ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân: Đoàn tàu TP.HCM cần kinh phí mua dầu để chạy trở lại
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:58, 09/11/2021
Chuyển 100.000 tỉ đồng đầu tư công sang hỗ trợ doanh nghiệp
Thảo luận tại Quốc hội ngày 9.11, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) cho biết trong làn sóng dịch lần thứ 4, TP.HCM là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Bình quân giai đoạn đó chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động (chiếm 0,7%) nghĩa là 99% doanh nghiệp không hoạt động và 99% người lao động bị giảm hoặc mất thu nhập trong hơn 3 tháng.
Ông Nhân cho hay dự báo, năm nay tăng trưởng âm 5%. Theo đó, cần khẩn trương thực hiện để khắc phục hậu quả của COVID-19 phục hồi tăng trưởng kinh tế; đưa số người nhiễm bình quân 1 ngày từ mức khoảng 1.000 xuống dưới 500 người, phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Giải pháp tiếp theo là cần cần hỗ trợ cho 430.000 người đã nhiễm COVID-19 và gia đình của hơn 16.600 người đã mất vì COVID-19 để họ có điều kiện phục hồi sức khỏe và điều kiện sống và làm việc; thu hút trở lại 300.000 lao động đã trở về quê; hỗ trợ các doanh nghiệp để khôi phục nhanh chóng sản xuất kinh doanh.
Theo ông Nhân, mặc dù TP.HCM năm nay dự kiến tăng trưởng âm 5% song các tiền đề vật chất, tinh thần quan trọng nhất của nền kinh tế thành phố, nơi đóng góp 23% GDP, 27% thu ngân sách vẫn còn nguyên vẹn.
Vậy, doanh nghiệp còn thiếu gì để khôi phục lúc này? Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân nêu vấn đề và cho biết, sau gần 4 tháng ngưng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp không có thu nhập, không có tiền mua nguyên liệu, vật tư cho giai đoạn sản xuất sắp tới, không có tiền để trả lương cho người lao động khi chưa tiêu thụ sản phẩm, không có tiền để trả tiền điện, tiền nước, trả chi phí vận tải…
Ông Nguyễn Thiện Nhân ví von: “Đoàn tàu kinh tế TP.HCM còn nguyên đầu tàu và các toa tàu đường ray, trưởng tàu, lái tàu, trưởng toa và 92% nhân viên các toa tàu, còn 8% thì đã về quê. Như vậy, đoàn tàu cần kinh phí mua dầu để chạy trở lại. Khi tàu đã chạy trở lại, thì bán được vé, có tiền trả nợ vay”.
Vậy 288.000 doanh nghiệp của TP.HCM và 400.000 hộ kinh doanh cần bao nhiêu tiền hỗ trợ? Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân hỏi và cho biết, TP.HCM tuy có số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước song chủ yếu vẫn là doanh nghiệp nhỏ. Dự báo khoảng 20% doanh nghiệp có thể tự khởi động lại, không cần hỗ trợ. 80% cần hỗ trợ của nhà nước để có đủ vốn lưu động với mức bình quân cho vay khoảng 5 tỉ đồng/doanh nghiệp, 25 triệu đồng/hộ kinh doanh cá thể.
Đại biểu Nhân tính toán, tổng mức vay 440.000 tỉ đồng thì có thể khởi động lại hầu hết cho doanh nghiệp này. Do đó, đại biểu kiến nghị nên dành khoảng 4% GDP để hỗ trợ các doanh nghiệp.
“Hiện nay, chúng ta đã chi hơn 100.000 tỉ đồng, dự kiến còn thiếu 100.000 tỉ đồng. Số tiền 100.000 tỉ đồng này có sẵn đó chính là trong đầu tư công chúng ta còn chưa dùng hết hơn vì điều kiện không cho phép để thực hiện”, ông Nhân nêu.
Từ phân tích này, ông Nguyễn Thiện Nhân kiến nghị Quốc hội cho phép chuyển 100.000 tỉ đầu tư công không chi hết năm nay sang để hỗ trợ các doanh nghiệp và phòng chống dịch, sẽ giúp các doanh nghiệp tăng tốc trong thời gian tới.
Đề xuất huy động 3 triệu tỉ đồng vốn đầu tư trong xã hội
Đồng tình với 16 chỉ tiêu của kế hoạch KT-XH trong năm 2022 và 12 giải pháp quan trọng mà Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng để thực hiện mục tiêu nêu trên, trước tiên là kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, Chính phủ cần quan tâm thêm vấn đề tự chủ vắc xin, tạo điều kiện chủ động nguồn vắc xin để cung cấp và bảo đảm an toàn sức khỏe của nhân dân. Ngoài ra, cần tăng cường công tác dự báo vì đây được coi là yếu tố rất quan trọng, giúp có thể xây dựng các kịch bản phòng thủ từ xa, tránh bị động như biến thể Delta thời gian vừa qua và chú ý thêm về nguồn thuốc điều trị COVID-19.
Nhóm giải pháp thứ hai, theo ông Ngân là cần tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, lũng đoạn giá, làm cho lạm phát cao tăng trở lại vì nếu để lạm phát cao sẽ phá vỡ việc thực hiện các kế hoạch phát triển của Việt Nam.
Nhóm giải pháp thứ ba là tập trung giải ngân đầu tư công theo đúng kế hoạch và hiệu quả. Năm 2021, kế hoạch đầu tư công là 477.300 tỉ đồng nhưng đến nay chỉ mới giải ngân được 65%, còn trên 160.000 tỉ đồng cần tập trung giải ngân để tạo đà phát triển cho giai đoạn tới. Năm 2022, kế hoạch đầu tư công lên đến 526.100 tỉ đồng.
Theo đại biểu Ngân, đây vừa là cơ hội, vừa là thử thách lớn. Nếu cần tăng đầu tư công lên nữa thì cần phải chú ý đến yếu tố giải ngân và xem xét ưu tiên đầu tư các khu vực trọng tâm, trọng điểm có tính lan tỏa để góp phần tăng nguồn thu ngân sách trong giai đoạn tới. Lý do là hiện nay, tuy nợ công có giảm nhưng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đã lên đến 24,8% so với mức trần là 25%.
Nhóm giải pháp cuối cùng, ông Ngân cho rằng để nền kinh tế nước ta tăng trưởng từ 6-6,5% cần phải huy động được vốn đầu tư xã hội trên 3 triệu tỉ đồng, trong đó nguồn vốn nhân dân là gần 2 triệu tỉ đồng.
“Muốn vậy, cần phải có gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp và có thể hỗ trợ từ 2-3% cho khoản dư nợ từ 1-2 triệu tỉ đồng và nếu chúng ta hỗ trợ trong 2 năm, cần nguồn lực là 40-60 nghìn tỉ đồng. Khoản này có thể lấy từ nguồn vốn đầu tư công chưa phân bổ”, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị.
Tranh luận việc tăng trần nợ công lên 51% GDP
Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách) tranh luận với đại biểu Hà Đức Minh (Lào Cai) về việc tăng trần nợ công lên 51% GDP.
Theo ông Toàn, tăng trần nợ công lên 51% GDP là mức tăng sẽ khiến dư nợ công đến 2025 tăng lên gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ, tạo ra rủi ro rất lớn cho an ninh tài chính quốc gia.
Ông Toàn nêu, nhìn vào con số nợ công của năm 2021 và chuẩn bị cho năm 2022 thì dư nợ công khoảng 44% GDP - nhìn thì thấy tương đối thấp. Tuy nhiên, ông Toàn phân tích do bước vào năm 2021, chúng ta điều chỉnh GDP tăng hơn 1 triệu tỉ (tương đương mức tăng 25%). Như vậy, mẫu số tăng lên, số dư nợ tuyệt đối không giảm, mức độ tăng nợ vẫn còn nên “tỷ số nhìn có vẻ thấp nhưng cần hết sức quan tâm”.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết đến 2021, mức trả nợ lãi và gốc đã xấp xỉ 25% GDP, tức là cứ 4 đồng chi tiêu thì có 1 đồng chi cho trả nợ. Ông nói đây là nội dung cần quan tâm trong an ninh tài chính quốc gia.
Ông Toàn cũng nêu điểm khác nhau khi nước ta nợ công tăng đều và liên tục qua các năm. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng nợ bình quân là 18,1%/năm. Đến giai đoạn 2016-2020, Quốc hội, Chính phủ đặt ra mục tiêu ưu tiên kiểm soát nợ công để đảm bảo an ninh tài chính cũng như các cân đối vĩ mô nên tốc độ tăng bình quân vừa qua được rút xuống còn trên 6,54%.
“Trong kế hoạch tài chính 5 năm hiện nay cũng xác định tăng 11%, nếu tăng trần nợ công lên 51% vào năm 2025 thì dư nợ công lúc đó khoảng 6,5 triệu tỉ đồng, tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ”, ông Toàn phân tích và đề nghị hết sức thận trọng.