Sau khi Microsoft đóng cửa Linkedin, Yahoo chạy khỏi Trung Quốc vì luật và môi trường khắc nghiệt
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 22:02, 02/11/2021
Công ty đã ngừng cung cấp nội dung cho người dùng ở Trung Quốc đại lục kể từ ngày 1.11, theo tuyên bố được công bố trên trang web của họ, hướng người dùng Yahoo and AOL Mail đến các liên kết khác. Các phương tiện truyền thông địa phương Trung Quốc đã đưa tin về động thái của Yahoo hôm 2.11.
Người phát ngôn của Yahoo phản hồi hãng tin Reuters trong một email rằng: “Trong bối cảnh môi trường kinh doanh và pháp lý ngày càng thách thức ở Trung Quốc, bộ dịch vụ của Yahoo sẽ không còn được truy cập từ Trung Quốc đại lục kể từ ngày 1.11. Yahoo vẫn cam kết với các quyền người dùng của chúng tôi và một mạng internet miễn phí, cởi mở. Chúng tôi cảm ơn sự ủng hộ của người dùng".
Động thái Yahoo diễn ra sau Microsoft, công ty đã đóng cửa mạng xã hội Linkedin ở Trung Quốc vào tháng trước, đánh dấu sự thoái lui của mạng xã hội lớn cuối cùng từ Mỹ tại Trung Quốc. Linkedin đã trích dẫn một "môi trường hoạt động thách thức hơn và các yêu cầu tuân thủ cao hơn ở Trung Quốc".
Yahoo đã thu hẹp đáng kể sự hiện diện của mình ở Trung Quốc vài năm qua. Trước ngày 1.11, Yahoo vẫn hoạt động một ứng dụng thời tiết và một số trang hiển thị các bài báo bằng tiếng nước ngoài.
Yahoo gia nhập Trung Quốc vào năm 1998 và năm 2012 đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn Alibaba để sở hữu cổ phần trong gã khổng lồ thương mại điện tử này. Thỏa thuận cũng chứng kiến Alibaba có được quyền điều hành Yahoo Trung Quốc dưới thương hiệu Yahoo trong thời hạn 4 năm.
Yahoo Trung Quốc sau đó đã đóng cửa dịch vụ email và cổng thông tin điện tử nhưng thương hiệu này vẫn duy trì một trung tâm nghiên cứu, phát triển toàn cầu ở Bắc Kinh cho đến năm 2015, khi nó đóng cửa.
Việc Yahoo ra đi diễn ra khi Trung Quốc áp đặt những hạn chế mới với các công ty internet của họ trên các lĩnh vực từ nội dung đến quyền riêng tư của khách hàng cũng như các luật mới. Bắt đầu từ ngày 1.11.2021, Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân (PIPL) được thiết kế để bảo vệ quyền riêng tư của dữ liệu người dùng trực tuyến đã có hiệu lực.
Các công ty toàn cầu kinh doanh tại Trung Quốc phải tuân thủ PIPL, quy định về việc lưu trữ dữ liệu và đặt ra khuôn khổ nghiêm ngặt cho quyền riêng tư của người dùng ở nước này.
PIPL khuyến khích cư dân mạng chỉ ra hoạt động mạng được coi là "không văn minh" thông qua các công cụ báo cáo được cải tiến để cảnh báo chính quyền Trung Quốc.
Vào tháng 5.2021, Verizon Communications đã bán Yahoo và các mảng kinh doanh truyền thông khác của mình cho công ty cổ phần tư nhân Apollo Global với giá 5 tỉ USD.
Trang web tiếng Trung của blog công nghệ Engadget, cũng đã được bán trong thỏa thuận, không hoạt động vào ngày 2.11 và chỉ hiển thị thông báo của Yahoo về việc không còn cung cấp nội dung cho người dùng Trung Quốc đại lục.