Một số băn khoăn về Hà Nội trong chuyến chạy thử tàu điện Cát Linh - Hà Đông

Góc bình luận - Ngày đăng : 08:05, 08/11/2021

Trong chuyến chạy thử tàu điện Cát Linh - Hà Đông: Do mật độ hành khách đông, việc đảm bảo giãn cách vẫn chưa hẳn được tuân thủ nghiêm. Cùng với đó, nhiều người dân vẫn chưa có ý thức cao trong việc phòng chống dịch

Ngày 7.11, Fanpage của báo Nhân Dân (cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam) đã đưa thông tin rất đáng chú ý: "Hà Nội: Người dân chen chúc đi thử tàu điện Cát Linh - Hà Đông, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh".

chenchuc.jpg
Fanpage báo Nhân Dân lo ngại về nguy cơ lây lan dịch bệnh

Theo đó, tàu điện Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đi vào hoạt động thu hút sự quan tâm của người dân Hà Nội. Ngày 7.11, lượng khách tham gia thử nghiệm chuyến tàu Cát Linh - Hà Đông tăng nhiều lần so với ngày đầu tiên (6.11).

Kèm theo đó là những hình ảnh không thể nào hiểu được cho công tác tổ chức chạy thử. Cả một dòng người xếp hàng dài chen chúc chờ đến lượt lên tàu điện cho biết cảm giác lần đầu đi tàu điện trên không là như thế nào.

Đó là bên ngoài tàu, còn bên trong tàu thì sao? Theo ghi nhận của phóng viên báo Quân đội nhân dân điện tử (cơ quan ngôn luận của Quân ủy trung ương và Bộ Quốc phòng), "trong ngày đầu tiên tuyến đường sắt đô thị đi vào hoạt động đã có rất đông người dân tham gia trải nghiệm dịch vụ giao thông mới của thủ đô. Do mật độ hành khách đông, việc đảm bảo giãn cách vẫn chưa hẳn được tuân thủ nghiêm. Cùng với đó, nhiều người dân vẫn chưa có ý thức cao trong việc phòng chống dịch". Kèm theo đó, báo QĐND đưa tấm hình cho thấy quy định về giãn cách theo tinh thần 5K trên tàu khó được đảm bảo khi mọi người ngồi sát với nhau.

chenchuc2.jpg
Ghi nhận của báo QĐND

Báo QĐND cũng dẫn lời PGS-TS Nguyễn Huy Nga cho biết: “Khi được tiêm vắc xin, người bệnh thường ít có triệu chứng nên rất khó xác định những người dương tính với SARS-CoV-2.

Chính vì vậy, việc tập trung đông người sẽ dễ lây lan dịch bệnh và khó khăn trong công tác truy vết. Những người thường xuyên đến nơi tập trung đông người phải tuân thủ việc khai báo y tế và theo dõi sức khỏe bản thân. Đặc biệt tuân thủ việc quét mã QR khi đến các ga tàu đường sắt đô thị”.

Ông Nga khuyến cáo, đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 15 ngày đi miễn phí nên người dân không phải vội vàng, chen chúc đi thử để rồi dễ lây lan dịch COVID-19. Đặc biệt là những người chưa tiêm vắc xin, người già, trẻ em, người có bệnh nền.

suckhoe.jpeg

Một hình ảnh khác trên báo Sức khỏe đời sống (cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế) cho thấy trong toa xe có nhiều người, đến mức phải đứng sát nhau như đi trong xe buýt.

Và tối 7.11, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin "CDC Hà Nội đã phát đi thông báo khẩn tìm người đi trên chuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông ngày 6.11 do có liên quan ca nhiễm mới".

Ngay sau đó, ông Trương Quang Việt, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết đây là thông tin không chính xác. "Tới thời điểm hiện tại, chúng tôi không hề phát đi thông báo tìm người đi trên chuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông như thông tin lan truyền trên mạng.

Cũng may đây là tin đồn trên mạng nhưng nhỡ có F0 lọt trong số gần 40.000 người đi tàu trong ngày chạy thử miễn phí đầu tiên thì không biết Hà Nội có phương án xử lý sao?

Trên đây chỉ là thông tin phản ánh, còn vấn đề chúng tôi đặt ra là tại sao lại để tàu chạy với số người cao như vậy trong khi Hà Nội vẫn ngày đêm tiến hành truy vết dịch tễ. Hôm qua, ngày 7.11, Sở Y tế Hà Nội cho biết trong ngày trên địa bàn thành phố ghi nhận 81 ca dương tính, trong đó có 45 ca tại cộng đồng, 30 ca tại khu cách ly và 6 ca tại khu phong tỏa. Đáng chú ý, trong ngày thành phố ghi nhận thêm 2 ổ dịch mới là: Kho hàng Shopee, khu công nghiệp Đài Tư, và ổ dịch đường Trần Duy Hưng. Các bệnh nhân này phân bố tại 21/30 quận huyện: Thanh Xuân (11), Hà Đông (11), Long Biên (8), Ba Đình (7), Đông Anh (5), Mê Linh (5), Nam Từ Liêm (4), Đống Đa (4), Gia Lâm (4), Hoàng Mai (3), Quốc Oai (3), Tây Hồ (2), Đan Phượng (2), Bắc Từ Liêm (2), Cầu Giấy (2), Hai Bà Trưng (2), Hoàn Kiếm (2), Phúc Thọ (1), Thanh Trì (1), Mỹ Đức (1), Chương Mỹ (1). Xin chú ý là Hà Đông có 11 ca và Đống Đa có 4 ca là nơi đặt ga đầu và ga cuối của tuyến xe điện.

Và nếu tại Hà Nội, trong số người dân xếp hàng chen chúc ở cự ly gần cũng như ngồi sát nhau trong toa kín như vậy mà vẫn thấy ổn thì hà cớ gì lại phải hạn chế số người vào sân Mỹ Đình có sức chứa 40.000 khán giả (tương đương số người đi thử tàu điện ngày đầu) trong khi ở ngoài trời thì khả năng lây nhiễm không thể cao bằng trong các toa tàu.

Theo báo Tin tức (TTXVN), dự kiến sẽ có 12.000 cổ động viên tới sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) theo dõi và cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam trong trận đấu gặp tuyển Nhật Bản (vào 19 giờ ngày 11.11) và tuyển Ả Rập Saudi (vào 19 giờ ngày 16.11) thuộc vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022 khu vực châu Á.

Để đảm bảo yêu cầu phòng chống COVID-19, một trong những quy định từ Ban tổ chức là khán giả phải có giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong thời gian tối đa 72 giờ trước khi trận đấu diễn ra. Tham khảo mức giá test nhanh COVID-19 của MEDLATEC thông thường là 150.000 đồng. Để có thể thực hiện xét nghiệm test nhanh COVID-19 tại MEDLATEC theo mức giá ưu đãi 100.000 đồng/người, cổ động viên cần xuất trình vé xem hai trận đấu và giấy tờ tùy thân.

Không biết người lên tàu Cát Linh - Hà Đông có được hỗ trợ xét nghiệm với giá ưu đãi để đảm bảo âm tính hay không? Tại sao Mỹ Đình thoáng lại làm chặt, trong khi trong tàu chật chội mà lại thả lỏng cho quá nhiều người xuất hiện? Đó là những băn khoăn.

Nhìn cảnh hàng người vào ga tàu Cát Linh - Hà Đông, cảm thấy người Hà Nội có vẻ sẵn sàng quay lại cuộc sống như trước, nhưng nhìn vào Mỹ Đình lại là sự thận trọng, chấp nhận tốn kém của Hà Nội.

Vậy đâu là nhịp sống thật sự ở Hà Nội?

Anh Tú