Khởi nghiệp công nghệ đang là những hạt nhân tiên phong phát triển
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:55, 08/11/2021
Phát triển sôi động
Tại Hội nghị “Startup với thành phố thông minh” nằm trong khuôn khổ Techfest Vietnam 2021, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng đánh giá, những năm gần đây, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam có bước phát triển sôi động.
Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội tại Việt Nam trong bối cảnh bùng nổ của cuộc CMCN lần thứ 4 đã thúc đẩy mạnh mẽ và lan tỏa sâu rộng tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong mọi ngành nghề và lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội tại Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, hành lang thông thoáng, cởi mở nhằm kiến tạo hệ sinh thái cho khởi nghiệp sáng tạo. Việc Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển đô thị thông minh, cùng với chuyển đổi số quốc gia chính là một cơ hội tốt cho khởi nghiệp sáng tạo công nghệ, đặc biệt là công nghệ số tại Việt Nam.
Hiện Việt Nam hiện có hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 202 khu làm việc chung, 79 vườn ươm doanh nghiệp và 38 tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
Số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm coi Việt Nam là thị trường mục tiêu hoặc có hoạt động tại Việt Nam hiện nay là 210 quỹ. Trong đó, 37 quỹ có pháp nhân Việt Nam. Các con số này liên tục tăng trong những năm qua, thể hiện sự tham gia tích cực của hệ sinh thái.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, việc xây dựng một chương trình trao đổi giao lưu ở tầm quốc gia giữa các chủ thể hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam với các hệ sinh thái trong khu vực một cách bài bản, thường xuyên cả tại Việt Nam và ở nước ngoài là cơ hội để Việt Nam quảng bá hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.
Điều này nhằm thu hút những startup tới Việt Nam khởi nghiệp, thu hút các nhà đầu tư, các chuyên gia tới Việt Nam, tạo thị trường tốt cho các startup Việt Nam.
"Trên hết, những điều này đóng góp vào việc hoàn thiện một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam cạnh tranh nhất trong khu vực Đông Nam Á, vươn lên là Trung tâm khởi nghiệp hàng đầu của cả Châu Á", Thứ trưởng Tùng nhấn manh.
Cơ hội nằm trong thách thức
COVID-19 bùng phát trong gần 2 năm qua đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình xây dựng, phát triển thành phố thông minh với nhiều bài toán về thu thập, quản lý dữ liệu, giải pháp cho phòng chống dịch, quy hoạch, vận hành, quản lý cho các tỉnh, thành phố đặc biệt trong giai đoạn phục hồi và phát triển.
Theo ông Phan Văn Hưng (CTO CEN Group, Trưởng làng Smart City và Proptech của Techfest Vietnam 2021), đại dịch COVID-19 chính là cơ hội nằm trong thách thức dành cho các startup biết nắm bắt và ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, giúp các công ty bất động sản trở thành những người dẫn đầu thị trường trong tương lai.
Cùng quan điểm, Thứ trưởng Tùng cũng cho biết cuộc CMCN lần thứ 4 vừa là cơ hội vừa là thách thức với Việt Nam. Những startup công nghệ tiên phong như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, Blockchain... đã, đang và sẽ có sự tác động rất lớn lên mỗi quốc gia. Robot và tự động hóa phát triển cũng đe dọa đến việc làm của người lao động.
Với mong muốn mang không gian sống thông minh, hiện đại đến gần hơn với mọi gia đình Việt, FPT Telecom chính thức hoàn thiện FPT Smart Home - giải pháp nhà thông minh điều khiển bằng giọng nói tiếng Việt đầu tiên của Việt Nam.
Ông Lê Trọng Đức (CEO FPT Smarthome, FPT Telecom) chia sẻ: “Chúng tôi đưa ra thị trường một giải pháp nhà thông minh khép kín hoàn toàn mới với tiêu chí dễ sử dụng, tích hợp công nghệ hiện đại, giúp gia tăng giá trị cho ngôi nhà, căn hộ và mang lại một không gian sống thông minh với chi phí hợp lý”.
Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp công nghệ đang là những hạt nhân tiên phong phát triển, thử nghiệm và ứng dụng công nghệ theo xu hướng quốc tế, kiến tạo nên môi trường kinh doanh và việc làm mới. Việc phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên công nghệ là quan trọng bởi khả năng phát triển bền vững và mở rộng mô hình.
Theo ông Dương Công Đức (Tập đoàn Viễn thông - Công nghệ Viettel), phát triển đô thị thông minh chính là cơ hội để vượt qua những khó khăn của đại dịch COVID-19.
Để xây dựng đô thị thông minh, ông Đức nêu rõ 3 giai đoạn, bao gồm xây dựng khung kiến trúc, chỉ số đo lường. Từ nay đến năm 2025 là giai đoạn vàng cho phát triển đô thị thông minh; từ năm 2025 – 2030 là giai đoạn xây dựng các đô thị thông minh trên toàn quốc.
Các chuyên gia nhận định các doanh nghiệp đang có nhiều cơ hội. Đầu tiên là kết hợp giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp khởi nghiệp; doanh nghiệp lớn sẽ giúp đầu tư về hạ tầng, nền tảng. Cơ hội thứ 2 là ở Việt Nam có rất nhiều các bài toán về quản lý, vận hành đô thị cần được giải quyết, đây là nguồn tài nguyên dồi dào cho các doanh nghiệp.
Chúng ta có cơ sở để tin rằng, trong thời gian tới, bên cạnh những chính sách hỗ trợ, hành lang thông thoáng, cởi mở, việc Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ phát triển đô thị thông minh, cùng với chuyển đổi số quốc gia chính là một cơ hội tốt cho khởi nghiệp sáng tạo công nghệ, đặc biệt là công nghệ số tại Việt Nam. Từ đó, thúc đẩy sự hồi phục và phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.
“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”