Bộ GD-ĐT kết hợp với Bộ Y tế lập 'Sổ tay phòng chống COVID-19' trong trường học
Sự kiện - Ngày đăng : 17:44, 08/11/2021
Chiều 8.11, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch an toàn trong các cơ sở giáo dục. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 xuất hiện và bùng phát ở hầu hết các tỉnh/TP đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế, an sinh xã hội, trong đó có ngành giáo dục.
Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ 27.4.2021 đến nay), tổng số ca F0 trong cán bộ, giáo viên, trẻ em, học sinh sinh viên là 47.497 trường hợp. Số ca F0 đang điều trị hiện nay là 14.745 người (cán bộ, giáo viên là 1.728 ; học sinh sinh viên là 13.017). Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở hầu hết các tỉnh thành, ngành giáo dục đã chủ động, linh hoạt chuyển đổi trạng thái hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, vừa thực hiện kế hoạch năm học, tiếp tục thực hiện đổi mới và kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo.
Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, tổ chức dạy học qua internet và trên truyền hình ứng phó với dịch COVID-19. Bộ cũng đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học chủ động tổ chức hoạt động dạy và học, kết thúc năm học và chuẩn bị cho công tác tuyển sinh trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Số ca nhiễm trong cộng đồng tiếp tục tăng ở một số địa phương. Các tỉnh thành có kế hoạch cho trẻ mầm non, học sinh đi học trực tiếp trở lại đã phải điều chỉnh kế hoạch; có trường phải dừng hoạt động dạy học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình do xuất hiện chùm ca bệnh lây nhiễm trong trường học (Phú Thọ, Thanh Hóa, Quảng Nam, Hà Tĩnh...).
Đề cập đến vấn đề đảm bảo phòng chống dịch trong các cơ sở giáo dục, Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục thể chất, Bộ GD-ĐT Nguyễn Nho Huy cho biết, căn cứ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về việc tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, nhiều địa phương đã xây dựng Kế hoạch, rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ để mở cửa dần trường học, đón học sinh quay trở lại học tập.
Tuy nhiên, ông Huy cho rằng dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số địa phương, trong đó có nguyên nhân lây lan từ những người trở về từ vùng dịch. Hiện đã xuất hiện một số ổ dịch lây lan trong trường học khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp dẫn đến một số địa phương phải chuyển đổi kế hoạch, chuyển sang dạy học trực tuyến tại một số địa bàn phát sinh dịch. Kế hoạch mở cửa trở lại ở các địa bàn vùng xanh phải điều chỉnh vì tỉnh/TP phát sinh nhiều ca nhiễm cộng đồng. Trong khi đó, tỷ lệ cán bộ, nhà giáo, nhân viên trường học được tiêm đủ liều vắc xin còn thấp (trung bình toàn quốc khoảng 62%).
“Một số địa phương còn băn khoăn khi chưa thống nhất thực hiện biện pháp đảm bảo giãn cách trong nhà trường; tổ chức các hoạt động tập thể trong nhà trường; tổ chức cho học sinh ăn bán trú, việc đeo khẩu trang của giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh khi thực hiện các hoạt động giáo dục trong nhà trường. Một số địa phương chưa thống nhất phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học dẫn đến việc phong tỏa, ngừng hoạt động giáo dục trực tiếp trên diện rộng, ảnh hưởng đến kế hoạch và chất lượng giáo dục” – ông Huy nói.
Thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với Bộ Y tế cập nhật, bổ sung hướng dẫn tại Sổ tay phòng chống COVID-19 trong trường học. Hướng dẫn cụ thể việc phối hợp triển khai chiến dịch tiêm vắc xin cho học sinh từ 12-17 tuổi; lập danh sách, phân loại, khám sàng lọc sức khỏe của học sinh và các biện pháp đảm bảo an toàn cho học sinh có bệnh nền không thể tiêm vắc xin khi đi học trở lại. Đồng thời, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, hướng dẫn các điều kiện đảm bảo an toàn cho học sinh khi tổ chức học trực tiếp, thống nhất với Bộ Y tế để đưa ra hướng dẫn về phương án, kịch bản xử lý khi phát hiện ca F0 trong trường học; việc đeo khẩu trang trong trường học/lớp học và khi tham gia các hoạt động giáo dục trong nhà trường đối với giáo viên/học sinh.