TP.HCM: Phát hiện ổ dịch trong cộng đồng vẫn phải phong tỏa 24 giờ

Thông tin Y học - Ngày đăng : 13:36, 01/11/2021

Nếu ổ dịch gia đình thì cả gia đình phải xét nghiệm và cách ly 14 ngày; còn ổ dịch ở cộng đồng thì phải thực hiện phong tỏa 24 giờ để điều tra, truy vết, đánh giá mức độ nguy cơ.

Ngày 1.11, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết TP đang áp dụng quy trình mới trong việc phát hiện và xử lý người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng.

Theo đó, với ổ dịch gia đình thì cả hộ gia đình sẽ được làm xét nghiệm vào ngày đầu tiên phát hiện F0, thực hiện cách ly 14 ngày. Nếu là ổ dịch cộng đồng thì tiến hành phong tỏa trong vòng 24 giờ để điều tra, truy vết, đánh giá mức độ nguy cơ. Tùy theo mức độ nguy cơ sẽ có các biện pháp can thiệp phù hợp.

tphcm-hat-hien-o-dich-trong-congdong-van-phong-toa-24-gio-hinh-anh(1).png
Phong tỏa một con hẻm trên địa bàn quận 12, TP.HCM  để thực hiện phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh: PV

Trước đó, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành hướng dẫn tạm thời quy trình phát hiện và xử lý F0 tại cộng đồng để các địa phương chủ động hơn trong công tác phòng chống dịch COVID-19 trong điều kiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” của Chính phủ.

Cụ thể quy trình phát hiện và xử lý F0 tại cộng đồng có 3 bước gồm: phát hiện F0 thông qua xét nghiệm RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên từ nhiều nguồn (như sàng lọc, xét nghiệm ngẫu nhiên, kiểm soát dịch tại các ổ dịch hộ gia đình, người dân tự xét nghiệm…) ; xử lý ổ dịch hộ gia đình; điều tra, xử lý ổ dịch cộng đồng (khu vực dân cư có từ 2 hộ gia đình có F0 trở lên).

Về tình hình dịch COVID-19, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, tính đến 6 giờ ngày 1.11, TP có 432.703 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó có 432.183 trường hợp nhiễm trong nước, 520 trường hợp nhập cảnh.

Trong ngày 31.10, số ca nhập viện tầng 2, 3 là 624 người, nâng tổng số ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2, 3 là 11.230 người. Trong đó, trẻ em dưới 16 tuổi đang được điều trị 653 người, phụ nữ mang thai 135 người… Đặc biệt trong ngày có 25 ca mắc COVID-19 tử vong.

TP đang triển khai kế hoạch tiêm chủng cho các em từ 12 đến 17 tuổi đồng loạt tại 22 quận huyện và TP.Thủ Đức; tổ chức giám sát hoạt động tiêm chủng, đảm bảo các buổi tiêm được tổ chức an toàn ở mức cao nhất.

TP cũng tổ chức xét nghiệm COVID-19 trong điều kiện thích ứng với tình hình dịch bệnh; tổ chức lấy mẫu xét nghiệm những trường hợp có triệu chứng hô hấp, xét nghiệm điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch, giám sát định kỳ các khu vực nguy cơ.

Trong ngày hôm nay (1.11) Sở Giao thông vận tải TP.HCM tiếp tục đưa thêm 8 tuyến xe buýt hoạt động trở lại gồm: tuyến xe buýt mã số 04 chạy theo lộ trình Bến Thành - Cộng Hòa - Bến xe An Sương; tuyến xe buýt số 28 Bến xe buýt Sài Gòn - chợ Xuân Thới Thượng; tuyến xe buýt số 31 Đại học Tôn Đức Thắng - Bến Thành - Đại học Văn Lang; tuyến xe buýt số 36 Bến Thành - Thới An; tuyến xe buýt số 45 Bến xe buýt Quận 8 - Bến Thành - Bến xe miền Đông; tuyến xe buýt số 72 Bến xe buýt Sài Gòn - Hiệp Phước; tuyến xe buýt số 102 Bến xe buýt Sài Gòn - Nguyễn Văn Linh - Bến xe miền Tây và tuyến xe buýt số 151 Bến xe miền Tây - Bến xe An Sương. Các tuyến xe buýt này sẽ hoạt động liên tục từ 5 giờ đến 18 giờ hằng ngày, riêng tuyến buýt số 151 tại đầu Bến xe miền Tây hoạt động từ 4 giờ 30 đến 17 giờ 30.

Để bước vào trạng thái “bình thường mới”, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM khuyến cáo người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là với dịch; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng; dinh dưỡng hợp lý tăng cường sức đề kháng. Mỗi người cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch sau khi đã tiêm đủ 2 liều vắc xin, đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.

Hồ Quang