Chuyển đổi số - chìa khóa phục hồi kinh tế sau đại dịch
Kinh tế số - Ngày đăng : 16:31, 04/11/2021
Chuyển đổi số là động lực tăng trưởng
Không phải đến khi đại dịch COVID-19 hoành hành thì câu chuyện ứng dụng chuyển đổi số để phát triển kinh tế mới được bàn thảo, mà trước đó Chính phủ đã xây dựng mục tiêu chuyển đổi số đến năm 2025 đưa đất nước trở thành nền kinh tế số, chính phủ số và xã hội số.
Kinh tế số cũng được Đại hội 13 đưa thành một trong những chỉ tiêu chủ yếu của phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong những năm tới.
Cụ thể, đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP; với việc đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội phải đạt bình quân trên 6,5%/năm, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng phải đạt khoảng 45%...
Điều này cho thấy việc chuyển đổi số có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia trong việc thích nghi và vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 trong ngắn hạn cũng như phát triển trong dài hạn.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng sự thay đổi nhanh chóng từ mua sắm, tiêu dùng trực tiếp của các chủ thể trong xã hội dịch chuyển sang hành vi mua sắm, tiêu dùng trên internet đã đẩy mạnh sự phát triển của nền kinh tế không tiếp xúc, thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển mạnh sang kinh tế số.
Cụ thể, các giao dịch, hợp đồng đã được nhiều doanh nghiệp thực hiện thông qua mạng internet, qua các thông tin trên các sàn điện tử. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực đã bắt đầu ứng dụng công nghệ, thực hiện chuyển đổi số nhiều hơn trong quản trị và vận hành sản xuất kinh doanh. Điều này dẫn đến hoạt động thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt đã có bước tăng trưởng nhanh nhất từ trước tới nay.
Ông Thịnh nhấn mạnh cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và hiệu quả quản lý. Cần phải coi đây là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 để tạo bàn đạp cho việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh của nền kinh tế cho cả giai đoạn 2021-2030.
Ngoài ra, vị chuyên gia cũng cho rằng cần tích cực thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trong các hoạt động quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chính phủ điện tử.
Nhiều khó khăn trong chuyển đổi số: đâu là giải pháp?
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại và tới năm 2045 thành nước phát triển với mức thu nhập cao. Theo ông Đinh Trọng Thịnh, để thực hiện được mục tiêu này, điều kiện kiên quyết là nền kinh tế phải chuyển sang kinh tế số. Tuy nhiên, điều khó khăn là việc này đòi hỏi rất nhiều về cơ sở vật chất kỹ thuật, đội ngũ nhân sự có trình độ công nghệ cao - điều mà hiện nay Việt Nam đang rất thiếu.
“Nguồn nhân lực cho nền kinh tế số của Việt Nam vừa thừa nhưng lại vừa thiếu. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhu cầu của một nền kinh tế số đang là đòi hỏi cấp thiết”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thịnh, một vấn đề khá quan trọng là cần có sự phối hợp và thừa nhận kết quả của nhau giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, nếu muốn phát triển nền kinh tế số thì cùng một thủ tục như nhau, những phần nào tương đồng nhau thì phải được chấp nhận. Nhưng việc này vẫn chưa có sự ăn khớp nhau giữa các bộ ngành.
Đại biểu quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Nghệ An) cho rằng cần xây dựng một cơ chế điều phối quốc gia về chuyển đổi số một cách mạnh mẽ hơn. Hiện Việt Nam đã có Ban chỉ đạo quốc gia, có Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Thông tin - Truyền thông nhưng cơ chế vận hành đang tồn tại nhiều vấn đề.
Ví dụ đơn giản nhất là sự liên thông trong dữ liệu, được thể hiện rõ trong đợt phòng chống COVID-19 vừa qua. Kinh nghiệm của các nước cho thấy, một số nước thì có cơ chế cao hơn các bộ như ở Singapore, một số nước thì giao cho bộ chức năng nhưng có những thẩm quyền rất lớn bởi vì các vấn đề về khoa học, công nghệ liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau. Thậm chí một số nước đã thành lập bộ về chuyển đổi số như ở Ukraine; như bộ về kinh tế số và xã hội số ở Thái Lan…
Ông Hiếu cũng cho rằng cần tập trung xây dựng thể chế để phục vụ cho đổi mới, sáng tạo. Trong đó, cần phải có cái nhìn cởi mở hơn đối với những cái mới, thúc đẩy cái mới phát triển.
Ngoài ra, đại biểu Hiếu nhấn mạnh cần tập trung phát triển hạ tầng số, trong đó cần lưu ý xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia, nâng cao chất lượng hạ tầng thông tin.
“Không thể phát triển được kinh tế số, xã hội số khi mà hạ tầng thông tin còn rất kém phát triển. Một trong những ví dụ rõ ràng là trong đợt học trực tuyến vừa qua, nhiều vùng, nhiều địa phương trong cả nước rất khó khăn trong việc thực hiện do không có sóng điện thoại, không có mạng băng thông rộng”, ông Hiếu nêu.
Cũng theo ông Hiếu, cần đẩy nhanh việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho toàn dân. Đây là yếu tố rất quan trọng, vì con người luôn là yếu tố là cơ bản nhất.
Bài học ở Estonia cho thấy, để đạt được thành công trong chuyển đổi số như hiện nay thì vào năm 1995 họ đã có thay đổi cơ bản về giáo dục để đào tạo nên một thế hệ sẵn sàng cho việc chuyển đổi số. Hoặc gần đây, Singapore có chiến lược để nâng cao kiến thức về kỹ năng số cho toàn dân, thậm chí có cả chương trình “một kèm một” để giúp cho những người có khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ số có thể thành thạo trong việc sử dụng các ứng dụng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Một nội dung nữa, theo ông Hiếu, cần phải tạo lập niềm tin cho người dân khi tham gia sử dụng các dịch vụ công kỹ thuật số. Đó là niềm tin về việc bảo vệ dữ liệu, niềm tin vào việc sử dụng dữ liệu của người dân cho mục đích công cộng và niềm tin về việc được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sử dụng, tránh tình trạng người dân còn có những nghi ngại trong việc cài đặt các ứng dụng để triển khai sử dụng trên diện rộng.
Chuyển đổi số - cuộc cách mạng thể chế hơn là công nghệ
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ''Triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15'', Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nêu rõ chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế hơn là cuộc cách mạng về công nghệ.
Theo ông Dũng, thể chế và quy định pháp luật cho chuyển đổi số và các hoạt động kinh tế số của Việt Nam cho đến nay được đánh giá là chậm hoàn thiện; chưa ban hành chiến lược tổng thể của quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới; thiếu các quy định về giao dịch dữ liệu, bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư, cũng như tạo lập niềm tin trên không gian số…
Do đó, việc hoàn thiện xây dựng Luật Giao dịch điện tử sửa đổi và các văn bản hướng dẫn nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc về hoạt động giao dịch điện tử và bổ sung các nội dung mới của hoạt động kinh tế số như: kinh tế nền tảng, kinh tế dữ liệu, mô hình kinh tế số ngành/lĩnh vực… thực sự cần thiết.
Bộ TT-TT cũng đề xuất hoàn thiện hành lang pháp luật về nền tảng số, kinh tế nền tảng. Theo đó, cần có các quy định nhằm bảo đảm nguyên tắc phát triển các nền tảng có khả năng kết nối hoạt động liên thông theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, có sự liên kết, chia sẻ dữ liệu, tạo được sức mạnh tổng thể và mang lại hiệu quả, tránh việc triển khai trùng lặp, rời rạc.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”