Sau 3 lần hoãn, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam đã được phóng thành công

Sự kiện - Ngày đăng : 08:20, 09/11/2021

Sáng 9.11, vệ tinh NanoDragon của Việt Nam đã được phóng lên vũ trụ vào sáng nay cùng với 8 vệ tinh khác tại Nhật Bản lúc 9h55 phút giờ địa phương (hay 7h55 giờ Việt Nam) tại bãi phóng Nhật Bản.

Trước đó, việc phóng vệ tinh đã 3 lần phải hoãn vì lý do thời tiết và yêu cầu kỹ thuật.

Ngày 1.10, JAXA đã phải hoãn vụ phóng do có sự cố kỹ thuật xảy ra ở thiết bị radar mặt đất có nhiệm vụ giám sát vị trí và tốc độ của Epsilon-5. Thiết bị này nằm gần bệ phóng của tên lửa. 

Ngày 7.10, việc phóng vệ tinh một lần nữa bị hoãn lại. JAXA cho biết nguyên nhân hoãn vụ phóng lần thứ hai là vì gió to.

Lịch phóng ngày 7.11 bị hoãn vì dự kiến ​điều kiện thời tiết không thuận lợi cho việc phóng tên lửa.

Lần phóng hôm nay cũng khá hồi hộp. Theo thông tin từ Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, phía Nhật Bản đã phải thả bóng bay để thử xem thời tiết để quyết định xem có phóng tên lửa hay không. Thời tiết sáng nay tại Nhật Bản khá nhiều mây. Do đó, sau một vài lần thông báo lùi giờ phóng thì đến 7h55 (giờ VN), "Rồng nhỏ của Việt Nam" đã được phóng lên vũ trụ.

NanoDragon là vệ tinh được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo 100% tại Việt Nam, do các nhà khoa học thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện. Vệ tinh là sản phẩm của Đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, phóng và vận hành thử nghiệm vệ tinh siêu nhỏ cỡ nano" thuộc "Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về công nghệ vũ trụ giai đoạn 2016 - 2020" do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì.

NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat lớp nano nặng 3,8 kg với kích thước tiêu chuẩn 3U (100 x 100 x 340,5 mm). Vệ tinh NanoDragon được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy sử dụng cho mục đích tránh bị va chạm hoặc kết hợp dữ liệu để theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.

Vệ tinh NanoDragon cũng được thiết kế để nhằm xác minh chất lượng của hệ thống điều khiển và xác định tư thế vệ tinh và một máy tính tiên tiến mới được phát triển riêng dành cho vệ tinh cỡ nhỏ.

A.T