Loại gen làm tăng nguy cơ tử vong do COVID-19 phổ biến hơn ở người Nam Á

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:03, 05/11/2021

Các nhà khoa học đã xác định được một loại gen được gọi là LZTFL1 có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ suy hô hấp do COVID-19. Điều này có thể giải thích tại sao một số nhóm dân tộc dễ mắc bệnh nặng hơn những nhóm khác.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford (Anh) đã phát hiện ra rằng một phiên bản gen có nguy cơ cao hơn rất có thể ngăn cản các tế bào lót đường thở và phổi phản ứng với vi rút đúng cách. Theo một nghiên cứu được công bố hôm 4.11, khoảng 60% những người có nguồn gốc Nam Á mang phiên bản gen này, còn ở người gốc châu Âu là 15%.

Các phát hiện mới này giúp giải thích tại sao tỷ lệ nhập viện và tử vong do COVID-19 cao hơn ở một số cộng đồng nhất định và trên tiểu lục địa Ấn Độ.

Các tác giả nghiên cứu cũng cảnh báo rằng gen không phải là lý do duy nhất, vì nhiều yếu tố khác nhau chẳng hạn điều kiện kinh tế xã hội, cũng đóng một vai trò nào đó. Dù vi rút SARS-CoV-2 ảnh hưởng đáng kể với những người có nguồn gốc Phi - Caribe, chỉ 2% mang kiểu gen có nguy cơ cao.

Những người có loại gen này (được gọi là LZTFL1) sẽ được bảo vệ mạnh mẽ từ việc tiêm vắc xin COVID-19. Đây cũng là phương pháp bảo vệ tốt nhất cho họ, theo các tác giả nghiên cứu.

india-health-virus-085805.jpeg
Phát  hiện mới này giúp giải thích vì sao ở một số cộng đồng người lại dễ mắc COVID-19 bệnh nặng - Ảnh: Internet

Phát hiện này làm tăng khả năng nghiên cứu các phương pháp điều trị dành riêng cho bệnh nhân mang gen này, dù hiện tại chưa có loại thuốc phù hợp nào.

"Điều đó cho thấy cách mà phổi phản ứng với việc nhiễm vi rút là rất quan trọng”, James Davies, đồng tác giả và là phó giáo sư về gen tại Đại học Oxford, nói.

“Điều này rất quan trọng vì hầu hết các phương pháp điều trị đều tập trung vào việc thay đổi cách hệ thống miễn dịch phản ứng với vi rút”, ông nói.

Ông James Davies cùng các đồng nghiệp của mình đã tìm thấy gen này bằng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ phân tử tiên tiến.

Nhóm nghiên cứu đã tạo ra thuật toán để phân tích một lượng lớn dữ liệu di truyền từ hàng trăm loại tế bào trên khắp cơ thể, sau đó sử dụng kỹ thuật mới cho phép họ trau dồi DNA đằng sau tín hiệu di truyền cụ thể này.

“Nếu bạn có kiểu gen nguy cơ cao hơn và cảm thấy sức khỏe tồi tệ khi mắc COVID-19, thì có 50% khả năng điều đó sẽ không xảy ra nếu bạn có gen nguy cơ thấp hơn”, ông James Davies nói trong một cuộc phỏng vấn hôm 4.11.

Đan Thuỳ