Hàng ngàn thầy cô giáo nhiễm COVID-19 chưa thể đứng lớp dạy trực tiếp

Giáo dục - Ngày đăng : 23:22, 09/11/2021

Bộ GD-ĐT cho biết cả nước có hàng ngàn giáo viên bị nhiễm COVID-19 nên chưa thể đứng lớp, dạy trực tiếp cho các học sinh.

Ngày 9.11, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Hữu Độ đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến với các giám đốc Sở trên cả nước. Tại hội nghị, nhiều vấn đề nóng được các địa phương chia sẻ, trong đó có việc thiết bị dạy học trực tuyến của học sinh khó khăn, giáo viên và cơ sở giáo dục mầm non tư thục kiệt quệ vì dịch bệnh. Hiện tại, hàng ngàn thầy cô là bệnh nhân COVID-19 chưa thể tham gia đứng lớp nếu dạy học trực tiếp. Đây là bài toán mà nhiều địa phương, đặc biệt là TP HCM, cần nỗ lực giải quyết.

Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học nhấn mạnh 4 nhiệm vụ chung cần triển khai thực hiện trong năm học 2021-2022. Đầu tiên là bảo đảm an toàn trường học, chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để ứng phó với diễn biến khó lường của dịch COVID-19. Cùng với đó, triển khai thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 6. Tiếp tục thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2006 đối với các lớp còn lại; bảo đảm hoàn thành chương trình năm học đáp ứng yêu cầu về chất lượng giáo dục trong tình huống diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

hoc-truc-tuyen.jpg
Bộ GD-DDT đưa 6 nội dung quan trọng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022

Đưa ra ý kiến của mình về việc đối phó với dịch bệnh COVID-19 và cho học sinh đi học trở lại, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, cho biết khi trường học xuất hiện F0, F1, tỉnh chỉ cách ly lớp học có ca nhiễm, không đóng cửa cả trường. Ngoài ra, việc xét nghiệm, sàng lọc, vệ sinh khử khuẩn được nhanh chóng triển khai để sớm đưa hoạt động dạy học trực tiếp tại cơ sở đó trở lại bình thường.

Còn đối với Hà Nội và TP.HCM, lãnh đạo sở GD-ĐT cho biết về chuyên môn, việc dạy học và kiểm tra đánh giá trực tuyến cơ bản thuận lợi. Trong tình hình khó khăn khi phải dạy học ứng phó dịch bệnh, nhà trường, giáo viên vẫn sáng tạo nhiều mô hình, cách làm hay, giúp học sinh hào hứng học tập. Tuy nhiên, hai thành phố vẫn phải đối mặt vấn đề thiếu thiết bị dạy học trực tuyến; giáo viên và cơ sở giáo dục mầm non tư thục kiệt quệ vì dịch bệnh. Hàng nghìn thầy cô là bệnh nhân COVID-19 chưa thể tham gia đứng lớp nếu dạy học trực tiếp.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đánh giá cao các địa phương đã chủ động, trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ năm học nhằm thích ứng tình hình mới và thực hiện các mục tiêu đảm bảo an toàn về dịch, hoàn thành chương trình và kiên trì chất lượng. Thời gian tới, khi dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, ông Độ đề nghị các tỉnh, thành tiếp tục ưu tiên hàng đầu việc đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên.

khai-giang-2021-8.jpg
Bộ GD-ĐT khẳng định dạy và học trực tuyến bảo đảm hiệu quả

Bên cạnh các giải pháp đã và đang thực hiện, Sở GD-ĐT cần tích cực tham mưu, đề xuất để sớm hoàn thành tiêm 2 mũi vắc xin cho đội ngũ nhà giáo, nhân viên trường học và học sinh. Trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, các địa phương linh hoạt áp dụng hình thức trực tiếp và trực tuyến, cố gắng hoàn thành chương trình đúng kế hoạch. Tuy nhiên, “kiên trì mục tiêu chất lượng” vẫn phải được cơ sở giáo dục đặt lên hàng đầu.

Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương củng cố đội ngũ, đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu, chất lượng. Trong tháng 12, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu của các lớp, bậc học. Các địa phương cần chuẩn bị đầu tư để đảm bảo việc dạy học, trong đó lưu ý “không để thiết bị đến trường mà không ra lớp”. 

Khi tổ chức dạy học trực tiếp trở lại, các trường cần phân loại học sinh và dành thời gian ôn tập, bổ trợ kiến thức cho các em trước khi tiến hành kiểm tra, đánh giá. Với những địa phương chưa thể dạy học trực tiếp, việc kiểm tra đánh giá định kỳ có thể linh hoạt áp dụng các hình thức được quy định trong thông tư về đánh giá học sinh tiểu học, THCS, THPT và Thông tư 09 về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến. 

Bộ GD-ĐT đã tổ chức xây dựng, lựa chọn hệ thống bài giảng đảm bảo chất lượng đế tổ chức dạy học trực tuyến và phát sóng trên truyền hình theo môn học, cấp học để các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh học tập phù hợp với kế hoạch dạy học của địa phương. Phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (kênh VTV1, VTV2, VTV7) và Đài truyền hình Nhân dân để tổ chức sản xuất bài giảng và phát sóng trên truyền hình, trong đó ưu tiên cho lớp 1, lớp 2 là những đối tượng khó thực hiện việc học trực tuyến.

Đối với lớp 1, lớp 2, việc dạy học qua truyền hình hiện được thực hiện với 3 môn: Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh. Đối với lớp 6, bước đầu đã hoàn thành xây dựng và phát sóng 15 video bài giảng của các môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Các kênh truyền hình tỉnh, thành phố thực hiện tiếp sóng hoặc phát lại các chương trình này trong các khung giờ phù hợp trên sóng truyền hình địa phương. Bộ GD-ĐT đã xây dựng chuyên mục Hỗ trợ dạy học trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT để liên kết đến các nguồn học liệu số, bài giảng điện tử (e-leaming và bài giảng dạy học trên truyền hình), thông tin hướng dẫn lựa chọn phần mềm dạy học trực tuyến; lịch phát sóng dạy học trên truyền hình của tất cả các đài trên cả nước.

Khi học sinh mới trở lại lớp, nhà trường tổ chức tư vấn, hỗ trợ tâm lý, ôn tập, củng cố, bổ sung nội dung kiến thức phù hợp các nhóm học sinh, nhất là những em không tiếp cận được truyền hình, học sinh chuyển trường do phải di chuyển nơi cư trú để phòng, tránh dịch bệnh.

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung