Đằng sau việc tăng số ca chết do COVID-19 ở Singapore dù 86% dân tiêm 2 mũi
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:21, 07/11/2021
Nói về cái chết không bao giờ là dễ dàng. Mỗi cái chết có nghĩa là sự ra đi của một người thân yêu - cha, mẹ, anh, chị em, người thân hoặc bạn bè.
Tuy nhiên, khi Singapore đang chuyển sang coi COVID-19 như căn bệnh đặc hữu thì cần phải nói chuyện thẳng thắn về những trường hợp tử vong do căn bệnh này.
Bài viết của Giáo sư Teo Yik Ying, Trưởng khoa Y tế công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore, hôm 13.8 trên tờ The Straits Times đưa ra khả năng rằng khi Singapore mở cửa giống Mỹ, Israel, Anh và nhiều nước châu Âu đã làm, số người chết ở đây sẽ tăng lên, đặc biệt là trong số chưa được tiêm vắc xin, như từng diễn ra ở những nơi khác.
Kể từ đó, tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ trên toàn quốc đã tăng lên 86%. Tỷ lệ tiêm vắc xin ở người cao tuổi cũng tăng lên đáng kể. Qua đó, Singapore trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm vắc xin COVID-19 cao nhất trên thế giới.
Singapore đã triển khai tiêm vắc xin mũi thứ ba, tăng cường khả năng chống lại COVID-19 nặng ít nhất 10 lần, ngoài khả năng bảo vệ được cung cấp bởi mũi ban đầu.
Những bước này đã giúp ngăn chặn nhiều trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2 và tử vong. Singapore là một trong những nơi có tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp nhất trên thế giới.
Các nhà chức trách tiếp tục làm hết sức mình để bảo vệ cuộc sống và sinh kế, ngăn chặn những cái chết không đáng có bằng cách thực hiện một cách tiếp cận thận trọng và hiệu chỉnh để mở cửa lại nền kinh tế.
Dù vậy, trong 4 tuần qua, Singapore đã chứng kiến cái chết của khoảng 300 người do nhiễm vi rút SARS-COV-2. Đương nhiên việc này làm dấy lên mối lo ngại.
Cần phải giải quyết những mối quan tâm này một cách thẳng thắn, với những dữ liệu và sự kiện mà nhiều người có thể không biết.
Giáo sư Teo Yik Ying và Giáo sư Vernon Lee (Giám đốc cấp cao của Phòng Các bệnh Truyền nhiễm, Bộ Y tế Singapore) bắt đầu với lời giải thích về các trường hợp tử vong do COVID-19 được báo cáo.
Biểu đồ 1 cho thấy tỷ lệ tử vong trong 5 năm qua, bao gồm cả năm ngoái và năm nay (tính đến cuối tháng 9.2021 và ngoại suy cho cả năm nay). Tỷ lệ tử vong được chuẩn hóa theo độ tuổi - có nghĩa là loại bỏ tác động của già hóa dân số từ năm này sang năm khác.
Đáng chú ý, tỷ lệ tử vong vẫn ổn định trong suốt giai đoạn này, bao gồm cả 22 tháng của COVID-19. Trải nghiệm của người dân Singapore hoàn toàn trái ngược nhiều quốc gia khác, nơi tỷ lệ tử vong tăng vọt vào năm ngoái và năm nay khi COVID-19 áp đảo hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ. Tỷ lệ tử vong ở Singapore năm nay thấp hơn so với 2016, 2017 và 2018 - tất cả những năm không có COVID-19 - và chỉ cao hơn một chút so với 2019.
Nếu chia nhỏ con số tổng thể, có 5 nguyên nhân gây tử vong chiếm 78% tổng số ca chết ở đây. 3 nguyên nhân nổi bật là bệnh tim thiếu máu cục bộ, viêm phổi và ung thư. Đặc biệt, số ca chết do thiếu máu cơ tim tăng nhẹ trong năm nay và 2020, nhưng tử vong do viêm phổi lại giảm đáng kể.
Cả hai xu hướng cần được giải thích.
Tại sao số tử vong do bệnh tim thiếu máu cục bộ lại tăng lên trong 2020 và năm nay, như trong biểu đồ 2?
Sự gia tăng không có ý nghĩa thống kê, nhưng có một hiện tượng được ghi nhận rõ ràng trong dịch tễ học được gọi là "sự dịch chuyển tử vong".
Điều này thường xảy ra trong các cuộc khủng hoảng như dịch bệnh, đói kém và chiến tranh. Những cú sốc này ảnh hưởng đến những người bị bệnh và đã yếu, đặc biệt là những người rất già, qua đó đẩy nhanh một số trường hợp tử vong và tạo ra sự dịch chuyển tạm thời về tỷ lệ chết.
COVID-19 có thể làm điều này với những người bị bệnh nền nghiêm trọng. Nói cách khác, COVID-19 có thể đã làm trầm trọng thêm các bệnh hiện có của những người này, từ đó có thể dẫn đến trụy tim và tử vong.
Tại sao tử vong do viêm phổi lại giảm trong năm ngoái và năm nay (biểu đồ 3)?
Điều đó có vẻ phản trực quan, đặc biệt là vì COVID-19 gây ra bệnh viêm phổi. Viêm phổi thường được coi là nguyên nhân gây tử vong vì đây là tình trạng bệnh lý cuối cùng dẫn đến tử vong.
Để minh họa: Một người có thể gặp tình trạng đe dọa tính mạng nếu mắc bệnh tiểu đường hoặc tăng huyết áp. Khi người này sau đó nhiễm vi rút hoặc vi khuẩn làm suy yếu phổi, dẫn đến suy hô hấp và tử vong, nguyên nhân tử vong sẽ được báo cáo là viêm phổi chứ không phải bệnh tiểu đường hoặc tăng huyết áp.
Số ca tử vong do viêm phổi giảm mạnh rất có thể đến từ nhiều biện pháp y tế công cộng được triển khai trong thời kỳ đại dịch - khẩu trang, vệ sinh cá nhân tốt hơn và giãn cách an toàn.
Những biện pháp này đã làm giảm đáng kể không chỉ bệnh viêm phổi do vi rút và vi khuẩn mà còn cả các bệnh đường hô hấp đặc hữu, lây truyền cao khác như cúm, cùng viêm phổi, đã giết chết hơn 4.000 người hàng năm ở Singapore.
Các bệnh viện Singapore đang báo cáo số ca nhập viện thấp nhất mọi thời đại do cúm. Nhiều người trong chúng ta cũng nhận thấy rằng mình ít bị cảm lạnh hơn.
Vì vậy, trong khi COVID-19 dẫn đến nhiều ca tử vong liên quan đến viêm phổi hơn, điều này đã được bù đắp bằng việc giảm mạnh các bệnh nhiễm trùng phổi do vi khuẩn và vi rút khác không phải COVID-19.
So sánh với bệnh cúm
Chúng ta không thể nhìn vào tác động của COVID-19 với những cái chết, mà phải nhìn một cách tổng thể, như một trong nhiều nguyên nhân gây tử vong.
Bất chấp số ca tử vong do COVID-19 có vẻ cao và thậm chí đáng báo động trong tháng qua, Singapore vẫn đi ngược xu hướng trên toàn thế giới, không có sự gia tăng đáng kể nào về số ca chết tổng thể trong 2020 và năm nay.
Singapore vẫn là một trong những nước có tỷ lệ tử vong do COVID-19 thấp nhất.
Trên thực tế, dữ liệu địa phương cho thấy ai đó được tiêm vắc xin COVID-19 đầy đủ ít có nguy cơ tử vong do COVID-19 hơn cúm, một căn bệnh đặc hữu.
Ví dụ, trong số các ca tử vong do COVID-19 xảy ra cho đến ngày 15.10 trong các trường hợp được phát hiện vào tháng 9, tỷ lệ tử vong của những người chưa được tiêm vắc xin đầy đủ cao gấp 5 lần so với bệnh cúm.
Tuy nhiên, với những người được tiêm vắc xin đầy đủ, tỷ lệ tử vong do COVID-19 chỉ bằng một nửa so với bệnh cúm (biểu đồ 4).
Đó là lý do tại sao COVID-19 hiện được mô tả là "đại dịch của những người chưa được tiêm vắc xin".
Sống với vi rút SARS-CoV-2
Khi Singapore chuyển sang giai đoạn đặc hữu COVID-19, số ca tử vong do vi rút này sẽ tăng lên. Ở trạng thái ổn định, khi có thể sống bình thường với vi rút SARS-CoV-2, Singapore có thể thấy khoảng 2.000 ca tử vong liên quan đến bệnh này mỗi năm, giống như có khoảng 800 ca chết do cúm mỗi năm và hơn 4.000 ca do viêm phổi. Điều này ngăn cản các biến thể SARS-CoV-2 mới và nguy hiểm hơn.
Các nhân viên y tế của Singapore sẽ cố hết sức để chăm sóc cho các bệnh nhân COVID-19 bị bệnh nặng và đưa họ đến con đường hồi phục. Ngoài ra còn có một số điều người dân nên làm để bảo vệ bản thân nhiều nhất có thể.
Tiêm vắc xin, bao gồm cả liều tăng cường, sẽ làm giảm tốc độ lây truyền vi rút SARS-CoV-2, giúp nhiều người tránh được bệnh nặng và tử vong khi mắc COVID-19.
Bằng cách sống một lối sống lành mạnh và ngăn ngừa các bệnh mãn tính, người dân sẽ ít bị bệnh nặng hơn nếu COVID-19 tấn công.
Bằng cách đeo khẩu trang và thực hành vệ sinh cá nhân tốt, người dân sẽ giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh ngay từ đầu, không chỉ do COVID-19 mà còn các bệnh do vi rút và vi khuẩn khác.
Chính vì cái chết là một vấn đề cá nhân và quan trọng, chúng ta tin rằng điều quan trọng là phải hiểu các trường hợp tử vong được báo cáo hàng năm ở Singapore, nhận ra cả cách ngăn chặn kịp thời những cái chết lẫn khi chúng trở nên không thể tránh khỏi.
Tỷ lệ tử vong tổng thể ở Singapore không phải tăng lên vì COVID-19. Đây là một trong những lý do chính khiến Singapore tin rằng hoàn toàn có thể sống chung với vi rút SARS-CoV-2, nhưng tất cả người dân phải làm phần việc của mình.
Đến nay, Singapore ghi nhận 215.780 ca mắc COVID-19 với 480 người chết và 189.123 trường hợp khỏi bệnh.