Bộ Y tế bổ sung các yếu tố sàng lọc khi tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ
Sự kiện - Ngày đăng : 12:59, 31/10/2021
Bộ Y tế vừa ban hành quyết định số 5002/QĐ- BYT về việc "Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em".
Tại quyết định này, Bộ Y tế đã bổ sung bảng kiểm trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người trẻ gồm các việc như: đo thân nhiệt, nhịp tim... Theo đó, có 8 yếu tố mà người khám sàng lọc cần quan tâm, đó là:
- Hỏi tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc xin phòng COVID-19.
- Đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển.
- Tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào.
- Rối loạn tri giác, rối loạn hành vi.
- Mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu.
- Nghe tim, phổi bất thường.
- Phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào (ghi rõ tác nhân dị ứng…).
- Các chống chỉ định, trì hoãn khác (nếu có cần ghi rõ).
Hướng dẫn của Bộ Y tế cũng nêu rõ, nếu trẻ đủ điều kiện ttiêm chủng ngay khi trẻ không có điểm bất thường và không có chống chỉ định tiêm vắc xin theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Chống chỉ định tiêm vắc xin cùng loại khi tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc xin phòng COVID-19.
Trì hoãn tiêm chủng cho trẻ khi đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển. Thận trọng tiêm chủng cho trẻ khi có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào. Rối loạn tri giác, rối loạn hành vi, chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện khi mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu; Nghe tim, phổi bất thường. Phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào (ghi rõ tác nhân dị ứng…).
Từ đầu tháng 11.2021, Bộ Y tế sẽ tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho người trẻ từ 12 - 17 tuổi trên toàn quốc. PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ trung ương cho biết, ngành y tế đang cố gắng phấn đấu tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin cho trẻ từ 12 - 17 tuổi. "Ngành y tế vẫn cố gắng đàm phán, cung ứng đủ vắc xin cho trẻ trong tháng 12 để có thể bao phủ mũi 2 cho cả người trẻ lẫn người trên 18 tuổi" - bà Hồng cho hay.
Bà Hồng cũng lưu ý trẻ em trong lứa tuổi này thường có những phản ứng dây chuyền, do đó khi một trẻ có biểu hiện lo sợ thì các em khác cũng rất dễ bị ảnh hưởng. Vì vậy nên sắp xếp sao cho phòng tiêm, theo dõi tiêm cho các em thật hợp lý, có khoảng cách nhất định để tiến hành tiêm cho trẻ.
"Ít nhất trong 3 ngày đầu sau tiêm cho trẻ, cha mẹ, người giám hộ, thầy cô giáo cần yêu cầu trẻ tránh vận động mạnh, hoạt động thể thao cường độ cao. Điều này sẽ gây tăng áp lực cho tim, biểu hiện viêm cơ tim sẽ trầm trọng hơn. Sau tiêm, các cháu hoạt động mạnh sẽ tăng thêm áp lực cho tim, biểu hiện viêm cơ tim có thể trở nên trầm trọng hơn nếu không may gặp phản ứng phụ này. Theo các số liệu thống kê tới nay, viêm cơ tim xảy ra nhiều hơn ở mũi thứ 2 và xảy ra ở trẻ trai nhiều hơn trẻ gái"- bà Hồng thông tin.
Thông tin thêm về phản ứng phụ sau tiêm vắc-xin COVID-19 ở trẻ nhỏ, PGS-TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết hiện không có báo cáo liên quan đến tử vong với tất cả trường hợp viêm cơ tim sau tiêm vắc xin COVID-19. Dù vậy, Bộ Y tế đã có kế hoạch và tập huấn cho các cơ sở y tế để chuẩn bị thật tốt cho tình huống có ca phản ứng viêm cơ tim, mặc dù tỉ lệ rất thấp. "Các gia đình không nên lo lắng vì trong quá trình tiêm, trẻ cũng sẽ được theo dõi cẩn thận, xử lý kịp thời nếu có tình huống phát sinh", PGS Điển nói.