Nhiều phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan tìm mọi cách để học tập
Quốc tế - Ngày đăng : 09:58, 30/10/2021
Trường cô đóng cửa sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước vào giữa tháng 8, nhưng điều này không khiến Muhammadi ngừng học. Cô chia sẻ: “Có nhiều mối đe dọa và nguy hiểm với phụ nữ như tôi, nếu Taliban biết được thì họ có thể trừng phạt tôi rất nặng. Thậm chí họ có thể ném đá tôi đến chết. Tuy nhiên tôi không mất đi khát vọng, tôi quyết tâm tiếp tục học”.
Cô là một trong hàng trăm phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan đang theo đuổi việc học bằng hình thức trực tuyến hoặc tham gia lớp học dựng tạm, bất chấp Taliban đóng cửa trường.
Fereshteh Forough - nhà sáng lập và giám đốc điều hành Code to Inspire (CTI, học viên dạy lập trình riêng cho phụ nữ tại Afghanistan) - đã lập nên nhiều lớp học trực tuyến được mã hóa, đăng tải nội dung học lên mạng, tặng máy tính xách tay cùng gói internet cho khoảng 100 học viên bà dạy trong đó có Muhammadi.
“Bạn có thể bị giam cầm tại nhà nhưng vẫn tùy ý khám phá thế giới ảo, không lo ngại gì về ranh giới đại lý. Đây là vẻ đẹp của công nghệ”, theo bà Forough.
Vào tháng 9, Taliban cho phép tất cả trẻ em ở độ tuổi tiểu học và trẻ em trai lớn tuổi hơn đi học trở lại, tuy nhiên lại yêu cầu trẻ em gái 12 - 18 tuổi ở nhà cho đến khi điều kiện cho phép. Tổ chức Hồi giáo này (từng cấm trẻ em gái đến trường trong lần cầm quyền trước) cam kết sẽ để phụ nữ và trẻ em đến trường nhằm chứng minh với thế giới rằng họ đã thay đổi.
Quan chức Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) Omar Abdi nhấn mạnh: “Thành quả giáo dục 2 thập kỷ qua phải được củng cố chứ không phải lùi lại”.
Sau khi Taliban bị lật đổ vào năm 2001, tỷ lệ đi học tăng nhanh chóng – năm 2018 đạt hơn 3,6 triệu trẻ em gái. Số vào đại học tính đến nay lên đến hàng chục nghìn. Tỷ lệ phụ nữ tiếp cận giáo dục đại học tăng từ 1,8% năm 2011 lên 6% năm 2020. Tuy nhiên UNICEF xác định Afghanistan vẫn có khoảng cách về giới trong giáo dục thuộc hàng lớn nhất thế giới: trẻ em gái chiếm 60% trong số 3,7 triệu trẻ em không được đến trường.
Nhiều nhà vận động khuyến cáo không cho các em đến trường gây ra hậu quả nghiêm trọng chẳng hạn như nghèo đói, nạn tảo hôn, sinh con sớm, thiếu hiểu biết về quyền và khả năng tiếp cận dịch vụ cơ bản.
“Giáo dục cho phép các em tự chăm sóc sức khỏe, có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong gia đình, ngăn chặn bạo lực gia đình và trở thành trụ cột. Chúng tôi không muốn chờ đợi mà muốn tiếp tục sứ mệnh của mình”, bà Forough cho biết.
Abdul Baqi Haqqani - nhân vật được Taliban bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục - tháng trước tuyên bố phụ nữ sẽ được học đại học, nhưng lớp cần chia theo giới tính và sinh viên nữ phải do giảng viên nữ dạy. Nơi không thể thực hiện thì có thể áp dụng học trực tuyến hay học qua truyền hình.
Trong khi vài trường tư đã hoạt động lại, nhiều đại học công vẫn đóng cửa.
Sinh viên tâm lý học Aisa từng hy vọng sẽ giúp giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần của thế hệ trẻ Afghanistan. Ước mơ tan thành mây khói vì Taliban tái nắm quyền, hiện cô phải lẩn trốn sau khi gia đình nhận phải nhiều lời đe dọa.
Aisa chuẩn bị theo học ngành sức khỏe học tại đại học Nhân dân – đơn vị giáo dục tại Mỹ cung cấp chương trình học từ xa cho sinh viên trên khắp thế giới. Trường cung cấp 1.000 suất học bổng cho những phụ nữ Afghanistan không còn khả năng học tập.
“Nếu không có học bổng này thì tôi chẳng còn cơ hội nữa, tương lai của tôi tan vỡ. Đây là cơ hội cuối cùng để tôi có được bằng cấp. Học lén lút an toàn hơn đối với phụ nữ như chúng tôi”, Aisa chia sẻ.
Tất cả bạn nữ giới của Aisa đều phải từ bỏ việc học, ngay cả khi Taliban cho phép phụ nữ quay lại đại học, họ cũng sợ chẳng dám làm vậy.
Với 1 trong 4 chương trình kinh doanh, giáo dục, khoa học máy tính, sức khỏe học do Đại học Nhân dân tổ chức, sinh viên chỉ cần sở hữu điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng là có thể tham gia. Hiệu trưởng Shai Reshef cho biết: “Những phụ nữ này không còn lựa chọn nào khác ngoài học trực tuyến. Hầu hết không thể rời khỏi Afghanistan. Chúng tôi đang cố gắng mang lại hy vọng cho họ”.
Điều đáng lo ngại là Taliban đang hứng chịu hàng loạt trừng phạt không đủ nguồn lực duy trì hạ tầng truyền thông. Tổ chức Hồi giáo cũng có thể sớm tiến hành kiểm duyệt thông tin liên lạc.
Hiện tại lo ngại trên không thể ngăn Pashtana Zalmai Khan Durrani - nhà sáng lập tổ chức phi lợi nhuận LEARN - lập lớp dạy khoa học công nghệ, kỹ thuật, toán học cho khoảng 100 trẻ em gái thông qua máy tính bảng. Cô đang hợp tác với một số công ty tài chính và công nghệ Mỹ cung cấp dịch vụ internet vệ tinh để vượt qua vòng kềm kẹp từ Taliban.
“Địa điểm của chúng tôi được che giấu. Taliban chẳng thể làm gì thậm chí khi họ cố cắt truy cập internet”, theo Durrani.