Đổi mới sáng tạo là chìa khóa tăng trưởng, giải pháp phục hồi sau đại dịch
Kinh tế số - Ngày đăng : 11:24, 06/11/2021
Đổi mới sáng tạo là động lực tăng trưởng mới
Ứng phó với đại dịch COVID-19 và hậu quả của nó là một trong những thách thức lớn đối với doanh nghiệp cũng như các quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Để phục hồi nền kinh tế, Việt Nam sẽ cần những động lực mới cho tăng trưởng, thì khoa học - công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa.
Tại Việt Nam, việc đẩy mạnh KH-CN, đổi mới sáng tạo còn là nền tảng cơ bản trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng tăng trưởng để đạt được mục tiêu trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045.
Theo các chuyên gia, nghiên cứu và phát triển (R&D) cùng với đổi mới sáng tạo chính là quân át chủ bài quyết định sự thành công của một quốc gia trong cuộc quan hệ kinh tế với khu vực và thế giới.
Trong những năm qua, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận. Trong năm 2020, trên bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 42/131 nền kinh tế, giữ nguyên thứ hạng so với năm 2019, và tăng 3 hạng so với năm 2018 (thứ hạng trong các năm 2018 và 2019 lần lượt là 45/126 và 42/129).
Tuy nhiên, hiện nay năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng đang ở mức thấp hơn so với kỳ vọng. Tỷ lệ các doanh nghiệp đạt đến ranh giới công nghệ cao chưa cao, độ phủ sóng và cường độ sử dụng công nghệ mới trong sản xuất còn nhiều hạn chế.
Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng và dịch vụ thuộc nhóm công nghệ cao; khả năng học hỏi và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo còn thấp hơn so với kỳ vọng. Mặc dù số đơn đăng ký bằng sáng chế của Việt Nam đã tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2007-2017 nhưng có đến gần 90% chủ thể sở hữu các bằng sáng chế này là các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Để đổi mới sáng tạo thực sự là chìa khóa phát triển đất nước, theo các chuyên gia cần tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo; chấp nhận rủi ro, độ trễ trong khoa học, dỡ bỏ các rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động KH-CN.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, ông Phan Tùng, Co-Founder (nhà đồng sáng lập) Moon Knight Labs cho rằng đổi mới sáng tạo là tiền đề cho sự đột phá. Có đột phá mới có thành công vượt bậc. Việc đổi mới sáng tạo gần như bắt buộc để tạo cú hích cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phục hồi sau đại dịch.
Ông Phan Tùng cho rằng khó khăn lớn nhất trong thực hiện đổi mới sáng tạo là con người.
“Liệu người đứng đầu doanh nghiệp có đủ can đảm để mạo hiểm tiến thêm một bước hay muốn giữ công thức an toàn đã được chứng minh? Tiếp theo đó, doanh nghiệp có tận dụng được khả năng của nhân sự đang có hay không? Ý tưởng đột phá cần đến từ sức mạnh tập thể, không chỉ của cá nhân. Vận dụng được sức mạnh tập thể của nhân lực, doanh nghiệp sẽ phát triển”, ông Tùng nói.
Cơ chế phải thoáng, mở, sáng tạo
Ông Phan Tùng cũng cho rằng ở Việt Nam các chính sách thực tế chưa mang tính chất phát triển đổi mới sáng tạo mà chỉ mới dừng lại ở tài trợ tiền, ưu đãi thuế. Nhiều chính sách thiếu linh hoạt của Việt Nam không những hạn chế công ty nội địa tạo ra những công nghệ, sản phẩm đột phá mà còn giúp các công ty hoạt động xuyên biên giới chiếm lĩnh thị trường, gián tiếp ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong nước.
Theo ông Tùng, muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bản thân chính sách, cơ chế cũng phải thoáng, mở và sáng tạo. Doanh nghiệp Việt cần những hỗ trợ đa dạng và linh hoạt hơn thay vì chính sách nhắm vào đối tượng thụ hưởng là các tập đoàn lớn.
Theo ông Tùng, cần thêm các chính sách hỗ trợ thúc đẩy các dịch vụ tư vấn doanh nghiệp (cố vấn, hỗ trợ khởi nghiệp, hỗ trợ kết nối với các đối tác, nhà đầu tư); cải cách hành chính tạo môi trường cho những doanh nghiệp với những ý tưởng, mô hình kinh doanh mới phát triển.
Ngoài ra, ông Tùng cũng cho rằng nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) cần sớm được ban hành để thúc đẩy phát triển chung của toàn lĩnh vực.
Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng cần kiến tạo thể chế theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, thúc đẩy phương thức quản lý mới đối với những mối quan hệ mới phát sinh.
Đồng thời, theo ông Cương, cần phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu và bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển nền tảng số mang tính thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số diễn ra một cách tự nhiên, khai mở giá trị mới…
“Để hỗ trợ phát triển kinh tế số, xã hội số, các mô hình kinh doanh mới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nền tảng thể chế cho các mô hình kinh doanh kinh tế số; phát triển hạ tầng kết nối, ví dụ phát triển dịch vụ internet di động 5G; xây dựng các cơ sở dữ liệu; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy hoạt động điều hành của cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp trên nền tảng số”, ông Nguyễn Hoa Cương lưu ý.
Cũng nêu về vấn đề này, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) thuộc Bộ KH-ĐT cho rằng Việt Nam cần có những hành động dứt khoát hơn, chú trọng hơn trong tăng cường đầu tư nguồn lực cho R&D, thúc đẩy nâng cao năng lực KH-CN.
Trước tiên, cần tăng cường nguồn lực cho R&D và đổi mới sáng tạo. Quá trình tăng cường đầu tư cho các hoạt động R&D cần được thực hiện quyết liệt hơn, tập trung hơn, đặc biệt hướng tới nhóm các ngành khoa học cơ bản; đồng thời cũng cần tăng cường và không ngừng điều chỉnh hệ thống đổi mới sáng tạo theo hướng nâng cao năng lực ứng dụng của các sáng kiến KH-CN.
Theo NCIF, do bản thân quá trình R&D và đổi mới sáng tạo là nghiên cứu khoa học kết hợp với ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, do đó mang tính tích luỹ cao, cần có sự tương tác qua lại giữa các đơn vị nghiên cứu và ứng dụng. Vì vậy, để có thể đạt hiệu quả cao nhất, cần phải đồng thời tăng cường mối liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp và cơ quan hoạch định chính sách để quá trình thực hiện đổi mới sáng tạo diễn ra nhanh, đạt tối đa.
Ở góc độ pháp lý, NCIF cho rằng cần chú trọng việc thiết lập và vận hành trơn tru hệ thống cơ sở pháp lý cho lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo cùng các thiết chế đi kèm như hệ thống sở hữu trí tuệ, đăng ký bằng sáng chế…
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”