Nguy cơ tàu ngầm hạt nhân va chạm tại Biển Đông gia tăng
Quốc tế - Ngày đăng : 09:00, 06/11/2021
Phát biểu tại một diễn đàn thảo luận quan hệ quốc tế ở Bắc Kinh, Giáo sư Ngô Sĩ Tồn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc - đánh giá cơ chế quản lý khủng hoảng hiện tại có thể không hiệu quả trong thời điểm quan trọng. Ý ông Tồn muốn đề cập đến loạt văn bản đặt ra quy tắc ứng xử khi chạm trán trên không và trên biển xảy ra (không mang tính ràng buộc) mà Mỹ - Trung ký kết năm 2014.
Giáo sư Tồn nhắc lại vụ việc một tàu chiến Trung Quốc lớp Type 052C suýt gây thảm họa vì chặn đầu khu trục hạm Mỹ USS Decatur năm 2018. Hai tàu suýt va chạm khi cách nhau chỉ khoảng 41 mét.
“Nằm trong khoảng cách 41 mét rất nguy hiểm. Không phải chúng ta không có quy tắc, mà là quy tắc không được tuân thủ trong thời điểm quan trọng. Rủi ro nằm ở đây. Nếu vụ việc tương tự xảy ra với 2 tàu ngầm hạt nhân thì thực sự là thảm họa”, vị giáo sư cảnh báo.
Ông Tồn nhận định rủi ro nay cao hơn vì Mỹ - Trung đều đang phát triển tàu ngầm hạt nhân và đưa chúng đến Biển Đông. Liên minh Aukus (Mỹ - Anh - Úc) vừa thành lập càng khiến số tàu hải quân hiện đại tập trung về đây tăng thêm.
“Số lượng tàu ngầm hạt nhân ở Biển Đông và eo biển Đài Loan sẽ tăng. Có quy tắc chung cho các tàu này tuân thủ không?”, Giáo sư Tồn bày tỏ lo ngại.
Cách đây không lâu, tổ chức Sáng kiến đánh giá tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI) cho biết Mỹ đã 14 lần triển khai máy bay ném bom B-52H và B-1B đến Biển Đông trong năm nay, cùng với 11 tàu ngầm hạt nhân, trong đó có USS Connecticut vừa bị va phải thực thể địa lý ngầm đầu tháng 10.
Ngày 4.11, Lầu Năm Góc công bố báo cáo xác định hải quân Trung Quốc tính đến năm 2020 sở hữu 355 tàu các loại (kể cả tàu ngầm).
Hải quân Trung Quốc xem việc hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm là ưu tiên hàng đầu; hiện vận hành 6 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo(SSBN), 6 tàu ngầm hạt nhân tấn công (SSN), 46 tàu ngầm diesel tấn công (SS). Họ sử dụng đồng thời 2 loại SSBN Type 094 và Type 096, đến năm 2030 có thể có 8 SSBN.
Theo Giáo sư Tồn: “Xây dựng cơ chế kiểm soát rủi ro với Mỹ là việc rất cấp thiết. Xung đột an ninh - quân sự hoàn toàn khác biệt với xung đột kinh tế - thương mại. Trung Quốc và Mỹ đều là cường quốc hạt nhân, hoạt động trên không và trên biển diễn ra thường xuyên cùng với việc 2 bên triển khai lực lượng sẽ tạo ra nhiều nguy cơ xung đột nếu không có cơ chế kiểm soát”.
Ông cho biết Mỹ - Trung có hợp tác về quốc phòng nhưng biện pháp xây dựng lòng tin giữa hai bên còn ít, hơn nữa Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm cách duy trì lợi thế hàng hải chiến lược của mình sau khi Aukus được thành lập. Kết quả là một cuộc chạy đua vũ trang diễn ra.