Dịch COVID-19 tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 19:14, 06/11/2021

Các thành viên Chính phủ cho rằng dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro.

Chiều 6.11, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo thường kỳ tháng 10 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, với quan điểm đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục hoàn thiện chiến lược tổng thể phòng chống dịch bệnh, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền; kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề chưa phù hợp, bảo đảm sự lãnh đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt.

Theo đó, các địa phương tiếp tục chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với dịch bệnh; tăng cường khả năng thu dung, điều trị; tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm, cách ly y tế, điều trị trên địa bàn; chủ động, thường xuyên cập nhật cấp độ dịch.

Song song với đó, triển khai tốt 3 trụ cột trong công tác phòng chống dịch: (1) Cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất; có mục tiêu và lộ trình để có giải pháp phù hợp, hiệu quả; (2) Xét nghiệm thần tốc, bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm; (3) Điều trị tích cực từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu thực hiện hiệu quả phương châm 5K + vắc xin + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân cộng với các biện pháp cần thiết khác.

tvs.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn

Thủ tướng cũng yêu cầu việc mua sắm, sử dụng trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm xét nghiệm, thuốc, vắc xin... cần bám sát nhu cầu thực tiễn; thực hiện nghiêm các quy định, bảo đảm công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực; rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phòng chống dịch, thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư...

Về tình hình kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ cho rằng nhờ kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế từng bước mở cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần ổn định trong trạng thái bình thường mới, kinh tế - xã hội tháng 10 đã khởi sắc hơn so với tháng 9.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực thì dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro và sức ép lạm pháp do nhiều mặt hàng tăng mạnh trên thị trường quốc tế và chỉ số lạm pháp ở nhiều nước tăng mạnh; một số chuỗi sản xuất, lao động chưa phục hồi; đời sống một bộ phận nhân dân gặp khó khăn, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát...

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; giám sát chặt chẽ nợ xấu; cơ cấu lại nợ và có giải pháp tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có khả năng lan tỏa về tăng trưởng.

Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; khai thông, phát triển mạnh thị trường trong nước; quản lý, điều hành linh hoạt, hiệu quả về giá các mặt hàng thiết yếu; từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với áp dụng hộ chiếu vắc xin, tạo điều kiện khôi phục thị trường du lịch.

Thủ tướng cũng chỉ đạo phải thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; có giải pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là tại các khu vực sản xuất trọng điểm; rà soát các vướng mắc về thể chế, pháp luật để kịp thời tháo gỡ; thực hiện hiệu quả việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Lam Thanh