Trung Quốc sắp có ‘nghị quyết lịch sử’ dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình

Quốc tế - Ngày đăng : 11:14, 08/11/2021

Trong lịch sử đảng Cộng sản Trung Quốc (CCP) chỉ mới có 2 nhân vật từng ban hành văn kiện quan trọng được xem như “nghị quyết lịch sử”. Chủ tịch Tập Cận Bình có thể trở thành người thứ 3.

Tại hội nghị toàn thể lần 6 của Ban Chấp hành trung ương CCP (diễn ra từ 8 - 11.11), văn kiện mang tên “Nghị quyết về kinh nghiệm lịch sử và thành tựu qua 100 năm phấn đấu của đảng” là nội dung chính cần xem xét và bỏ phiếu thông qua bởi hơn 300 ủy viên chính thức lẫn dự khuyết.

Trước đây có 2 văn kiện được xem như nghị quyết lịch sử, là “Nghị quyết về những vấn đề mang tính lịch sử” của Mao Trạch Đông và “Nghị quyết về những vấn đề mang tính lịch sử của đảng từ khi lập quốc đến nay” của Đặng Tiểu Bình.

Tiến sĩ Dương Đại Lợi thuộc Đại học Chicago (Mỹ) cho biết: “Loại văn kiện này gần như đã trở thành “hiến pháp sống” đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị Trung Quốc”.

Theo giới thiệu vào cuối tháng 10, “Nghị quyết về kinh nghiệm lịch sử và thành tựu qua 100 năm phấn đấu của đảng” chủ yếu tổng kết kinh nghiệm cùng thành tựu CCP đạt được nhằm mục đích nâng cao nhận thức chính trị, nhận thức tình hình chung cũng như nhận thức về đường lối; củng cố lòng tin với đường lối, lý luận, chế độ, văn hóa; gia tăng quyết tâm giữ vững vị trí lãnh đạo tập trung thống nhất của đảng, vai trò hạt nhân của Tổng bí thư Tập Cận Bình, đảm bảo toàn đảng đồng lòng tiến lên.

rrxijinping0611.jpg
Ông Tập là nhân vật lãnh đạo CCP thứ 3 soạn thảo nghị quyết lịch sử - Ảnh: Reuters

Giới quan sát nhận định nghị quyết của ông Tập sẽ không có sức ảnh hưởng lớn như 2 nghị quyết lịch sử trước vì nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, 2 nghị quyết trước ban hành trong bối cảnh CCP cũng như Trung Quốc đối mặt với nhiều vấn đề tồn vong quyết định tương lai, như xác định đường lối, làm rõ vai trò lãnh đạo của CCP với quân đội, nhìn nhận sai lầm, khẳng định phải cải cách mở cửa… Nay loại vấn đề này không còn tồn tại nữa.

Thứ hai, kinh nghiệm cùng thành tựu CCP đạt được 100 năm qua đã nhiều lần được tổng kết, chủ yếu đề cập loạt chính sách ông Tập đưa ra.

Vì vậy, giới quan sát cho rằng “Nghị quyết về kinh nghiệm lịch sử và thành tựu qua 100 năm phấn đấu của đảng” sẽ mang giọng điệu khiêm tốn hơn, thiên về tái khẳng định quyền lực cùng chính sách của ông Tập.

Giáo sư Cố Tiêu thuộc Đại học Nam Kinh cho rằng: “Hội nghị lần này dường như để nhìn lại sự điều hành của CCP trong lịch sử và mở đường cho sự lãnh đạo cùng đường lối chính sách tương lai. Ca ngợi thành tích của nhà lãnh đạo hiện tại cũng là điều cần làm”. Ông nghĩ nghị quyết lịch sử sắp thông qua không nhìn nhận sai lầm hay đề ra thay đổi chính sách lớn.

Giáo sư Ngô Quốc Quang cho biết sở dĩ nghị quyết lịch sử có sức nặng to lớn là vì soạn thảo một văn kiện như vậy là quá trình xây dựng đồng thuận trong đội ngũ cấp cao CCP. Cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình từng tham khảo ý kiến hơn 4.000 cán bộ về nghị quyết mình đưa ra, ông Tập cũng đang làm điều tương tự.

Đạt được ủng hộ dành cho “Nghị quyết về kinh nghiệm lịch sử và thành tựu qua 100 năm phấn đấu của đảng” sẽ là dấu hiệu thuyết phục nhất cho thấy ông Tập có cơ sở quyền lực đủ vững chắc để tiếp tục cầm quyền.

Cẩm Bình