theo đó, vị thế của Việt Nam tại COP26 sẽ trở nên quan trọng và nhận được sự chú ý từ cộng đồng quốc tế.
Với Việt Nam, đóng góp lớn nhất cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu chính là sử dụng các nguồn tài nguyên sạch, ngừng dùng công nghệ đốt than. Trên thực tế, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
Minh chứng cho điều này là tại Quy hoạch điện VIII được Bộ Công thương trình Chính phủ mới đây đã cam kết mạnh mẽ về tăng trưởng xanh. Cụ thể, trong tổng cơ cấu nguồn điện dự kiến đến năm 2030 đạt từ 130.371-143.839 MW thì nguồn điện năng lượng tái tạo bao gồm: điện gió, mặt trời, điện sinh khổi chiếm khá cao, từ 24,3-25,7%.
Giới chuyên gia cho rằng, sử dụng năng lượng tái tạo không chỉ đem lại hiệu quả về mặt chi phí mà còn mang tới những tiềm năng to lớn cho sự phát triển kinh tế lâu dài của Việt Nam.
Ngoài ra, nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam cũng sẽ đóng góp đáng kể cho mục tiêu giảm khí nhà kính toàn cầu. Hành động này của Việt Nam đã được các nước công nhận khi trước thềm COP26 diễn ra, nhiều nước đã gửi sáng kiến của mình và mong muốn Việt Nam cùng thực hiện.
Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26) là một trong những sự kiện được cộng đồng quốc tế quan tâm nhất trong năm 2021, dự kiến diễn ra từ ngày 31.10 - 12.11 tại thành phố Glasgow, Anh.
Sự kiện là cơ hội cho những hành động cứu trái đất có ý nghĩa. Hơn 100 lãnh đạo thế giới được kỳ vọng sẽ có mặt để đưa ra những cam kết của mình. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là một trong nhiều lãnh đạo quốc gia được mời dự COP26 và đã xác nhận tham dự.
Ngoài ra, lãnh đạo nước ngoài khác xác nhận tham dự là: Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Úc Scott Morrison, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Ý Mario Draghi, Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Thủ tướng Israel Naftali Bennett…