Cần một nền tảng giúp người lao động và nhà tuyển dụng gặp nhau dễ hơn thời hậu COVID
Thế giới số - Ngày đăng : 17:26, 30/10/2021
Sau khi TP.HCM và các tỉnh lân cận nới lỏng giãn cách, có một lượng lớn lao động đổ về quê và điều đó gây thiếu hụt lao động lớn tại các khu công nghiệp. Bài toán lớn hiện nay là phải tìm cách đón người lao động trở lại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… để tiếp tục phát triển sản xuất.
Sau nhiều tháng phải sống với nhiều hạn chế tại thành phố, tâm lý chung của các lao động tại quê là vẫn e ngại quay trở lại trong cảnh bất định với hồ sơ xin việc chưa biết gửi đâu. Chính vì vậy, giải pháp dùng công nghệ thông tin, tiến hành tuyển dụng từ xa là việc làm hết sức cần thiết.
Nguyễn Văn Lâm – Phó giám đốc Sở lao động Thương binh – Xã hội TP.HCM cho biết: Để đáp ứng nhu cầu việc làm của người lao động trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan kết nối thông tin tìm việc làm cho người lao động.
Về lý thuyết, thông qua hoạt động phiên giao dịch việc làm trực tuyến, các nhà tuyển dụng sẽ tiếp cận được nguồn nhân lực đã có nhiều kinh nghiệm, từ đó tuyển dụng được nhân lực theo yêu cầu. Đồng thời, phiên giao dịch sẽ tạo điều kiện cho người lao động có nhu cầu tìm việc có cơ hội tiếp xúc trực tiếp, gặp gỡ, trao đổi với nhà tuyển dụng và nhanh chóng quay trở lại môi trường lao động.
Tuy nhiên, nếu chỉ thực hiện tuyển dụng trực tuyến theo khung giờ như hiện nay thì chưa thể phát huy hiệu quả cũng như tốc độ của việc tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu thực tế. Chẳng hạn hôm 29.10, Trung tâm dịch vụ việc làm Tiền Giang chỉ kết nối được 81 lao động với 07 doanh nghiệp trong Phiên giao dịch việc làm trực tuyến. Qua đó, các doanh nghiệp đã tuyển dụng được 22 lao động. Con số đó rõ ràng quá ít so với nhu cầu. Lý do chính khiến con số tham gia tuyển dụng thấp là thời gian của phiên tuyển dụng cũng không nhiều nhặn trong khi các doanh nghiệp và người lao động mất nhiều thời gian, tiếp xúc nhau.
Một cách khác để người tuyển dụng và người lao động có thể gặp nhau một cách chủ động mà không cần gặp mặt hơn là dựa trên các website, các app tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, các app hay website thì thông tin quá đơn giản và chưa đưa người tuyển dụng và lao động đến gần nhau như các phiên giao dịch trực tuyến.
Chúng ta hoàn toàn có thể kết hợp 2 hình thức trên, lấy ưu điểm của chúng (tính phổ biến của các website, app và tính thực tế của các phiên giao dịch) để tạo thành một môi trường dễ cho cả người lao động lẫn người tuyển dụng. Tổng Công đoàn lao động, Bộ Lao động Thương binh Xã hội, Bộ Thông tin Truyền thông… có thể xây dựng một ứng dụng, hay nâng cấp từ một ứng dụng có sẵn rồi tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp và người lao động tìm đến nhau.
Trong ừng dụng đó, người lao động không chỉ cung cấp thông tin cơ bản, mức lương kỳ vọng, công việc kỳ vọng, địa điểm làm việc mà còn có thể tự quay phần tự giới thiệu thậm chí trình bày kỹ năng qua clip để thể hiện trình độ. Đây là những chức năng mà các website hay app tìm việc hầu nay không có trong khi nó là công cụ đơn giản để người lao động và nhà tuyển dụng tìm nhau dễ hơn.
Khi tự quay clip giới thiệu bản thân hay trình bày kỹ năng thì người lao động có thể tự tin thể hiện mình một cách tốt nhất với tâm lý thoải mái. Họ không gặp áp lực tâm lý như khi phải trả lời phỏng vấn thời gian thực và cũng không còn nỗi lo mạng rớt khi tự giới thiệu. Ngược lại, phía nhà tuyển dụng trong một thời gian ngắn có thể xem được nhiều ứng viên và đánh giá được sát hơn đối tượng tuyển dụng. Như vậy, cùng 1 bộ hồ sơ trực tuyến sống động như vậy, người lao động có thể tự giới thiệu mình cho nhiều nhà tuyển dụng.
Nói cách khác, nếu phát triển được ứng dụng với nền tảng như vậy thì người lao động có cơ hội để thể hiện khả năng và kỳ vọng tới nhiều nhà tuyển dụng. Đồng thời sẽ giúp nhà tuyển dụng có nhiều cơ hội tìm kiếm, quan sát ứng viên chứ không bị bó hẹp trong sự kiện hữu hạn nào. Giúp doanh nghiệp và người lao động tìm thấy nhu cầu của nhau trong thời gian ngắn không chỉ thiết thực trong thời gian hậu COVID-19 mà còn có ý nghĩa lâu dài trong việc tận dụng nguồn lao động ở nước ta sau này.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”