ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Lỗi quy trình sao khó thay đổi vô cùng

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:22, 09/11/2021

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng những lỗi cá nhân chắc chắn phải trả giá, nhưng lỗi quy trình, lỗi hệ thống cho dù đã được chỉ ra nhưng sao thay đổi lại khó vô cùng.

Lô hàng cứu trợ TP.HCM về gần 1 tháng chưa lấy ra được

Thảo luận tại Quốc hội sáng 9.11, Đại biểu Thái Thu Xương (Hậu Giang) kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp căn cơ hơn trong công tác phòng chống dịch để đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, nền kinh tế nhanh chóng phục hồi.

Theo bà Thái Thu Xương, cần xây dựng chương trình tổng thể, công tác phòng chống dịch phải được chuẩn bị đủ nguồn lực kể cả về con người và vật chất, nhất là khâu điều trị. Đồng thời tăng cường tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm các giải pháp, khuyến cáo của ngành chức năng nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe, vừa đảm bảo đời sống, sản xuất của người dân; kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi.

Đại biểu của Hậu Giang cũng kiến nghị giảm bớt thủ tục hành chính, điều kiện hỗ trợ, nghiên cứu hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho các nhóm đối tượng là lao động tự do, vì ngân sách địa phương đã dành phần nhiều cho công tác phòng chống dịch; rà soát điều chỉnh các chính sách hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch, đảm bảo sức khỏe, động viên tinh thần hơn nữa lực lượng này.

Bà Thu Xương cũng đề nghị có biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em trước mắt và lâu dài như tiếp tục tiêm vắc xin cho trẻ em, trẻ vị thành niên. Quan tâm hỗ trợ trẻ bị mồ côi do cha mẹ mất vì dịch bệnh được phát triển toàn diện; tích cực trong nghiên cứu vắc xin thuốc điều trị, huy động y tế tư nhân tham gia chăm sóc bệnh nhân COVID-19.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu chia sẻ nhiều mất mát khi đợt dịch thứ tư bùng phát tại địa phương, làm hơn 400.000 người nhiễm và gần 17.000 người tử vong.

tbc-2.jpg
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Tô Thị Bích Châu

Theo bà Tô Thị Bích Châu, trong báo cáo phòng chống dịch năm 2021, về giải pháp để thực hiện mục tiêu nhiệm vụ chưa đề cập đến việc làm sao để thúc đẩy sự mạnh dạn, tự ý thức được vai trò của mỗi bộ ngành địa phương.

"Mỗi đơn vị, nhất là đơn vị tham mưu cần thấy được trách nhiệm của mình trong việc tham mưu cho Chính phủ thực hiện vai trò chỉ đạo, hướng dẫn chứ không phải khó thì về địa phương, dễ đúng quy định thì trung ương làm", bà Châu nêu.

Theo bà Châu, với địa phương khi cần xin ý kiến về các quy định trong trường hợp nước sôi lửa bỏng khi phòng chống dịch, những lúc cơ chế bảo vệ cho sự đột phá nói như Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, nhưng không phải cơ quan đơn vị nào cũng ý thức được điều đó.

Bà dẫn chứng câu chuyện lô hàng với hơn 22.000 lon sữa do đồng bào ta ở Australia ủng hộ cho trẻ em khó khăn trong đại dịch COVID-19 tại TP.HCM. MTTQ TP.HCM đã xin ý kiến Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) và Cục Thú y (Bộ NN-PTNT). Trong khi Cục Thú y chỉ trong 2 ngày trả lời đồng ý, thì Cục An toàn thực phẩm lại đề nghị TP.HCM hỏi Chính phủ.

“Chúng tôi gửi công văn đến Chính phủ thì cũng giao về cho Cục An toàn thực phẩm trả lời, vậy tại sao không tham mưu luôn, nêu chính kiến của mình và tham mưu cho Chính phủ một văn bản trả lời?”, bà Châu nói và cho rằng cách làm của Cục An toàn thực phẩm là đúng quy trình nhưng không đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Nếu không có gì thay đổi thì cuối năm cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ?"

Bà cũng đặt câu hỏi: “Lô hàng cứu trợ TP.HCM về gần 1 tháng chưa lấy ra được là lỗi do ai?” Từ đó, nữ đại biểu mong Chính phủ tạo ra cơ chế hành chính thực sự thông thoáng, quy được trách nhiệm của từng bộ, ngành và từng cán bộ trong việc tham mưu, để “không cần nhờ vả, quen biết mà việc vẫn chạy, có lợi cho người dân". Do đó, bà Châu cho biết rất cần sự phân cấp mạnh trong những tình huống như thế này.

Không cách ly đại trà, diện rộng

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) đề xuất các cơ quan cần tập trung rà soát lỗ hổng trong việc bảo vệ đối tượng nguy cao nếu bị COVID-19 tấn công như người già, người có bệnh nền, phụ nữ có thai; bảo vệ các cơ sở y tế, viện dưỡng lão để không trở thành ổ dịch; sớm tiêm đủ mũi 1 cho đại bộ phận dân số bởi khi tiêm mũi 1 cũng đã giảm tỷ lệ tử vong.

dbh.jpg
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu phát biểu

Ông Hiếu đề nghị triển khai ứng dụng tin học trong việc phát hiện, theo dõi, điều trị COVID trên toàn quốc. Theo đó, không để riêng một bộ xây dựng, tránh để xảy ra tình trạng cục bộ, "đầu voi đuôi chuột" như vừa qua.

“Nên lấy tiêu chí đơn giản và rộng mở. Đơn giản là mọi người dân đều có thể sử dụng được, thời gian ngắn nhất. Rộng mở là có thể tích hợp với tất cả các phần mềm đã, đang và sẽ triển khai trong tương lai”, ông Hiếu nêu.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cũng đề nghị mở cửa từ từ, theo khuyến cáo y khoa chứ không mở cửa cảm tính, không duy trì "zero COVID", không cần cách ly đại trà diện rộng với F1, F2, F3. Nếu F1 đã âm tính thì không còn F2, F3 nữa. Cũng không nên dùng thuật ngữ F2, F3 bị cách ly nữa. Người dân trở lại cuộc sống bình thường theo quy tắc sống an toàn với dịch.

"Chúng ta không sợ COVID-19 nhưng cũng không chủ quan để dịch bùng phát diện rộng. Tôi tin Bộ Y tế đã chuẩn bị các nguyên tắc cụ thể này, chỉ cần các địa phương lắng nghe, tin tưởng thực hiện. Thủ tướng cũng từng khẳng định không dùng chiến thuật “zero COVID” nữa mà mở cửa an toàn", ông Nguyễn Lân Hiếu phát biểu và cho rằng nền kinh tế đang chao đảo đã có tia sáng hy vọng.

Cũng theo ông Hiếu, ngành y tế cần chú trọng đầu tư chuyên môn, cơ sở vật chất ở cấp huyện, xã phường; đưa mục tiêu y tế vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Lãnh đạo ngành y vướng lao lý rất đau lòng

Ông Hiếu bày tỏ: “Khi cầm tấm bằng khen trong tôi luôn có hai luồng tình cảm trái ngược, vui có nhưng buồn nhiều hơn. Buồn vì có nhiều người xứng đáng hơn tôi chưa được ghi nhận; buồn vì biết rằng sau đó mọi việc có thể trở lại như cũ; buồn vì những thiệt thòi của ngành ai cũng nhận thấy lúc này nhưng sau dịch thì chưa chắc đã thay đổi được. Vì vậy, rất mong muốn sau đại dịch không thể nào quên này, những chế độ chính sách, những bất cập của ngành y sẽ được giải quyết và có hướng thoát ra”.

"Một vị lãnh đạo ngành y tế bị khiển trách, cảnh cáo, thậm chí vướng vào vòng lao lý đều khiến chúng ta hết sức đau lòng. Những lỗi cá nhân chắc chắn phải trả giá, nhưng lỗi quy trình, lỗi hệ thống cho dù đã được chỉ ra nhưng sao thay đổi lại khó vô cùng. Một giám đốc bệnh viện rất cần chuyên môn, tuy nhiên không chắc ông ấy đã nắm vững về quản lý hoặc các quy định lắt léo như hiện nay nên rất cần các cơ chế rõ ràng để việc mua sắm trang thiết bị, thuốc men, mà tốt nhất là tách rời ra khỏi lĩnh vực chuyên môn", đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề xuất.

Ông nêu dẫn chứng, khi ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức cấp cứu COVID-19 tại Bình Dương, lãnh đạo tỉnh đồng thời đã bổ nhiệm một người khác làm giám đốc điều hành, lo về trang thiết bị, vật tư y tế.

"Với mô hình mới đó, bệnh viện đã hoạt động trơn tru, hiệu quả cho dù được thành lập trong hoàn cảnh vô cùng cấp bách. Đây là ví dụ cho thấy những bất cập trong hệ thống cần được điều chỉnh càng sớm càng tốt, nếu không muốn nhận hậu quả to lớn hơn", ông Hiếu nói và nhấn mạnh, nếu được đảm bảo thu nhập, yên tâm công tác thì ngành y Việt Nam không thua kém nước nào trong khu vực.

Lam Thanh