Úc mở cửa biên giới từ 1.11 sau 18 tháng phòng dịch
Chuyển động - Ngày đăng : 07:36, 01/11/2021
Trong 18 tháng Úc áp đặt loạt hạn chế nghiêm ngặt bậc nhất thế giới vì dịch bệnh COVID-19, công dân nước không thể quay về hay rời khỏi đất nước (trừ trường hợp được miễn trừ). Nay hàng triệu người ở Victoria, New South Wales và Canberra đã có thể tự do di chuyển.
Một chuyến bay của hãng Qantas Airways xuất phát từ Los Angeles vừa đáp xuống sân bay Sydney ngay sáng 1.11, chở theo công dân Úc về nước. Họ đã tiêm chủng đầy đủ nên không cần phải cách ly.
Bộ trưởng Tài chính Úc Josh Frydenberg lạc quan tuyên bố thay đổi trong chính sách biên giới sẽ giúp vực dậy nền kinh tế.
“Hôm nay là ngày đáng để ăn mừng. Người Úc nay được đi lại tự do hơn ở trong lẫn ngoài nước mà không cần cách ly tại nhà, nếu họ tiêm đủ 2 liều vắc xin”, Bộ trưởng Frydenberg nói với đài ABC News.
Tin tức trên truyền hình cùng hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy cảnh đoàn tụ đẫm nước mắt tại sân bay. Trước đó hạn chế nghiêm ngặt khiến nhiều người không được tham dự các sự kiện quan trọng (gồm cả lễ cưới và lễ tang).
Việc nới lỏng hạn chế gắn liền với tỷ lệ tiêm chủng cao. Hơn 80% nhóm dân số từ 16 tuổi trở lên ở New South Wales và Victoria (2 bang đông dân nhất nước Úc) cũng như ở thủ đô Canberra đã tiêm chủng đầy đủ.
Công dân Úc lẫn thường trú nhân hiện ở nước ngoài nay có thể quay về. Bộ Ngoại giao Úc ước tính có khoảng 47.000 người mong chờ điều này.
Cũng từ ngày 1.11, khách du lịch, lao động, sinh viên từ New Zealand và Singapore nếu tiêm chủng đầy đủ có thể nhập cảnh New South Wales và Victoria không cần cách ly tại khách sạn 14 ngày. Singapore chuẩn bị đón người nhập cảnh từ Úc với quy định tương tự từ ngày 8.11.
Trường hợp chưa tiêm chủng đầy đủ vẫn phải có xét nghiệm COVID-19 trước lúc lên máy bay và cách ly khi nhập cảnh.
Úc đóng cửa biên giới ngay từ đầu đại dịch, chỉ cho phép vài trường hợp là công dân và thường trú nhân đặc biệt trở về, nhưng họ phải cách ly ở khách sạn (chi phí tự chi trả). Tỷ lệ tiêm chủng cao cho phép nước này chuyển từ chiến lược “Zero COVID” sang “sống chung với dịch”.