Bộ GTVT không đồng thuận việc nhập 37 toa tàu cũ của Nhật Bản

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 20:49, 06/11/2021

Trả lời báo chí về việc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) xin nhập 37 toa tàu cũ của Nhật Bản, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông cho biết quan điểm Bộ GTVT là không đồng thuận việc này

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6.11, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết từ tháng 10.2021, VNR có các văn bản đề nghị các cơ quan liên quan như Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Bộ GTVT về việc nhập 37 toa xe do Tổng công ty Đường sắt Đông Nhật Bản tặng. Các toa xe này sản xuất từ năm 1979 đến năm 1982, loại tự hành diesel. Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ ngành và trong vài ngày nữa sẽ có văn bản báo cáo.

“Chúng tôi nghiêm túc xem xét các yếu tố như điều kiện doanh nghiệp gặp khó khăn, cần có thêm phương tiện hoạt động… Tuy nhiên, phải căn cứ quy định pháp luật. Cụ thể, Điều 32 Luật Đường sắt có quy định: “Phương tiện giao thông đường sắt trong quá trình khai thác sử dụng phải bảo đảm còn niên hạn sử dụng theo quy định của Chính phủ và được tổ chức đăng kiểm Việt Nam định kỳ kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông đường sắt”, ông Đông nói.

Ngoài ra, Nghị định 65/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đường sắt, Điều 8 có quy định: “Đối với phương tiện giao thông đường sắt nhập khẩu đã qua sử dụng: Chỉ được nhập khẩu phương tiện đã qua sử dụng không quá 10 năm đối với toa xe chở khách, đầu máy, toa xe đường sắt đô thị và không quá 15 năm đối với toa xe chở hàng.”

Theo ông Đông, trường hợp trên, toa sản xuất năm 1979-1982 tuổi thọ cỡ 39 đến 42 năm không đáp ứng yêu cầu quy định pháp luật. Toa tàu của Nhật Bản phù hợp với khổ đường sắt là 1,067m, trong khi khổ đường sắt của ta là 1m, nếu muốn dùng phải hoán cải lại, chi phí dự kiến nếu làm hết khoảng 140 tỉ.

“Việt Nam có một số cơ sở đóng mới toa xe ở Hà Nội, Bình Dương, TP.HCM có thể làm, do đó, cần tạo điều kiện phát triển công nghiệp đường sắt. Quan điểm Bộ GTVT là không đồng thuận việc này”, ông Đông nêu.

dong.jpg
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông  - Ảnh: VGP

Trước đó, trả lời phóng viên Một Thế Giới về vấn đề này, chuyên gia công nghệ giao thông Nguyễn Minh Đồng (Việt kiều Đức – người sở hữu trên 20 bằng phát minh về ô tô và công nghệ chế tạo máy) cho rằng VNR muốn dùng những toa xe đã qua 40 năm sử dụng ở Nhật đem về Việt Nam là sai lầm.

Lý giải cho nhận định này, ông Đồng cho biết bất cứ sản phẩm nào cũng có tuổi thọ, mặc dù được vận hành và bảo trì tốt cũng vậy.

Một lý do quan trọng hơn, theo ông Đồng, toa xe được cho không, biếu không nhưng những linh kiện sẽ được bán vì Việt Nam không sản xuất được. Rồi chi phí của mỗi toa xe đưa vào vận hành là bao nhiêu? Tuổi thọ của mỗi toa được chắp vá là bao nhiêu?

Ông Đồng nhấn mạnh: “Nếu Việt Nam muốn chơi đồ cổ thì nên đem về làm quán cà phê trong khuôn viên Bảo tàng kỹ thuật”.

Theo chuyên gia này, hiện Indonesia, Thái Lan họ đã sản xuất được bằng cách hợp tác với các doanh nghiệp của Đức. Ngành công nghệ đường sắt của Trung Quốc đã phát triển từ công nghệ đường sắt của Đức bằng phương án mua bản quyền và hợp tác với những công ty đường sắt ở Đức. Việt Nam có thể đi theo hướng này để phát triển ngành tàu hỏa.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cũng cho rằng nên kiểm định các toa tàu này, nếu chất lượng vẫn tốt, vẫn đảm bảo an toàn và phù hợp tài chính thì có thể nhập được. Việc hoán cải khổ đường ray không có gì phức tạp.

Tuy nhiên, ông Thịnh cho biết một vấn đề quan trọng là chi phí của việc chuyển đổi các toa tàu cũ, bởi đây là những toa xe tự hành. Các toa xe tự hành sẽ có thêm một hệ bộ phận nào đó đi kèm để các toa xe này mới có thể chạy được (ví dụ như máy tích trữ điện hay là phải có đường đây diện chạy theo đường ray tàu). Nếu chỉ cần máy tích điện thì có thể nhập, nhưng nếu toa tàu có đường dây điện chạy theo đường tàu thì chi phí rất tốn kém, không nên nhập.

Ông Thịnh cũng cho rằng cần làm rõ vấn đề chi phí, không ước chừng, vì tàu không mất tiền mua nhưng tiền vận chuyển, sửa chữa, hoán cải… cũng tốn nhiều chi phí. Ngoài ra, còn phải tính toán đến tính hiệu quả, vận hành sau bao nhiêu năm thì thu hồi được vốn bỏ ra, sinh lời…

“Nếu đảm bảo được độ an toàn, phù hợp với điều kiện của Việt Nam, hoán cải tốt, làm rõ được vấn đề chi phí thì cũng có thể nhập về được”, ông Thịnh nói.

Lam Thanh