Ai làm đau tiếng Việt? - Câu hỏi của một nhà ngôn ngữ học

Văn hóa - Ngày đăng : 18:14, 01/11/2021

“Ai làm đau tiếng Việt?” là tên cuốn sách nhưng cũng là sự trăn trở của tiến sĩ ngôn ngữ Hồ Xuân Mai trước tình trạng sử dụng sai tiếng Việt trên các phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay.

Ngôn ngữ không phải là thứ bất biến. Nó thay đổi theo thời gian và không gian. Hai trạng thái thay đổi này luôn luôn bổ sung cho nhau, làm thành một hiện trạng của một ngôn ngữ. Chẳng hạn, thời gian khiến cho tiếng Việt dần mất đi các tổ hợp phụ âm đầu, trở thành đơn tiết như hiện nay. Nhưng chắc chắn quá trình này không diễn ra hoặc nếu có thì cũng sẽ rất chậm, không triệt để nếu như tiếng Việt không tiếp xúc với các ngôn ngữ trong khu vực.

Quy luật của tiếp xúc ngôn ngữ là vay mượn. Kết quả của tiếp xúc là sự thay đổi bên trong của mỗi ngôn ngữ. Sự thay đổi dễ thấy nhất là ngữ âm và từ vựng. Yếu tố ngữ pháp của một ngôn ngữ chậm thay đổi nhất. Trong hệ thống từ vựng tiếng Việt, hơn hai phần ba là từ vay mượn. Đó là kết quả của tiếp xúc giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ như tiếng Hán, tiếng Pháp, tiếng Khmer... Nếu không có sự vay mượn này, không có tiếng Việt phong phú và trong sáng như hôm nay.

Áp lực xã hội, áp lực từ báo chí - truyền thông đã khiến cho thế hệ trẻ (và cả người lớn) nói/viết sai tiếng Việt. Thế nhưng, một thời gian dài, có trên ba mươi năm, không ai lên tiếng.

Ai làm đau tiếng Việt? là một cuốn sách đầy tâm huyết của tác giả, tiến sĩ ngôn ngữ học Hồ Xuân Mai. Tác phẩm cung cấp cho bạn đọc những kiến thức bổ ích trong việc sử dụng tiếng Việt để tránh những không đáng có và đang trở thành rất phổ biến như hiện nay.

Riêng về tên gọi cuốn sách cũng là một câu chuyện rất thú vị. Tác giả chia sẻ, lúc đâu ông đặt tên quyển sách này là “Ai ám sát tiếng Việt?”, sau thấy nó dữ dội quá nên đổi thành “Ai giết tiếng Việt?”. Nhưng rồi thấy cũng không ổn tác giả quyết định chọn một cái tên nghe nhẹ hơn, yêu thương hơn là “Ai làm đau tiếng Việt?”, và đó cũng là tên cuối cùng của cuốn sách vừa ra mắt bạn đọc cuối tháng 10.2021.

Ai làm đau tiếng Việt? là cuốn sách chuyên sâu về ngôn ngữ học nhưng tác giả đã cố gắng trình bày bằng những từ ngữ đơn giản nhất để bất cứ ai tiếp cận cũng có thể hiểu nội dung của bài viết, nhất là các em còn ở lứa tuổi học sinh. Trong các hướng dẫn về sử dụng tiếng Việt sao cho đúng tác giả chia ra làm 3 phần cơ bản: Phần đầu chỉ ra những cái sai cơ bản của người viết, phần tiếp đó là phân tích nguyên nhân dẫn đến cái sai, và cuối cùng là cách sửa chữa khắc phục.

img_20211029_092132.jpg
Ai làm đau tiếng Việt? do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành, 10.2021

“Mỗi chúng ta đều có những lúc viết hớ, nói ngọng tiếng Việt. Tuy nhiên, đó không phải là bản chất. Những cái sai này chỉ ảnh hưởng tới giao tiếp giữa những người tham gia; hoàn toàn không để lại bất cứ ảnh hưởng nào tới đời sống ngôn ngữ cộng đồng. Nhưng những cơ quan có chức năng bảo vệ, phát triển và truyền bá ngôn ngữ mà sai thì hậu quả sẽ khôn lường”, TS Hồ Xuân Mai chia sẻ.

Theo tác giả, trong một vài thập niên qua, tình trạng viết sai tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng là rất phổ biến. Ông nói: “Sai tới mức rất đáng giận. Thế nhưng không một cơ quan chức năng nào lên tiếng. Cái sai như vậy cứ ung dung tồn tại, lan truyền trong cộng đồng, tới mức nhiều người, kể cả những người có trình độ học vấn cao, cũng không nhận ra và còn tiếp tay cho nó. Để khắc phục tình trạng này, chúng ta cần sớm có một giải pháp về tiếng Việt, cụ thể là lập pháp ngôn ngữ. Chừng nào chưa có sự xử phạt, chừng nào còn buông lỏng tiếng Việt, chừng nào còn tình trạng không ai kiểm soát tiếng Việt, thì cái sai trong sử dụng tiếng Việt còn tồn tại.

Chúng ta nói rất nhiều về việc “Bảo vệ và phát triển tiếng Việt; giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; nói đúng tiếng Việt; viết đúng tiếng Việt”… nhưng một khi các cơ quan nhà nước, những người có trình độ học vấn cao mà sử dụng tiếng Việt sai, thì những lời kêu gọi, những băng rôn, khẩu hiệu chỉ là trò chơi không hơn không kém. Rất mong chúng ta sớm có luật ngôn ngữ và trên hết là lập pháp ngôn ngữ để bảo vệ dân tộc này, trước hết là tiếng nói”.

Về tác giả Hồ Xuân Mai

Cử nhân chuyên ngành ngôn ngữ, Trường đại học Tổng hợp TP.HCM.

Thạc sĩ, chuyên ngành ngôn ngữ học so sánh - đối chiếu, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, khóa 1996-1999.

Tiến sĩ, chuyên ngành ngôn ngữ học so sánh - đối chiếu, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, khóa 2002-2006.

Cử nhân tiếng Anh, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, khóa 1996-2001.

Đã xuất bản gần 10 cuốn sách và khoảng 60 bài báo khoa học trên các tạp chí chuyên ngành.

Tiểu Vũ