Ông Biden hứa với thế giới thực hiện các mục tiêu về khí hậu nhưng nhận cú sốc ở Mỹ
Quốc tế - Ngày đăng : 08:45, 02/11/2021
Ông Biden đã cùng các nhà lãnh đạo từ hơn 100 quốc gia đến thành phố Glasgow, Scotland để tham gia Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 - COP26 (được khởi động sau hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome), kết luận bằng tuyên bố kêu gọi hành động "có ý nghĩa và hiệu quả" với biến đổi khí hậu nhưng để lại những công việc to lớn cho các nhà đàm phán nhằm đảm bảo một kết quả đầy tham vọng.
Kế nhiệm ông Donald Trump vào tháng 1.2021, Tổng thống Biden cam kết hồi đầu năm rằng Mỹ sẽ cắt giảm 50-52% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào 2030 so với mức năm 2005. Nhà Trắng đã bày tỏ tin tưởng rằng họ có thể đạt được điều đó, ngay cả khi là một dự luật có thể giúp tiếp tục những mục tiêu này đang bị Quốc hội Mỹ trì hoãn, với việc một thượng nghị sĩ chủ chốt hôm 1.11 đã giữ lại sự ủng hộ của mình.
Chương trình nghị sự trong nước của Tổng thống Joe Biden đã phải chịu một thất bại lớn vào 1.11 khi Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ - Joe Manchin cho biết ông sẽ không cam kết ủng hộ gói 1,75 ngàn tỉ USD về chi tiêu xã hội và biến đổi khí hậu được công bố vào tuần trước.
"Dù tôi đã làm việc chăm chỉ để tìm ra một con đường để thỏa hiệp, nhưng rõ ràng là: Thỏa hiệp là không đủ tốt cho nhiều đồng nghiệp của tôi trong Quốc hội. Tất cả hoặc không có gì, và vị trí của họ dường như không thay đổi trừ khi chúng tôi đồng ý với mọi thứ. Đủ là đủ. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo được bầu của chúng ta ở Washington, tất cả chúng ta, ngừng chơi trò với nhu cầu của người dân Mỹ trong việc giữ một con tin dự luật cơ sở hạ tầng quan trọng", ông Joe Manchin nói trong một cuộc họp báo.
Joe Manchin phát biểu 4 ngày sau khi ông Biden đến thăm Đồi Capitol để công bố đề xuất trị giá 1,75 ngàn tỉ USD sẽ cung cấp trường mầm non miễn phí cho trẻ 3 và 4 tuổi, mở rộng dịch vụ chăm sóc người già tại nhà, giảm thuế cho các công ty đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch.
Gói này chỉ bằng một nửa so với mục tiêu 3,5 ngàn tỉ USD trước đó của ông Biden, sau khi loại bỏ một số ưu tiên của các tổ chức tiến bộ, bao gồm cả các điều khoản quan trọng về kiểm soát khí hậu.
Ông Biden muốn thể hiện với thế giới rằng Mỹ có thể được tin tưởng để chống lại sự nóng lên toàn cầu bất chấp những thay đổi trong chính sách giữa chính quyền đảng Cộng hòa và Dân chủ đã làm xói mòn các cam kết của nước này trong quá khứ.
Ông Biden nói: “Chúng tôi sẽ chứng minh cho thế giới thấy rằng Mỹ không chỉ trở lại bàn họp mà còn hy vọng dẫn đầu bằng sức mạnh của tấm gương của chúng tôi. Tôi biết điều đó đã không xảy ra và đó là lý do tại sao chính quyền của tôi đang làm việc ngoài giờ để thể hiện rằng cam kết về khí hậu của chúng ta là hành động chứ không phải lời nói".
Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định khí hậu Paris, giáng một đòn vào các nỗ lực quốc tế về chủ đề này khi ông còn đương chức. Biden đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp định khí hậu Paris khi ông trở thành tổng thống.
"Tôi đoán rằng tôi không nên xin lỗi, nhưng tôi xin lỗi vì thực tế là Mỹ, trong chính quyền trước đó, đã rút khỏi các hiệp định Paris", ông Biden nói tại sự kiện COP26.
Khi ông Biden đang họp với các nhà lãnh đạo thế giới ở Glasgow (Scotland), Thượng nghị sĩ Joe Manchin tuyên bố sẽ không ủng hộ gói kích cầu trị giá 1,75 ngàn tỉ USD, vốn là trọng tâm để đạt được các mục tiêu giảm khí thải của Tổng thống Mỹ.
Cố vấn Khí hậu Quốc gia Mỹ - Gina McCarthy cho biết trước khi ông Biden đến Glasgow rằng dự luật sẽ giải ngân 555 tỉ USD chi tiêu cho khí hậu, khoản đầu tư lớn nhất để chống lại sự nóng lên toàn cầu trong lịch sử Mỹ và cho phép đất nước giảm lượng khí thải trên một gigaton hoặc một tỉ tấn đến năm 2030.
Ông Biden đã công bố một chiến lược dài hạn, đề ra cách Mỹ đạt được mục tiêu dài hạn hơn là không phát thải ròng vào năm 2050.
Trong bài phát biểu tại COP26, ông Biden nói rằng thế giới cần giúp đỡ các quốc gia đang phát triển trong cuộc chiến chống khí hậu. "Hiện tại, chúng ta vẫn đang thiếu hụt", ông Biden nói.
Tổng thống Biden có kế hoạch làm việc với Quốc hội Mỹ để khởi động một chương trình trị giá 3 tỉ USD vào năm 2024 nhằm giúp các nước đang phát triển thích ứng và quản lý các tác động của biến đổi khí hậu thông qua các biện pháp do địa phương thực hiện.
Ở cuộc gọi hội nghị với các phóng viên, Gina McCarthy cũng giải quyết những lo ngại xung quanh thông báo của Tòa án Tối cao vào cuối ngày 29.10 rằng họ sẽ xem xét thẩm quyền của Cục Bảo vệ Môi sinh trong việc điều chỉnh lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, có khả năng làm suy yếu các mục tiêu khí hậu của Mỹ.
Gina McCarthy nói: “Chúng tôi tin tưởng rằng Tòa án Tối cao sẽ xác nhận những gì họ có trước họ, đó là Cục Bảo vệ Môi sinh không chỉ có quyền mà còn có thẩm quyền và trách nhiệm để giữ cho gia đình và cộng đồng của chúng ta an toàn khỏi ô nhiễm”.